Những cái tên “nửa đúng nửa sai” trong làng võ Việt

Vì sự khác biệt ngôn ngữ, văn hóa và quan điểm nhìn nhận các yếu tố nên người Việt đôi khi sử dụng một số tên gọi “nửa đúng nửa sai” trong võ thuật, gây một số bất cập cũng như hiểu lầm cho cộng đồng. Sau đây một số ví dụ thú vị.

Sai lầm thường gặp khi cố tập võ ở nhà

Bài học tự vệ: Kiểm soát tình huống và sai lầm chết người

“VÕ GẬY” ARNIS

Arnis (hay còn gọi là Kali, Esckrima) là môn võ thuật vũ khí của người Philippines. Theo nhiều tài liệu không chính thức, Arnis được truyền bá vào Việt Nam một cách rộng rãi từ khoảng những năm 2005.

Võ sinh Arnis tập luyện gậy nhiều hơn mọi loại vũ khí khác không phải vì họ tập trung vào gậy, mà vì gậy an toàn hơn và vẫn dùng chung chuyển động với dao – kiếm.

Người Việt hay gọi Arnis là “võ gậy”, nhưng trên thực tế Arnis là môn võ thuật sử dụng hệ thống vũ khí hết sức phức tạp và da dạng, từ các loại gậy ngắn, gậy cải tiến, dao găm, dao phay dài – ngắn và kiếm. Arnis được biết đến tại Việt Nam nhờ các hoạt động tập luyện và trình diễn kỹ năng đánh gậy nên được hiểu như một môn “võ gậy”. Thực ra, gậy chỉ được xem như một dụng cụ tập luyện đặc trưng cho Arnis, vì gậy có thể sử dụng để tập luyện môn phỏng cho các kỹ thuật gậy cho đến vũ khí bén như kiếm, dao phay. Thậm chí, nhiều chuyển động kỹ thuật của dao ngắn trong Arnis cũng có điểm tương đồng với thuật đánh gậy, nên các võ sĩ Arnis thường xuất hiện với thanh gậy trên tay chứ không phải các vũ khí bén nguy hiểm khi tập tập luyện.

Trên trang Wikipedia tiếng Việt, bộ môn Arnis cũng được dịch thuần là “võ gậy”, một cách diễn dịch rất dễ gây hiểu lầm cho đặc trưng môn võ này.

“VÕ TỰ DO” MMA

MMA (Mixed Martial Arts), nếu dịch thuần theo ngữ nghĩa tiếng Anh thì nó phải được gọi là “Võ tổng hợp” chứ không phải võ tự do.

Trên thực tế, khái niệm “võ tự do” có thể đúng nếu dùng nó để mô tả những mùa giải đầu tiên của UFC – đấu trường võ tổng hợp đầu tiên được truyền hình công khai. Đó là thời kỳ mà khái niệm MMA vẫn chưa tồn tại, và các võ sĩ được sử dụng đòn thế một cách tự do đơn giản chỉ vì… luật cho phép.

Khái niệm “tự do” và “tổng hợp” khiến nhiều người hiểu nhầm về bản chất của MMA ngày nay.

Sau nhiều mùa giải UFC, khoảng giữa những năm 1990, làng võ thuật hiện đại nhận ra sự hiệu quả đặc biệt của việc tổng hợp nhiều kỹ thuật võ thuật ở các trường phái khác nhau, và đấu trường tự do như UFC đã mở đường cho điều đó thành hiện thực. Khái niệm MMA (Võ tổng hợp) ra đời từ thời điểm này, vì thế nó mang thuần nghĩa “võ tổng hợp” – tức là võ thuật có sự tổng hợp một cách bài bản và khoa học chứ không phải “võ tự do”.

Ngày nay, nhiều tờ báo lớn ở Việt Nam đã bắt đầu loại bỏ hoàn toàn cách gọi “võ tự do MMA” không chỉ đơn giản vì sự thiếu chuẩn xác. Cụm từ “võ tự do” còn tạo một tâm lý tiêu cực, thiếu chuyên nghiệp và có phần nào gợi nhớ đến những võ đài ở Việt Nam thế kỷ trước.

“MÔN VÕ” MMA

Thêm một quan điểm sai lầm về MMA, nhưng lại sai theo kiểu “dở dở ương ương”. Trước hết, MMA không có những đặc tính của một môn võ thống nhất như không có Liên đoàn hoặc tổ chức quản lý tuyệt đối, không có một quy định chính xác và ràng buộc về hệ thống kỹ thuật. Bản chất của MMA chỉ là một hình thức thi đấu, một bộ luật đã được xác lập. Các võ sĩ với skill set (hệ thống kỹ thuật) hoàn toàn khác xa nhau đều có thể được xem là một võ sĩ MMA, vì thế MMA không thể được xem như một môn võ thống nhất.

Về khía cạnh tập luyện, MMA đang dần đi đến một sự thống nhất về phương pháp và kỹ thuật, giống như một bộ môn.

Tuy nhiên, sự phát triển hướng chuyên nghiệp đã khiến MMA ngày càng xích gần hơn đến với sự thống nhất kỹ thuật. Các kỹ thuật có tính tương đồng dần thải loại lẫn nhau và chỉ để lại những lựa chọn kỹ thuật tối ưu. Luật đấu MMA được xác lập thống nhất ở tầm cỡ thế giới cũng góp phần giúp các võ sĩ ngày càng có con đường tập luyện giống nhau hơn, các HLV dạy MMA cũng có bài bản ngày càng giống nhau hơn (thực tế là đã phát triển đến mức gần tuyệt đối). Như vậy, khái niệm “môn võ MMA” có thể sẽ được xác lập trong một tương lai gần, nhưng chắc chắn không phải bây giờ.

“MÔN VÕ” KICKBOXING

Đúng theo chuẩn mực của các khái niệm quốc tế, Kickboxing là một “nhóm các môn thể thao đối kháng có sử dụng cả đòn chân và tay như Karate, Muay Thái, Lethwei,  Boxing (có crosstrain các môn dùng chân)”. Từ những năm 1960, Kickboxing đã được người Nhật tạo ra và phát triển như một thể thức thi đấu để các võ sĩ Karate có thể dễ dàng thi đấu giao lưu với nhiều môn võ, đặc biệt là với Boxing của người phương Tây.

Cũng như MMA, bản chất của Kickboxing là một thể thức thi đấu chứ không phải một môn võ.

Trường hợp “môn võ Kickboxing” có phần giống với “môn võ MMA”, nhưng Kickboxing có độ phức tạp và đa dạng kỹ thuật thấp hơn MMA rất nhiều, vì thế khái niệm “Kickboxing” có phần dễ chấp nhận như một môn võ (có hệ thống kỹ thuật nhất định và ràng buộc) hơn.

Ở Việt Nam, nhiều CLB thường được quảng bá “dạy Kickboxing” để dễ tiếp cận cộng đồng. Trên thực tế, khái niệm này nghĩa là “dạy các môn võ có thể thi đấu Kickboxing”, Muay Thái và Boxing là những ví dụ dễ thấy nhất.

Y.N