Muốn lên sàn đấu, phải tập Sparring! (kì 2)

Muốn lên sàn đấu, phải tập Sparring! (kì 1)

Khái niệm – nguyên tắc Sparring

Tôi không nghĩ rằng Sparring là một điều quá mới mẻ trong lịch sử phát triển của võ thuật – một lĩnh vực vốn song hành suốt lịch sử phát triển của nhân loại. Có nhiều môn võ sơ khai của loài người hẳn cũng đã tồn tại hình thức luyện tập này vì tính tất yếu của nó: ít va chạm hơn để tập được nhiều hơn. Tuy nhiên, nhiều từ điển ngôn ngữ trên thế giới, dựa trên các bằng chứng nghiên cứu lịch sử võ thuật đã công nhận Boxing là môn võ đầu tiên khai sinh và sử dụng thuật ngữ Sparring. Và những môn võ đánh đài (Kickboxing, MMA…) đã triển khai, hoàn thiện và đúc kết nên nhiều kinh nghiệm sparring quý giá.

Bên cạnh Boxing, các môn mang tính nặng tính đối kháng khác như Kickboxing, Shanshou, Muay Thái cũng đặc biệt coi trọng việc tập sparring.
Bên cạnh Boxing, các môn mang tính nặng tính đối kháng khác như Kickboxing, Shanshou, Muay Thái cũng đặc biệt coi trọng việc tập sparring.

Dạo quanh trên nhiều diễn đàn, trang web võ thuật trong và cả ngoài nước, tôi nhận thấy rằng có rất ít những bài viết nói đầy đủ về sparring. Có lẽ đó là vì sparring đã trở thành một kĩ năng, một phần kiến thức không thể thiếu của những người tập các môn võ đánh đài, những nguyên tắc sparring trở thành “luật bất thành văn” mà những người tập có thể hiểu được dần qua thời gian thực hiện. Thực sự nếu quẳng bạn vào một lò boxing nào đó trong một ngày, bạn sẽ hiểu về sparring tường tận hơn bất cứ bài viết nào. Hơn nữa, tuỳ theo mỗi môn võ mà có bộ khái niệm, nguyên tắc sparring khác nhau – thật khó để tạo nên một khái niệm chung cho toàn bộ cộng đồng võ thuật đa dạng và phong phú này.

Tuy nhiên, tôi vẫn mạn phép biên tập, tóm lược lại những đặc điểm, nguyên tắc chính yếu, phổ biến nhất của sparring, để giúp bạn phần nào hiểu rõ hơn về khía cạnh quan trọng này, (tôi nghĩ điều này sẽ cần thiết cho những bạn đang tìm hiểu các môn võ chuyên đối kháng mà chưa thực sự bước vào luyện tập). Đoạn viết sau tổng hợp từ khái niệm – nguyên tắc sparring của nhiều môn võ, nên có thể bạn sẽ thấy chút khác biệt nhỏ với môn mình đang tập.

Sparring là gì?

Sparring là một hình thức luyện tập. Sparring đặc biệt chú trọng đến hoàn thiện kĩ thuật, chiến thuật thi đấu đối kháng. Mục tiêu quan trọng của Sparring không phải là cố gắng hạ knock out đối thủ – bạn tập; điều quan trọng nhất trong sparring là bạn có thời gian, cơ hội và khả năng kiểm soát tốt thi đấu thật,  từ đó bạn có thể tập luyện, thử nghiệm các đòn thế – chiến thuật – thủ thuật vào đối kháng, đồng thời bạn cũng sẽ dễ dàng quen dần với việc chống chịu, tránh né, đánh trả các tình huống bị tấn công khi đấu thật. Tuỳ theo môn võ mà có các hình thức khác nhau, tuy nhiên, tựu chung lại, nếu so sánh với một trận đấu thật, Sparring có những khác biệt sau:

-Bảo hộ kĩ hơn.

-Tốc độ đòn và lực ra đòn, một trong hai điều này sẽ được giảm đi để tranh sát thương mang tính chất hạ gục.

