Sambo – môn võ “nhu thuật” của người Nga

Sambo là môn võ thể thao và tự vệ hiện đại được truyền bá tại Liên Xô cũ (Nga) vào đầu thế kỷ 20. Tên gọi của môn võ này, trong tiếng Nga là САМБО, được viết tắt từ ”САМозащита Без Оружия” . Một số nơi trên thế giới còn gọi Sambo là Sombo như tại Mỹ và tại một số quốc gia khác.

Theo tư liệu của Liên đoàn các Bộ môn Võ vật thế giới (International Federation of Associated Wrestling Styles (FILA)), Sambo hiện là một trong 4 bộ môn võ vật có tổ chức giải đấu nghiệp dư chính thức trên toàn thế giới. Ba bộ môn võ vật còn lại gồm: Vật cổ điển (Greco-Roman Wrestling 1), Vật tự do (Free-style Wrestling 2) và Nhu đạo (Judo 3).

Sambo - người anh em của môn võ Judo từ Nhật Bản
Sambo – người anh em của môn võ Judo từ Nhật Bản

Nguồn gốc

Sambo được phát triển dựa sự trên kết tinh và tập hợp nền tảng của các nghệ thuật vật truyền thống của các dân tộc thuộc Liên bang Xô Viết. Bộ môn cũng không ngừng phát triển và kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các môn võ vật khác trên thế giới. Chính vì vậy, khác với các bộ môn võ thuật khác, Sambo được gầy dựng bởi nhiều thế hệ của dân tộc Nga và không có người sáng lập . Sambo chính thức được Hội động thể dục thể thao tòan Liên Bang Xô Viết công nhận là một môn thể thao vào ngày 16/11/1930 và chính thức trở thành một môn kỹ năng bắt buộc cho lực lượng vũ trang của Liên Xô (và Nga ngày nay).

Tổng thống Nga Putin cũng là một cao thủ Judo và Sambo
Tổng thống Nga Putin cũng là một cao thủ Judo và Sambo

Các hướng phát triển của Sambo hiện đại

Xuất phát từ gốc, Sambo được chia thành ba hướng phát triển theo nhu cầu của cộng đồng:

– Sambo thể thao (Sport Sambo): Đây là hướng phát triển của САМБО, có tên gọi tiếng Nga là БОPБA САМБО, (theo tiếng Việt, nghĩa là Sambo thi đấu). Hướng phát triển này được tổ chức và xây dựng cho các giải thi đấu Đô vật nghiệp dư hay giải thi đấu Nhu đạo nghiệp dư. Về phương thức thi đấu, tương tự như Nhu đạo (Judo hiện đại), САМБО cũng có một số nét đặc trưng riêng về luật thi đấu, nghi thức và võ phục. Ví dụ về luật thi đấu, САМБО khác với Nhu đạo hiện đại (Judo hiện đại) ở một số điểm như sau:

Cho phép sử dụng mọi đòn khóa chân của đối thủ.
Nghiêm cấm mọi kỹ thuật khóa gây bất tỉnh (Chokeholds Technics 4).

– Sambo tự vệ (Self – Defence SAMBO): Đây là hướng phát triển của môn võ САМБО, có tên gọi tiếng Nga là САМОЗАЩИТHO САМБО. Hướng phát triển này được tổ chức và xây dựng trên cơ sở kết hợp với kỹ thuật tự vệ của Aikijutsu, Jujitsu hay Aikido, và các kỹ thuật dùng để tự vệ tay không hay sử dụng vũ khí khác.

– Sambo chiến đấu (Combat SAMBO): Đây là hướng phát triển của môn võ САМБО, có tên gọi tiếng Nga là ВОЕВОЕ САМБО. Hướng phát triển này được dùng để huấn luyện cho quân đội, Chính vì vậy, nhánh này khá xa rời với cội nguồn САМБО ban đầu. Nhánh này bao gồm tất cả các kỹ thuật tự vệ có vũ khí hay tay không thực dụng. Nói cách khác, nhánh này tương tự như môn võ tự do hiện đại, trong đó, САМБО được kết hợp với nhiều kỹ thuật thực chiến khác (striking & grappling technics).

Lịch sử phát triển

Các nhà tiên phong trong phong trào phát triển Sambo  đã cởi mở tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật tự vệ thực dụng của các dân tộc trên thế giới, để củng cố và nâng cao kỹ năng chiến đấu tay không cho lực lượng vũ trang tại Liên Xô cũ và Nga ngày nay. Trên lý thuyết, Sambo tiếp thu nền tảng võ thuật truyền thống của dân tộc Nga xây dựng, và không ngừng tiếp thu các kỹ thuật chiến đấu và học thuyết võ thuật của tất cả các dân tộc khác trên thế giới, thực dụng và phù hợp nhất với đặc điểm nhân chủng học của dân tộc mình. Xuất phát từ vị trí giao thoa giữa châu âu và châu á, nước Nga đã không ngừng tiếp thu các kỹ thuật chiến đấu từ chính các đạo quân xâm lược khác của họ trong suốt bề dày lịch sử vệ quốc.

Quân đội Liên Xô trong thời kì vệ quốc
Quân đội Liên Xô trong thời kì vệ quốc

Các ảnh hưởng từ bên ngoài tác động đến quá trình phát triển của Sambo được ghi nhận từ nhiều nền võ thuật khác nhau như: các kỹ thuật vật của phương Tây (European Wrestling), Nhu thuật phương Đông (Oriental jujitsu) và cả một số các kỹ thuật tự vệ đã được chuẩn hóa và đưa vào thi đấu tại thế vận hội như: Quyền Anh (Boxing), Vật cổ điển (Greco-Roman wrestling) và vật tự do (free-style wrestling), …  Ngoài ra còn rút tỉa một số kỹ thuật dị biệt của một số môn khác vào trong kỹ thuật của mình, ví dụ như: cảc kỹ thuật đâm, thích kiếm (lunging techniques) và các kỹ thuật đỡ gạt (parrying techniques) trong môn đấu kiếm Ý (Italian scherma fencing).

