9 trường phái tiêu biểu của đối kháng vũ khí hiện đại

Vũ khí lạnh là một trong những phần di sản kiến thức – kỹ năng không thể chối bỏ của võ thuật. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố như thời đại, sự phát triển kỹ thuật, bảo hộ… mà vũ khí khó có thể hình thành các sân chơi thể thao đối kháng như Boxing, Muay Thái, Taekwondo, Judo đã làm được… 

5 lỗi sai cơ bản của người mới tập đối kháng vũ khí

Những điều bạn cần chuẩn bị trước khi “đổ máu” trên sàn đấu

Việc thiếu môi trường đối kháng thực tế khiến cho người tập luyện khó kiểm chứng được kỹ thuật, đồng thời không rèn luyện được phản ứng thực tế khi sử dụng vũ khí. Nói một cách dễ hiểu hơn, bạn có thể rất thành thạo các kỹ năng vũ khí khi được bạn tập “dắt đòn”, nhưng lại lóng ngóng vụng về khi đối diện thực tế.

Vẫn có một số ít trường hợp các môn vũ khí được phát triển thành thể thao đối kháng, một số tồn tại như một hình thức tập luyện hoặc thậm chí chỉ đơn giản là… thú vui.

DOG BROTHERS

Dog Brothers được xem như tổ chức đối kháng vũ khí đầy đủ, đa dạng và có độ thực tế cao nhất hiện nay. Các thành viên sáng lập nên Dog Brothers đều là học trò của Dan Inosanto – huyền thoại võ thuật vũ khí người Philippines. Dog Brothers chủ yếu tập luyện và tổ chức giao đấu bằng gậy gỗ và dao găm nhựa tổng hợp (hoặc kim loại không mài bén), nhưng cũng đồng thời rất “cởi mở” khi thử nghiệm sử dụng nhiều loại vũ khí đa dạng như xích, trường côn… Nhiều thành viên cốt cán của Dog Brothers có xuất thân hoặc hiện phục vụ trong quân đội các nước hoặc các ngành nghề nguy hiểm như bảo vệ, an ninh…

Điều đặc biệt Dog Brothers có hệ thống bảo hộ rất hạn chế, chỉ bắt buộc bảo hộ đầu bằng mũ thép cứng fencing và bảo hộ xương bàn tay bằng găng hockey. Người tham gia Dog Brothers có thể tự trang bị thêm bảo hộ cùi chỏ, đầu gối, cẳng tay nếu cảm thấy cần thiết.

Dog Brothers ngày nay đã xây dựng được một hệ thống lý thuyết kỹ thuật bài bản nhưng vẫn không thể gọi là một bộ môn. Nói đúng hơn, Dog Brothers là một tổ chức quy củ và mang tính tiên phong về đối kháng vũ khí hiện đại.

KNIGHT FIGHT

Knight Fight xuất phát là một giải đấu tại Nga, mô phỏng cách chiến đấu của các hiệp sĩ trung cổ (xem thêm tại đây). Ngày nay Knight Fight đã trở thành một xu hướng, một thú vui thực sự bởi lẽ người chơi không chỉ phải nghiên cứu về cách sử dụng vũ khí cổ, trải nghiệm nó trong môi trường thật nhất có thể mà còn phải nghiên cứu một cách nghiêm túc về trang phục, áo giáp cổ cũng như các khía cạnh văn hóa liên quan.

BOFFER

Boffer là lối chơi vũ khí nổi tiếng của giới trẻ Âu – Mỹ, chuyên sử dụng vũ khí được bọc xốp (boffer). Các vũ khí này được phát triển từ cơ bản (gậy) cho đến những thứ phức tạp như giáo mác, khiên… Giới trẻ Mỹ đôi khi còn tổ chức đánh trận giả bằng boffer vì sự an toàn và vui nhộn của nó (vết thương nặng nhất boffer có thể gây ra là bầm nhẹ). Điều thú vị là “dân chơi” boffer Âu Mỹ thường chơi vì vui chứ không phải có sự đầu tư tập luyện kỹ thuật bài bản.

