Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 3)

>> Lịch sử Muay Thái và những câu chuyện huyền thoại (Phần 2) <<

(Chú thích: các niên kỉ trong phần này được ghi với hai kiểu là BE (Tức là Phật lịch) và CE (Tức là Dương lịch) để đảm bảo tính chính xác về các thông tin lịch sử).

Nai Khanomtom

Nai Khanomtom là một tù binh chiến tranh người Thái, bị quân Miến Điện bắt vào năm B.E. 2310 (1767 CE). Ông bị giam giữ cho đến năm B.E. 2317 (1774 CE) thì có một sự kiện xảy ra. Vua Miến Điện lúc bấy giờ là Angwa đã tổ chức lễ hội ở Đại Thiền Tự (nguyên văn \: Great Pagoda), tỉnh Rangoon, và đấu võ là một trong những môn được chọn để thi đấu tại lễ hội. Biết tù binh người Thái ấy là một tay giỏi võ, vua Angwa quyết định đem ông ta ra để thi đấu với những võ sĩ người Miến Điện. Ngày 17 tháng 3, Nai Khanomtom đã đánh liền 10 trận không nghỉ giải lao với 10 võ sĩ Miến Điện, và đánh bại tất cả bọn họ. Đây là lần đầu tiên một cuộc thi đấu có sự tham gia của Muay Thái được tổ chức ở nước ngoài (không tính các trường hợp trong chiến tranh), và điều đó khiến cho nhân dân các nước, bao gồm cả Miến Điện và Thái Lan tôn sùng Nai Khanomtom là cha đẻ của Muay Thái, và ngày 17 tháng 3 hằng năm được gọi là ngày Muay Thái.

Nai Khanomtom
Nai Khanomtom

Muay Thái trong thời kì Thonburi

Thời kì Thonburi kéo dài trong khoảng thời gian B.E. 2310-2324 (1767-1781 CE). Đây là khoảng thời gian xây dựng lại đất nước trong buổi hòa bình của vương quốc Thái Lan. Việc luyện tập Muay Thái vẫn được duy trì để sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đất nước, hay đơn giản hơn chỉ là những cuộc đối đầu giữa những người đàn ông.

Thời gian này, bắt đầu xuất hiện những vấn đề phức tạp trong thi đấu Muay Thái. Đã có quá nhiều nơi luyện tập Muay, ở những vùng đất cách xa nhau, khác biệt trong lịch sử phát triển nên rất khó để tạo một quy chuẩn chung cho thi đấu Muay, đơn giản nhất là hệ thống điểm cũng chưa có. Vậy nên, họ quyết định thi đấu theo kiểu “sống còn”: thi đấu đến khi một người ngã xuống không thể đứng dậy, hoặc bỏ cuộc, người còn lại là người hiển nhiên chiến thắng.

Mongkon và pa-pra-jiat

Những cuộc thi đấu lúc bấy giờ được tổ chức ở những mảnh đất công cộng, ví dụ như khu vực đền chùa. Các đấu sĩ lúc bấy giờ vẫn giữ tục quấn nắm đấm và cổ tay bằng dây, đeo băng quấn đầu (mongkon) và bùa hộ mệnh (pa-pra-jiat) ở cẳng tay trên (thường là bên phải)

Muay Thái trong thời kì Ratanakosin

Thời kì này được xác lập trong 4 đời vua, từ vua Rama I đến Rama IV, thời gian chính xác là (B.E. 2325-2411, 1782-1868 CE). Vào thời điểm này, Muay Thái chính thức được coi là quốc võ, và là tâm điểm của mọi lễ hội.

Điều này khiến cho việc thống nhất các điều lệ, nguyên tắc và hoàn chỉnh luật đấu Muay Thái trở nên thực sự cần thiết, chẳng hạn như việc thống nhất thời gian của mỗi hiệp đấu. Tuy nhiên, rất khó để thống nhất về điều này, vì sau nhiều năm phát triển, mỗi vùng miền đã hình thành một chiến thuật – kĩ năng – thói quen thi đấu khác nhau, tùy theo đó mà mỗi võ sĩ ở các vùng miền sẽ có một lợi thế khi thi đấu trong khoảng thời gian phù hợp. Vả lại, lúc bấy giờ, các phương pháp tính giờ vẫn chưa được chính xác và phổ biến. Một cách tính giờ thú vị được đặt ra: người ta chọc thủng đáy 1 cái vỏ dừa bổ đôi, rồi thả nó nổi trong một thùng nước. Khi cái vỏ dừa chìm xuống thì sẽ có trống hiệu lệnh hết hiệp đấu. Lúc này vẫn chưa có luật giới hạn số hiệp đấu cho nên các đấu sĩ vẫn sẽ phải đấu với nhau cho đến khi một người bỏ cuộc hoặc không thể tiếp tục thi đấu.

(Còn tiếp)

Hồ Võ