Những đòn cấm sử dụng trong MMA – võ tổng hợp

Nếu nhìn về quá khứ – thời điểm của những giải võ tổng hợp MMA đầu tiên, chúng ta sẽ phải thốt lên: thật tàn bạo! Thời điểm đó, các võ sĩ thi đấu với đôi tay trần, đôi chân có thể mang giày, không chia hạng cân, và cho phép sử dụng rất nhiều đòn cấm, kể cả….đấm vào hạ bộ đối thủ.

Pha đánh phạm luật của võ sĩ Pencak Silat Việt Nam tại SEA Games 28

Giải vô địch trẻ Vovinam toàn quốc 2015: Cải tiến luật thi đấu

Sự tàn bạo đó đã từng là điều cần thiết – bởi lẽ những sàn đấu võ tổng hợp thời kì đầu sinh ra là để giải quyết mâu thuẫn ngàn đời của giới võ thuật: tìm ra những tinh hoa thực tế và hiệu quả nhất từ các môn võ. Tuy nhiên, khi chúng ta đã tìm ra câu trả lời – kết hợp các trường phái võ thuật, đó cũng là lúc các điều luật chặt chẽ được ra đời để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, an toàn, đảm bảo sức khỏe và thậm chí là tính mạng cho các võ sĩ MMA.

Chọc mắt – một đòn cấm trong MMA.

Không tồn tại bất cứ một liên đoàn hay tổ chức nào thống nhất các giải MMA, vậy nên các điều luật trong MMA cũng chưa được đồng nhất. Tuy nhiên, nếu nhìn chung, chúng ta có thể nhận ra các đòn tấn công sau đây bị cấm ở hầu hết các giải đấu:

– Dùng đầu để tấn công đối thủ bằng các va chạm đơn thuần

– Chọc tay vào mắt đối thủ

– Cắn

– Nắm tóc

– Tấn công có chủ ý vào hạ bộ. Các tình huống vô ý có thể được bỏ qua, nhưng nếu gây nên chấn thương quá nặng khiến đối thủ không thể tiếp tục thi đấu, trận đấu sẽ được xử No Contest

– Cố tình đặt ngón tay vào miệng hoặc vào vết thương hở của đối thủ

– Tấn công vào xương sống, hoặc sau đầu

– Tấn công bằng chỏ từ phía sau

– Tấn công vào cổ họng, bóp cổ (khái niệm “bóp cổ” được hiểu là sử dụng các ngón tay. MMA cho phép các đòn siết cổ bằng cẳng tay, chân…)

– Cào, cấu

– Lên gối vào khu vực thận

– Quăng – đẩy đối thủ ra khỏi võ đài

– Phun nhổ vào đối thủ

– Nắm tay vào hàng rào, hoặc dây đài

– Tấn công đối thủ, khi đối phương đang chịu sự nhắc nhở của trọng tài

– Tấn công đối thủ sau tiếng chuông kết thúc hiệp đấu

– Sử dụng từ ngữ lăng mạ đối thủ trong võ đài (một số giải đấu như UFC không đặt nặng điều luật này để đảm bảo tính giải trí cho trận đấu).

– Ngoài ra, nhiều giải MMA (đặc biệt là ở Mỹ) cấm sử dụng các đòn chân và cùi chỏ khi một hoặc cả hai đối thủ đã không còn ở tư thế đứng. Để tránh các hiện tượng lách luật, điều luật này thường được ghi rõ “võ sĩ có 3 hay nhiều hơn những vị trí trên cơ thể chạm đất thì đã được tính là không còn ở tư thế đứng. Thế nhưng, một số giải đấu như One FC (Singapore), Pride (cũ, hiện đã giải tán) vẫn cho các đối thủ…đá hay đạp vào mặt những võ sĩ đã ngã xuống.

Y.N