Thể thao hóa sớm – con đường hồi sinh vị thế của Muay Thái

So với các môn võ thuật truyền thống châu Á khác, Muay Thái là một trong những môn bị thể thao hóa sớm nhất. Con đường tưởng chừng làm giảm đi tính thực chiến ấy lại chính là điều đã đưa Muay Thái đến vị thế ngày hôm nay, một trong những môn võ thuật truyền thống có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay.

4 cuộc đối đầu nảy lữa giữa Muay Thai và Karate trong lịch sử

Những điều ít ai hiểu về luật Muay Thái IKF

Muay Thái đã từng có vị thế lớn trong khu vực vào thời trung đại. Kể từ khi xuất hiện những mầm mống kỹ thuật đầu tiên vào thế kỷ 13, Muay đã cùng người Xiêm bắt đầu sinh tồn suốt hàng trăm năm chinh chiến loạn lạc giữa nhiều tộc người như Chăm-pa, Khmer, Miến Điện… Mỗi quốc gia và dân tộc xung quanh đều có nền di sản võ thuật đáng chú ý, nhưng dựa vào nhiều sử liệu có thể khẳng định rằng Muay của Thái luôn nắm vị trí hàng đầu khu vực. Đến tận giữa thế kỷ 18, vẫn có những câu chuyện như chiến binh Xiêm Nai Khanomtong một mình dùng Muay Thái đánh bại liên tục 10 võ sĩ Leithwei ngay trên đất kinh thành của người Miến Điện (sau này, Nai Khanomtong được người Thái tôn sùng như “thánh tổ” của Muay hiện đại). Lý giải về điều, có lẽ điều khác biệt rõ ràng nhất của Muay Thái đó là sự thể thao hóa và “bình dân hóa” võ thuật từ rất sớm.

Các di tích như tranh vẽ hay phù điêu đền chùa cho thấy Muay phát triển mạnh trong suốt thời Trung đại.

Cũng như nhiều môn võ thuật truyền thống khác, Muay Thái sớm được hóa thân vào văn hóa cộng đồng chứ không chỉ tồn tại như một môn võ dùng trên chiến trận. Nếu như người Hàn có Taekkyeon và võ vật Ssireum trở thành trò chơi dân gian mùa lễ hội, người Mông Cổ có Bökh và người Việt có võ vật Từ Sơn thì với người Xiêm, đó chính là Muay Thái. Theo nhiều sử liệu, từ thế kỷ thứ 13, Muay Thái đã tồn tại như môn võ thuật – thể thao mang tính chất quần chúng của người Xiêm.

Tuy nhiên, vượt xa tính giải trí và tập luyện, Muay Thái đã bước những chặng đường dài để trở thành một hình thức thể thao  chuyên nghiệp thực sự. cũng theo những sử liệu đối chiếu giữa Dương lịch và Phật lịch (lịch của người Thái) đang được Liên đoàn Muay Thái Lan công nhận, từ những năm đầu thế kỷ 17 – thời thịnh trị của triều vua Naresuan, Muay Thái đã có dấu hiệu gần giống như một môn combat sport hiện đại: có luật lệ rõ ràng về sàn đấu, kỹ thuật, trang phục, và thời gian thi đấu. Một điểm đáng chú rằng ở mốc lịch sử này, quyền Anh ở châu Âu vẫn chưa có những dấu hiệu rõ ràng của một môn “thể thao” như giới hạn thời gian thi đấu, bảo hộ… Cá cược các trận đấu Muay cũng đã xuất hiện từ khoảng thời gian này và được gìn giữ tới tận bây giờ.

Muay Thái – môn võ đậm chất văn hóa.

Kể từ đây, sự phát triển của Muay Thái với tư cách là một môn thể thao có thể được điểm lại với những mốc chính sau:

