Muốn thành cao thủ Aikido, đừng quên bài học từ tổ sư

Nhiều câu chuyện truyền miệng lẫn bằng chứng lịch sử cho thấy tổ sư Aikido Morihei Ueshiba là một trong những cao thủ lẫy lừng nhất lịch sử Nhật Bản cận đại, nếu chỉ xét trên phương diện thực chiến.

Sau Thái Cực Quyền đến lượt Aikido thách đấu MMA và cái kết không tưởng

Những tín hiệu đáng mừng sau khóa tập huấn Aikido quốc tế 2017

Trái ngược với điều đó, Aikido – bộ môn mà ông đã dùng cả đời để dày công nghiên cứu lại không dễ dàng đưa người tập luyện đến cảnh giới thực chiến. Aikido vốn yêu cầu đẳng cấp cao hơn bình thường để thực hiện được tôn chỉ “môn võ của hòa bình”, ưu tiên khống chế và hóa giải đối thủ thay vì đả thương trực tiếp, hơn nữa lại có hệ thống kỹ thuật phức tạp nên đòi hỏi người tập luyện phải dành nhiều thời gian tập luyện. Aikido vì thế mà trở thành một môn nghệ thuật có thể gắn bó cả đời người võ sĩ.

Aikido ngày nay.

Quay lại vấn đề thực chiến, vì sao Aikido đòi hỏi quá cao như vậy nhưng Tổ sư Ueshiba lại có thể trở thành “cao thủ” từ thời trẻ? Câu trả lời không nằm ở Aikido.

Tổ sư Ueshiba từ lúc sinh ra đã mang định mệnh của một võ sĩ. ông thuộc về dòng dõi samurai họ tộc Kii. Thân phụ của Ueshiba là đại lực sĩ truyền nhân của môn phái Aioi Ryu, tương truyền có thể dùng ngón út xách bao gạo nặng một tạ. Ngay từ bé, Ueshiba đã được học tập nghệ thuật và võ thuật.

Tổ sư Ueshiba (phải)

Lớn lên, Ueshiba tự giác có quyết tâm rèn luyện cơ thể để bù lại bẩm sinh mảnh khảnh yếu đuối. Ông chính thức bắt đầu tập luyện võ thuật cùng với nhiều môn thể thao như bơi lội. Chỉ tính riêng các thông tin được tổ sư và các học trò công bố, cuộc đời vị danh sư sinh năm 1883 này đã tập luyện các môn võ:

  • Thuở bé: Sumo và Aioi Ryu từ cha.
  • Từ thời thiếu niên đến khi nhập ngũ, ông đã tập luyện Kitō-ryū jujutsu và  Gotō-ha Yagyū-ryu
  • 1901: Tập luyện Tenjin Shin’yō-ryū
  • Không rõ Ueshiba đã học Jukenjitsu (thuật đánh lưỡi lê súng trường) từ khi nào, nhưng khi nhập ngũ (khoảng năm 1903), ông đã được biết đến là một trong những võ sĩ tài năng nhất trong môn vũ khí này. Theo một số sử liệu, Ueshiba còn tập Jujitsu trong thời gian này với danh sư Takusaburo Torawa
  • 1911: Bắt đầu tập luyện Judo
  • 1915: Tập luyện Daitō-ryū Aiki-jūjutsu với sáng tổ Takeda Sokaku. Ông được Takeda chọn làm người ngoại tộc đầu tiên kế thừa Aiki Jujitsu, có quyền truyền dạy và ra mọi quyết định cho vận mệnh của môn phái nếu như Takeda qua đời.
  • 1919: Bắt đầu hình thành phong cách võ thuật riêng của mình (sau này là Aikido)
Aiki-Jujitsu ngày nay.

Cả cuộc đời tổ sư của bộ môn Aikido là sự dấn thân và hi sinh cho võ thuật. Ông tập luyện từ nhỏ cho tới khi trở thành thanh niên. Khi tuổi ngoài 30, ông vẫn xem việc tập luyện và giao lưu võ thuật là một việc làm hết sức nghiêm túc, giá trị. Ông cũng không ngần ngại trải nghiệm sự khác biệt của nhiều bộ môn, dòng phái khác nhau, dù vẫn sáng tạo ra Aikido trên nền tảng Aiki-Jujitsu. Lúc sáng lập ra Aikido, ông đã ở đẳng cấp cao của nhiều môn võ và có nhiều kinh nghiệm thực chiến. Mọi yếu tố trong võ thuật, đặc biệt là những yếu tố quan trọng của Aikido như khả năng phán đoán và xử lý tình huống đều đã được Ueshiba rèn luyện tới cảnh giới thượng thừa.

Nhiều môn sinh Aikido thường đánh đồng giữa Aikido và bản lĩnh của tổ sư. Mỗi môn võ có con đường riêng, tổ sư Ueshiba đã có một con đường gần nửa đời người để đúc kết được đạo lý và tinh hoa của Aikido. Kỹ thuật và tinh hoa của Aikido cũng vì thế mà không thể được thông thạo hay tái hiện lại chỉ sau một sớm một chiều tập luyện.

Phạm Vũ