-Có hai dạng là đánh theo kịch bản (dành cho tập chiến thuật – thủ thuật), loại này còn gọi là drilling; và đánh tự do (như thi đấu)

Trong cách gọi hằng ngày, giới võ Việt Nam chúng ta hay nhắc đến sparring bằng cụm từ thân thuộc: “đấu tập”
Trong cách gọi hằng ngày, giới võ Việt Nam chúng ta hay nhắc đến sparring bằng cụm từ thân thuộc: “đấu tập”

Những nguyên tắc cơ bản khi sparring:

-Không tập trung hạ knock – out bạn tập. Nếu bạn làm vậy, bạn đã đi ngược lại nguyên lý tối cơ bản của sparring. Hãy phân biệt giữa “luyện tập, áp dụng kĩ thuật đánh gục đối thủ” với “đánh gục đối thủ”. Có những bài sparring được thiết kế đặc biệt cho các tình huống có khả năng gây knock-out hoặc chấn thương nặng, theo đó, đối thủ của bạn sẽ được trang bị bảo hộ phù hợp, cũng như được phép biết trước tình huống knock out để chuẩn bị. Hãy yên tâm, và đừng than trời rằng “Tập kiểu đó thì đánh thật làm sao mà được!”. Bạn có bao cát để tập va chạm thật, có hít đất để tập lực đấm, và có sparring đặc biệt cho knock-out, đừng bao giờ quên điều đó. Đến cả Manny Pacquiao còn không knock out bạn tập mình khi sparring thì tại sao bạn phải làm vậy? (Tin tôi đi, nếu bạn cứ muốn knock out tôi, lần sau tôi sẽ không dám sparring với bạn nữa – và người chịu thiệt chính là bạn.)

-Bảo hộ phù hợp, đầy đủ. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy là bảo hộ sparring luôn nhiều và “kín” hơn là thi đấu thật. Điều này phục vụ cho tính chất đặc thù của sparring: hạn chế va chạm mang tính chất “kết liễu” – cho cả bạn và bạn tập thời gian và cơ hội tập nhiều hơn. Nên nhớ một điều – điều mà tôi đã lặp đi lặp lại không phải chỉ 2 lần trong series bài viết này: chúng ta sparring vì khi đấu thật ta không đủ thời gian và cơ hội để tập và thử nghiệm. Vì thế, đừng biến buổi sparring thành trận đấu thật.

-Kiến thức đòn thế đầy đủ. Chính xác mà nói thì sparring là bước trung gian giữa lý thuyết và thực tế, nơi bạn sẽ thực hành các kĩ thuật ra đòn đơn giản, cho đến các chiến thuật, mánh khoé. Có 2 loại sparring thường thấy, đó là sparring theo kịch bản, và sparring tự do; trong đó, sparring theo kịch bản có thể giúp bạn hoàn chỉnh đòn thế trong thực tế, còn sparring tự do thì bạn chỉ nên thực hiện khi đã có đủ các kĩ năng chiến đấu cơ bản. Hãy chọn lựa loại Sparring phù hợp với bản thân.

Trong Brazilian Jiujitsu cũng tồn tại “rolling”, một hình thức luyện tập với tính chất giống sparring
Trong Brazilian Jiujitsu cũng tồn tại “rolling”, một hình thức luyện tập với tính chất giống sparring

-Tư tưởng và kiến thức Sparring. Bạn phải hiểu rõ lý do bạn phải tập sparring là để làm quen và thực hành, chứ không phải là bước ngay lên sàn (ôi tôi lại lải nhải vấn đề này nữa rồi!). Bạn – và bạn tập cần hiểu rõ tính chất, mục tiêu của mỗi bài sparring, nó thực hiện kĩ năng gì? Ai là người chủ động? Ai là người chịu thiệt? Kiến thức Sparring là điều bạn có được qua kinh nghiệm luyện tập, hoặc từ các hướng dẫn từ HLV, bạn tập, các bài hướng dẫn trên Internet. Kiến thức này giúp bạn chọn lựa bài tập, dụng cụ bảo hộ, tạo ra các custom (vấn đề custom sẽ nói ở phần sau) phù hợp, dựa trên kĩ năng cá nhân của bạn và bạn tập, cũng như mục đích luyện tập lúc đó. Nếu là người mới, tốt nhất bạn nên mời một người có kinh nghiệm sparring hướng dẫn và cho lời khuyên về bài sparring.

Còn tiếp …

Cáo già

Muốn lên sàn đấu, phải tập Sparring! (kì 3)