  • Khoảng năm 1700: Prachao Sua – vị vua Thái đầu tiên giả trang thường dân để… thi đấu Muay Thái trong dân gian.
  • 1767: Sự kiện Nai Khanomtong dùng Muay Thái đánh bại liên tục 10 võ sĩ Leithwei Miến Điện.
  • 1767 trở đi (triều đại Thonburi): luật Muay ở các địa phương vốn khác nhau, nay bắt đầu được hợp nhất lại ở phạm vi quốc gia.
  • 1782 trở đi (triều đại Ratanokosin): luật Muay bắt đầu xuất hiện khái niệm “hiệp đấu”.
  • 1788: dưới sự ủng hộ và tổ chức của vua Pra Puttha Yord Fa Chula Loke, trận Muay đầu tiên trong lịch sử giữa người Thái và người châu Âu diễn ra. Kể từ sự kiện này, Muay Thái bắt đầu bước vào thời kỳ cọ sát nảy lửa với võ thuật phương Tây. Sự hình thành của Muay Thái thể thao giúp nó có điều kiện cực tốt để giao lưu kỹ thuật với các môn võ trên toàn thế giới.
  • 1887: “Học viện” của Hoàng gia Thái Lan (tương đương với Bộ Giáo dục) đưa Muay Thái vào chương trình học bắt buộc, ngang hàng với các môn văn hóa, khoa học
  • 1921: Suan Khulab – nhà thi đấu Muay đầu tiên được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của tướng Praya Dhepasadin khi đến thăm các nhà thi đấu thể thao tại châu Âu. Các điều luật của Muay Thái thể thao được hoàn chỉnh.
  • 1929: chính quyền Thái Lan ra lệnh yêu cầu tất cả võ sĩ đều phải dùng găng đấm bốc để thi đấu. Cũng tại thời kỳ này, thói quen “cuối tuần đi xem đấu võ” của người Thái chính thức hình thành khi hàng loạt nhà thi đấu được thành lập và đi vào hoạt động có tổ chức, định kỳ. Bộ quy tắc thể thao của Muay Thái được xác lập hoàn toàn và có rất ít khác biệt so với ngày nay.
  • 1945: Muay Thái chính thức áp dụng khái niệm “hạng cân”

Như vậy, dù xuất xứ từ miền đất Nam Á có thời gian dài cách biệt với các nền văn mình khác như châu Âu, sự phát triển của Muay Thái thể thao không hề lạc hậu. Nếu Jack Broughton đưa ra khái niệm “hiệp đấu” vào năm 1743 và hàng chục năm sau đó mới được đưa vào áp dụng phổ biến thì ở những mốc thời gian chênh lệch không đầy nửa thế kỷ, người Thái cũng làm được điều tương tự.

Việc “thể thao hóa” tưởng chừng giết chết chất “võ” của một môn võ thuật vốn sinh ra từ chiến trường trung đại, nhưng sự thật rằng nó đã biến Muay Thái thành một trong những môn võ thuật cổ điển có sức ảnh hưởng nhất hiện nay. Tiếng nói của Muay Thái không chỉ có sức nặng trên những đấu trường của riêng Muay Thái trên toàn thế giới mà còn ảnh hưởng cả Kickboxing và MMA.

Trước hết, tính “thể thao” tạo ra điều kiện gần như hoàn hảo để trui rèn và thử thách kỹ thuật, khiến kỹ thuật Muay Thái luôn được trui rèn bởi chính mồ hôi và máu của các thế hệ võ sĩ. Hãy nhìn lại video clip đầu tiên mà con người quay và giữ lại được về Boxing cách đây 120 năm, bạn sẽ hiểu việc thử thách và phát triển kỹ thuật liên tục quan trọng đến mức nào đối với một môn võ thuật đối kháng.

Sự phát triển của kỹ thuật Boxing trong 120 năm qua.

Nếu bạn đã có câu trả lời về Boxing, hãy hiểu rằng điều tương tự cũng diễn ra đối với Muay Thái.

Việc một môn võ “chiến” trở thành “võ thể thao” là quy luật tất yếu của hầu hết mọi môn võ. Không có bất cứ quốc gia hay dân tộc nào tồn tại liên tục trong trạng thái chiến tranh suốt 10 thế kỷ qua, các môn võ cũng vậy. Các môn võ đều phải học cách tồn tại trong thời bình, và đánh nhau sinh tử không phải cách để nó được chấp nhận, được tồn tại trong lòng mỗi dân tộc buổi bình yên, bất kể là để chuẩn bị cho cuộc chiến tiếp theo hay chỉ đơn giản là bảo tồn một nét văn hóa.

Muay Thái trên đấu trường MMA

Muay Thái đã “sống” trong khi (đáng buồn thay) nhiều môn võ khác đã hoàn toàn mất đi chỗ đứng trên bản đồ võ thuật hiện đại. Có những phép so sánh rất nhạy cảm nhưng nó xứng đáng được nói ra với những bằng chứng cụ thể: Leithwei của người Myanmar và Silat của người Indonesia, Philippines… không có được chỗ đứng và sức ảnh hưởng lớn như Muay Thái; Taekkyeon 5.000 năm tuổi của Hàn nay mới bắt đầu những thập niên đầu tiên tìm con đường trở thành thể thao đối kháng; còn Pankration huyền thoại của người Hy Lạp suýt bị tuyệt diệt. Tất cả đềuu vì những môn võ này để không (hoặc quá chậm) bước theo xu thế thể thao. Đòn tay của Muay Thái đã tinh giản hơn rất nhiều kể từ khi chạm trán với người châu Âu, những cú đập tống trước hay phang trụ kinh điển của Muay lại tồn tại hàng trăm năm qua. Tất cả những điều đó có lẽ đã là chuyện viễn vông nếu như Muay Thái chưa từng được thể thao hóa.

Hồ Võ