Giải Judo quốc tế 2015: Hướng đến là giải vô địch chính thức của thế giới

Bên lề giải vô địch Judo quốc tế Việt Nam – Cúp Đại học CSND năm 2015 diễn ra tại NTĐ Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) từ ngày 15 – 19/10/2015, phóng viên VoThuat.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Lý Đại Nghĩa – Tổng thư ký Liên đoàn Judo Việt Nam (VJF) về giải đấu lần này, khi Việt Nam là nước chủ nhà đăng cai tổ chức.

Chùm ảnh ấn tượng trong ngày khai mạc giải Judo quốc tế Việt Nam 2015
11 quốc gia tham dự giải Judo quốc tế Việt Nam 2015

Chào ông, xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của giải vô địch Judo Quốc tế Việt Nam – Cúp đại học CSND năm 2015?

Giải đấu hướng đến 3 mục đích chính, mục đích quan trọng nhất, đây chính là môi trường kiểm tra lại chuyên môn của đội tuyển quốc gia, thông qua đây, tạo ra cơ hội cho các vận động viên tuyến trẻ tham dự, để họ thể hiện khả năng trong môi trường thi đấu quốc tế, bổ sung lớp kế cận cho đội tuyển quốc gia, đó cũng là mục đích thứ 2, mục đích thứ 3 giải đấu cũng nằm trong công tác phát triển phong trào, TP.HCM tổ chức giải đấu này không giống như những giải đấu khác đó là không chỉ đơn thuần công nhận kết quả mà chúng tôi mời các quận, huyện góp sức quảng bá, tuyên truyền để giúp cho thanh thiếu niên biết đến nhiều hơn môn võ Judo.

Ban tổ chức giải trong ngày khai mạc Giải vô địch Judo quốc tế Việt Nam - Cúp Đại học CSND 2015
Ban tổ chức giải trong ngày khai mạc Giải vô địch Judo quốc tế Việt Nam – Cúp Đại học CSND 2015

Theo dõi các trận đấu, ông đánh giá như thế nào về trình độ của các VĐV Việt Nam cũng như các đội tuyển nước bạn?

Theo dõi các trận đấu diễn ra trong khuôn khổ giải vô địch Judo Quốc tế Việt Nam năm 2015 thì có thể thấy các vận động viên của Việt Nam chưa có điểm gì nổi bật so với các vận động viên trong khu vực Đông Nam Á, cũng như trình độ thấp hơn so với các võ sĩ châu lục. Qua đây để thấy võ sĩ Việt Nam chúng ta chỉ mới tiếp cận được ở phạm vi Đông Nam Á còn việc để tiến xa và rộng hơn thì cần phải có những biện pháp dài hạn.

Quan trọng hơn là với giải đấu này chúng tôi cho đội tuyển trẻ của Trung tâm 1 (Hà Nội), trung tâm 2 (TP.HCM) và trung tâm 4 (Cần Thơ) tham dự, đây là lực lượng mà chúng tôi đánh giá rất cao. Dù còn trẻ, thành tích chưa có gì nổi bật nhưng dựa vào năng lực thi đấu thì đây chính là những nhân tố rất tốt để chúng ta quan tâm đầu tư chuyên biệt cho tương lai.

Giải có sự tham dự của hơn 150 VĐV đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với chủ nhà VN (4 đội tuyển) dự tranh 18 bộ huy chương (16 đối kháng).
Giải có sự tham dự của hơn 150 VĐV đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng với chủ nhà VN (4 đội tuyển) dự tranh 18 bộ huy chương (16 đối kháng).

Ông nói gì về việc đưa nội dung thi đấu cho các VĐV khiếm thị vào giải đấu này?