Sự phát triển của Sambo hiện đại, trong những tháng năm đầu tiên, có sự đóng góp rất lớn của võ sư Vasili Oshchepkov (ВАСИЛИЙ ОШЧЕБКОВ) và một võ sư Nga, tên là Victor Spiridonov (ВИКТОР СПИРИДОНОВ), trong việc chọn lựa và phối hợp các kỹ thuật của Nhu Đạo (Kỹ thuật của Nhu đạo trong giai đoạn đầu tiên khác với kỹ thuật của Nhu đạo dùng để thi đấu rộng rãi ngày nay) để bổ sung cho kỹ thuật vật truyền thống của dân tộc Nga. Cả hai ông đều hy vọng kỹ thuật đô vật của Liên Xô (Liên Bang Xô Viết cũ) có thể được cải thiện bởi sự bổ trợ của các kỹ thuật được rút tỉa từ “Tân Nhu thuật” (Kano’s jujitsu), của tổ sư Nhu đạo KANO (Kano), với kỹ thuật vật “nắm áo“ (jacket wrestling).

Võ sư Vasili Oshchepkov (ВАСИЛИЙ ОШЧЕБКОВ), được xem là một trong những người tiên phong trong công cuộc chấn hưng Sambo, đã từng huấn luyện Nhu đạo (Judo) và Không Thủ Đạo (Karaté) cho Đội đặc nhiệm của Hồng quân tại Đại bản doanh của Hồng Quân. Ông được chính tổ sư Nhu đạo (Judo), cố võ sư  Jigoro Kano công nhận huyền đai đệ nhị đẳng trong đợt đầu tiên huấn luyện cho các võ sinh nước ngoài (cùng đợt thụ phong với ông tại Nhật còn có 4 võ sư khác) và đã áp dụng triết lý của Tổ sư Nhu đạo để đặt nền tảng cho sự phát triển của nghệ thuật tự vệ Nga hiện đại.

BV5A9246

Võ sư Victor Spiridonov (ВИКТОР СПИРИДОНОВ) là cựu chiến binh Thế chiến thứ I và là một trong những huấn luyện viên đầu tiên, được CLB Dinamo mời giảng huấn về đô vật và kỹ thuật tự vệ. Ông có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về vật cổ điển (Greco-Roman wrestling), vật tự do (Free style wrestling), và nhiều bộ môn vật khác của các dân tộc “Xi – la – vơ“ (theo phiên âm tiếng Việt, phân bố ở Trung và Đông Âu, hay một phần vùng đồng bằng sông Danube). Dưới vai trò là “người hướng dẫn kỹ thuật chiến đấu”, ông đã đi du khảo và tìm hiểu tại Mông Cổ (quê hương của môn đô vật Mông Cổ khá nổi tiếng) và Trung Hoa dân quốc về kỹ thuật chiến đấu truyền thống của các dân tộc tại đây.

Vào năm 1923, hai ông Vasili Oshchepkov và Victor Spiridonov đã cùng phối hợp với một nhóm các chuyên gia khác, được Chính quyền Xô Viết giao nhiệm vụ, nhằm xây dựng một chương trình huấn luyện mới hợp lý và hiệu quả hơn về kỹ năng tự vệ cho Hồng quân. Với tầm nhìn mang tính bao quát có hệ thống, Victor Spiridonov đã thu lược, sắp xếp và phối hợp các kỹ năng tự vệ trên thế giới thành một hệ thống liên hoàn để tăng khả năng tự vệ trước mọi tình huống. Cùng lúc, Vasili Oshchepkov thì nghiên cứu các kỹ thuật riêng đã được tổ sư Nhu đạo, Jigoro Kano, rút tỉa từ Nhu thuật dòng Tenjin Shin’yo Ryu (Tenjin Shin’yo Ryu jujitsu) và dòng Kito Ryu (Kito Ryu jujitsu) để áp dụng vào Nhu đạo. Đồng thời, ông cũng xây dựng một hệ thống lý luận và thực tiễn để phối hợp và đánh giá khả năng ứng dụng của các kỹ thuật chiến đấu dựa trên cơ sở khoa học vào cùng một hệ thống kỹ thuật mới của Sambo.
Mỗi kỹ thuật của Sambo đều dược mổ xẻ và phân tích kỹ lưỡng về tính hiệu quả và hợp lý về nhân chủng học của dân tộc Nga, với tham vọng là kỹ năng tự vệ tay không với mục tiêu tối thượng là khống chế địch thủ trong thời gian ngắn nhất. Chính vì vậy, Sambo đã đưa các kỹ thuật cận chiến hiệu quả nhất của Nhu thuật (Jujitsu) và “người anh em mềm dẻo của nó” là Nhu đạo vào hệ thống đào tạo của mình. Sambo vẫn đang được nghiên cứu và phát triển bởi các chuyên gia về thể dục thể thao. Mục đích chính của Sambo là tối ưu hoá kỹ thuật và khả năng huấn luyện để có thể áp dụng cho nhu cầu tự vệ cá nhân, cho cảnh sát, cảnh sát dã chiến, bộ đội biên phòng, đặc cảnh, bảo vệ yếu nhân, nhân viên bệnh viện tâm thần, quân đội và biệt kích.

Tô Thiện (Sưu tầm)