Ở Việt Nam cũng có các đội nhóm tập luyện theo lối chơi của Dog Brothers nhưng đôi khi sử dụng vũ khí như boffer để giảm bớt tính nguy hiểm của Dog Brother nguyên bản.

ARNIS

Arnis là một trong những môn võ thuật vũ khí truyền thống có di sản kỹ thuật đồ sộ nhất. Trong những năm gần đây, Arnis cũng đã phát triển luật thi đấu thể thao. Arnis sử dụng gậy như một vũ khí tượng trưng, vì ngay trong lý thuyết giảng dạy truyền thống cũng xây dựng chuyển động kỹ thuật gậy tương đồng với các vũ khí bén khác như kiếm mã tấu.

Nhìn chung Arnis có phần giống Dog Brothers, nhưng bảo hộ kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Điều này cũng gây một tác động tiêu cực là hạn chế đi sự linh hoạt vốn có của Arnis.

FENCING – KENDO

Fencing và Kendo được xếp chung trong mục này vì đây đều là những môn đối kháng vũ khí đã phát triển lên thể thao chuyên nghiệp, với một hệ thống luật, quy định bảo hộ và kỹ thuật thi đấu được phát triển một cách chi tiết, khoa học và mang tính đặc thù.

Nếu như Fencing (đấu kiếm châu Âu) đã trở thành môn thể thao Olympic nhờ sự phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 16 thì Kendo (đấu kiếm Nhật Bản) cũng đang dần tìm được chỗ đứng trong làng thể thao chuyên nghiệp và có sự phổ biến tầm cỡ thế giới.

CANNE DE COMBAT

Cái tên Canne de Combat có lẽ rất xa lạ với nhiều người. Dù không quá nổi tiếng nhưng thực thế Canne de Combat đã hình thành thể thức đối kháng.

Môn võ này được phát triển vào thế kỷ 19, bắt nguồn từ những người đàn ông quý tộc cần luyện tự vệ ở thành phố Paris. Đến năm 1970, Canne de Combat được Maurice Sarry soạn thảo lại và chính thức trở thành một môn võ tự vệ. Môn võ này được dạy ở trường dưới sự giám sát của một võ sư Savate. Ngày nay Canne de Combat được thi đấu với quần áo bảo hộ, gậy nhẹ và mũ Fencing (gần giống với Dog Brothers)

LORICA

Lorica có thể xem như một phiên bản “nhẹ nhàng” và mang tính thể thao cao hơn Dog Brothers. Lorica là một dự án phát triển bộ giáp cùng tên (hiện đã nâng cấp lên phiên bản Lorica MK II). Giáp điện tử Lorica có khả năng giảm tối thiểu chấn thương cho người sử dụng, tính toán chính xác sát thương do va chạm vũ khí gây ra. Hiện Lorica đã đi vào những giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi đi đến phương án hạ thấp giá thành các bộ giáp để dễ dàng phổ biến. Lorica hứa hẹn sẽ là xu hướng tương lai cho đối kháng vũ khí theo chuẩn mực thể thao chuyên nghiệp.

https://www.youtube.com/watch?v=gBhvUgxfUjk

WEAPONRY FIGHTING KIỂU CHÂU ÂU

Gần giống như Fight Knight, nhưng weaponry fighting kiểu châu Âu không phải các giải đấu bài bản. Nhìn chung, đây chỉ là một phong trào do những người yêu vũ khí cổ tự phát triển và xây dựng, bao gồm việc nghiên cứu – bảo tồn kỹ năng vũ khí châu Âu cổ cũng như các loại phụ kiện – trang phục chiến đấu cổ.

Những người chơi weaponry fighting có thành lập nhiều câu lạc bộ, đội nhóm và cũng thường xuyên đấu tập (sparring) nhưng chưa có sự thống nhất cao về lối chơi.

Y.N