Chia tay cây đại thụ làng Judo Việt Nam

Một tin buồn đến với làng võ Việt Nam, đặc biệt là những ai yêu quý môn Judo khi võ sư Nguyễn Hữu Huy, cây đại thụ của làng Judo Việt vừa ra đi sau một thời gian lâm bệnh…

oi1otkyn
Gia đình võ thuật với 5 thành viên đều là cao đồ của Judo và Aikido.

Võ sư Nguyễn Hữu Huy sinh năm 1942 và bắt đầu tập Judo lúc 17 tuổi tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Thanh niên (nay là Trường cao đẳng TDTT trung ương II). Ba năm sau ông bước vào sự nghiệp thi đấu và nhanh chóng được gọi vào đội tuyển Judo miền Nam Việt Nam. Đến năm 1977, ông được Công an TPHCM mời dạy Judo cho các học viên trường Hạ sĩ quan Công an Rạch Dừa rồi trường Hạ sĩ quan An ninh Linh Đông. Sau đó, ông tham gia huấn luyện Judo cho Phòng TDTT Bình Thạnh, Thành đoàn TPHCM…ông cũng góp phần xây dựng phong trào Judo ở một số tỉnh, thành.
Đến năm 1990, ông được Tổng cục TDTT (nay là Ủy ban TDTT) giao nhiệm vụ quan trọng đảm nhận vị trí HLV đội tuyển Judo Việt Nam. Những lứa học sinh đầu tiên của ông như Cao Ngọc Phương Trinh, Quốc Trung… đã tập luyện miệt mài dưới cái nóng của mùa hè cũng như cái lạnh của mùa đông để chuẩn bị lên đường Asian Games Bắc Kinh. Dù tại giải này đội tuyển của chúng ta không giành được thứ hạng gì. Nhưng cái được lớn nhất của Judo Việt Nam là tạo được mối quan hệ cùng bạn bè quốc tế và quan trọng hơn Judo của chúng ta lần đầu tiên trở lại đấu trường khu vực.

Judo Việt Nam tham dự SEA Games 16 tại Manila một năm sau đó với các võ sĩ : Cao Ngọc Phương Trinh, Nguyễn Thị Tuyết, Nguyễn Quốc Trung, Hoàng Việt Hùng… Tại SEA Games 16 thời kỳ đó các đội tuyển trong khu vực rất mạnh như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia. Thật bất ngờ, với sự dẫn dắt HLV Nguyễn Hữu Huy, nữ võ sĩ Cao Ngọc Phương Trinh đã đoạt huy chương vàng hạng cân 48kg cho đoàn Thể thao Việt Nam. Thành công nối tiếp thành công, tại các kỳ SEA Games17, 18, 19 và giải vô địch Đông Nam Á… các VĐV Cao Ngọc Phương Trinh, Quốc Trung, Nguyễn Kim Vui, Bùi Thúy Quỳnh đều giành thứ hạng cao. Với những cống hiến to lớn cho Thể thao nước nhà, võ sư Nguyễn Hữu Huy đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao Động hạng Ba, và ông được bầu vào giữ chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, khi Liên đoàn Judo Việt Nam thành lập (năm1996). 
Không thể không nhắc đế niềm đam mê Judo của Nguyễn Hữu Huy chính là nguồn động lực để ba con trai của ông là Nguyễn Quốc Tuấn, Nguyễn Quốc Trung, Nguyễn Quốc Thắng gắn bó với môn Judo và trở thành những judoka tên tuổi của Việt Nam. 
Khi đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động của Liên đoàn với ước mong góp sức phát triển phong trào luyện tập và nâng cao thành tích của Judo Việt Nam ngang tầm quốc tế. Những năm gần đây, dù sức khỏe không cho phép ông tham gia các hoạt động của làng Judo, nhưng ông vẫn thường xuyên chỉ bảo, động viên các con trong việc chung tay phát triển nền Judo nước nhà. 
Khoảng năm 2009, sau cơn bạo bệnh phải phẫu thuật tim, VS Nguyễn Hữu Huy đã hồi phục sức khỏe và trở lại hoạt động bình thường. Tưởng chừng cơn bệnh tim quái ác đã buông tha ông khi ông thông báo với anh em sẽ đi một số địa phương để thăm thú anh em, bạn bè. Không ngờ, cái tin ông mất đột ngột ngày 17/6/2013 làm bao thân hữu, học trò, môn sinh bất ngờ và đau đớn.
Nhớ về người bạn thân tình một thời, nhà báo Hoàng Đô – Chủ tịch Hội võ thuật khiếm thị của TP. Hồ Chí Minh – đã có bài thơ nhớ về ông:

Nhớ Thầy Huy,
Một thời thương nhớ một thời,
Một thời thương nhớ một thời đã qua.
Bây giờ người đã đi qua,
Cõi đời bỏ lại – Cõi xa nghìn trùng.
Nhớ Người nước mắt rưng rưng,
Người đi bỏ lại sau lưng nỗi buồn.
Một đời nhớ – nhớ – thương – thương,
Một đời nhớ mãi chân tình của nhau.

Hoàng Đô