Judo không chỉ dành cho những người bình thường, Judo dành cho “đại đồng”, cho tất cả, trong đó có đối tượng khiếm thị. Phong trào Judo cho người khiếm thị ở Việt Nam cũng đã hình thành từ lâu. Nhân giải đấu quốc tế lần này, chúng tôi thử nghiệm thi đấu 5 hạng cân, thì cũng có 5 quốc gia đăng ký tham dự. Chúng tôi không đặt nặng về thành tích, mà mục tiêu chính là cho các võ sĩ Judo khiếm thị ở Việt Nam có thể gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế, từ đó họ có thể tự tin hơn, hội nhập vào cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là bắt đầu từ giải năm nay là mốc để các giải năm sau, bất kỳ một giải quốc tế nào, ngoài các nội dung thi đấu chính thức thì sẽ kếp hợp nội dung Para.

Ông Lý Đại Nghĩa cho biết Giải Vô địch Judo Quốc tế 2015 là cột mốc để các giải năm sau, bất kỳ một giải quốc tế nào do Việt Nam tổ chức thì ngoài các nội dung thi đấu chính thức thì sẽ kếp hợp nội dung Para.
Giải Vô địch Judo Quốc tế 2015 là cột mốc để các giải năm sau, bất kỳ một giải quốc tế nào do Việt Nam tổ chức thì ngoài các nội dung thi đấu chính thức thì sẽ kết hợp nội dung Para.

Bên cạnh việc tổ chức những giải đấu như thế này thì theo ông, cần có những giải pháp gì nâng cao chất lượng VĐV Judo Việt Nam cũng như phát triển phong trào?

Việc tổ chức giải cho các vận động viên cọ xát nâng cao trình độ chỉ là một trong nhiều giải pháp mà chúng tôi đang hướng đến. Giải pháp quan trọng nữa đó chính là đào tạo đỉnh cao. Trước đây, trong đào tạo đỉnh cao chúng ta chỉ cho các vận động viên đi tập huấn ở các nước, vùng lãnh thổ lân cận ví dụ như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, tuy nhiên chúng ta cần có một đầu tư tương đối khác thì chúng ta mới có thể vượt tầm khu vực, cho nên hiện nay chúng tôi đang đầu tư cho một số vận động viên được đào tạo dài hạn ở Nhật Bản, một số vận động viên chúng tôi cũng đang hướng đào tạo tại Châu Âu.

Tôi hi vọng, nhờ những định hướng này sẽ tạo ra những gương mặt chuyên biệt, có trình độ chuyên môn vượt bậc hơn so với những VĐV khác. Song song đó là việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đào tạo huấn luyện. Trước đây thì các huấn luyện viên thường sử dụng kinh nghiệm và chuyên môn chính để giảng dạy vận động viên, tuy nhiên hiện nay thì nhờ có sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, giúp chúng ta có thể đánh giá vị học, giám định theo từng giai đoạn huấn luyện.

Ông Lý Đại Nghĩa - Tổng thư ký Liên đoàn Judo Việt Nam cho biết mục tiêu của Giải VĐ Judo quốc tế là sau 3 năm sẽ trở thành giải vô địch chính thức của thế giới
Ông Lý Đại Nghĩa – Tổng thư ký VJF cho biết mục tiêu của Giải VĐ Judo quốc tế là sau 3 năm sẽ trở thành giải vô địch chính thức của thế giới.

Sau giải đấu,  Judo Việt Nam đã có những kế hoạch, dự định tổ chức những giải đấu tương tự?

Bắt đầu từ năm sau thì chúng tôi sẽ duy trì giải này trở thành giải truyền thống và cố gắng trong vòng 3 năm tới, giải đấu sẽ trở thành giải vô địch chính thức của thế giới, trong hệ thống Grand Prix hoặc Grand Slam để nâng trình độ của vận động viên và các VĐV tham dự giải này sẽ tích lũy điểm tham gia Olympic, đó chính là định hướng 3 năm tiếp theo của chúng tôi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: Cảm động trước tiết mục biểu diễn của Hội Aikido khiếm thị TP HCM tại Giải vô địch Judo quốc tế năm 2015

[jwplayer player=”1″ mediaid=”77662″]

Quang Bình (Thực hiện)