Top 6 môn võ ít thực chiến nhất

Vẫn là câu nói cũ: “Thực chiến là vấn đề của con người, không phải của bộ môn”. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh kỹ thuật đặc trưng mà mỗi môn võ đều có và công nhận, vẫn có những môn võ được đánh giá là ít thực chiến hơn các môn võ khác.

Thế võ thực chiến chuyên nghiệp như trong phim hành động

Xem hết video này, bạn sẽ hiểu vì sao BJJ vô đối trong thực chiến 1 vs 1

Đánh giá vấn đề thực chiến của võ thuật là một vấn đề phức tạp và nhạy cảm. Nó phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như nhóm võ sĩ đại diện, võ sĩ ở trình độ trung bình, tỷ lệ thành công trong các trường hợp thực chiến, thời gian tập để có được khả năng kiểm soát kỹ thuật… cũng như quan điểm cá nhân của người đánh giá. Hẳn chính bạn cũng có quan điểm cá nhân và một danh sách các môn võ mà chính bạn cho rằng nó không thực chiến. Yếu tố cá nhân đó khiến cho các bảng xếp hạng môn võ thiếu thực chiến trở thành đề tài tranh cãi lớn nhất trong làng võ thuật.

Có thể bạn sẽ không đồng tình, nhưng mời bạn xem qua danh sách 6 môn võ ít thực chiến nhất do Mixedmartialarts – một trong những trang báo võ thuật quốc tế nổi tiếng nhất xếp hạng và chia sẻ:

1: YELLOW BAMBOO (TRE VÀNG)

Môn võ của người Bali (Indonesia) đứng đầu trong bảng xếp hạng này. Môn Yellow Bamboo tin vào các phương pháp tâm linh để đả thương đối thủ, và hiện vẫn chưa có bất cứ công trình khoa học nào chứng tỏ khả năng thực sự của phái võ này. Mọi lý thuyết của Yellow Bamboo đều thuộc về thế giới tâm linh, phản khoa học và đôi khi khiến người tập luyện trong giống như… phù thủy hơn là võ sĩ. Dẫu vậy, bằng một cách nào đó, môn võ này vẫn được phát triển trên thế giới và thậm chí được phương Tây đón nhận.

Nếu bạn tò mò về khả năng thực chiến của môn võ này, bạn có thể xem video clip sau đây (các võ sinh Yellow Bamboo mặc áo vàng)

2: “CÁCH KHÔNG ĐIỂM HUYỆT” DILLMAN

Được sáng lập bởi võ sư George Dillman (Mỹ), môn Dillman’s No Touch trở thành cái tên thứ 2 trong danh sách này. Điều đáng nói rằng George Dillman không phải là một nhân vật tầm thường. Tập luyện võ thuật từ năm 1961, ông trở thành cái tên nổi tiếng trong làng võ thuật Mỹ, từng được tạp chí danh giá Black Belt vinh danh năm 1997. Nhiều nguồn tin cho biết ông còn từng tập luyện với những nhân vật nổi tiếng như Lý Tiểu Long hay Muhammad Ali.

Lý thuyết võ thuật của Dillman tập trung đòn tấn công vào các Pressure Point (huyệt đạo), khiến ông có khả năng hạ knock out đối thủ bằng các đòn đánh nhẹ nhàng, gãy gọn và thậm chí chỉ bằng… tiếng hét. Không có nhiều bằng chứng về khả năng thực chiến của võ sư Dillman nhưng có một sự thật rằng dù sự nghiệp của ông hiển hách đến đâu, vẫn chưa có ai thực sự lĩnh hội được tuyệt kỹ “cách không điểm huyệt” (nếu có) mà ông đang truyền dạy.

3: AIKIDO

Aikido là một trong những môn võ gây tranh cãi nhiều nhất về yếu tố thực chiến, bởi lẽ khác với những cái tên còn lại trong danh sách này, Aikido cực kỳ phổ biến trên toàn thế giới, và cũng đừng quên rằng Aikido xuất phát từ Nhật Bản – một trong những thánh địa của võ thuật cổ điển.

Những yếu tố khiến Aikido bị trang Mixedmartialarts đánh giá “thiếu thực chiến” có lẽ do hệ thống kỹ thuật đòi hỏi khả năng “cảm đòn” và xử lý tình huống quá cao, khiến cho môn võ trở nên quá khó sử dụng với người mới và cần rất nhiều thời gian tập luyện để một người bình thường đi đến đẳng cấp đủ khả năng tự vệ trong thực chiến. Thực tế, tổ sư Morihei Ueshiba đã phải tinh thông rất nhiều môn võ cương – nhu Nhật Bản trước khi tạo ra Aikido, bản thân ông trước khi sáng tạo ra môn võ thuần nhu này đã trở thành một võ sĩ nổi tiếng, và tất nhiên đã có khả năng kiểm soát tình huống vượt trội. Có lẽ đó là một trong những lý do lớn khiến nhiều thế hệ môn sinh Aikido không thể thực chiến được như tổ sư đã từng.

Video clip: Aikido vs Brazilian Jiujitsu

4: McDOJO

“McDojo” hay “McMansion” and “McChurch” là các thuật ngữ chỉ những CLB võ thuật (thường ở phương Tây) được dựng lên nhưng không giảng dạy một môn phái chính thống nào. Phần nhiều các lò võ này nhái hình ảnh (võ phục, đai đẳng) của các môn Karate, Taekwondo… nhưng lại không chịu sự quản lý của Liên đoàn các môn này. Ở nhiều nước Âu, Mỹ… việc tổ chức lớp học võ thuật rất dễ xin phép, cũng như khái niệm “môn phái” ít được quan tâm rõ ràng nên loại lò võ này rất phát triển.

Cooper McDonald, 10, practices forms at Oklahoma Karate in Sapulpa on June 23, 2011. McDonald has been taking karate lessons for six years, and is currently a first degree black belt. JEFF LAUTENBERGER/Tulsa World

Và dĩ nhiên, nếu lò võ đó không đi theo một hệ thống bài bản nào nhất định (vốn là đặc trưng của một môn võ xác định), chất lượng tập luyện không thể đảm bảo. Nhìn chung, thuật ngữ McDojo cũng có thể dùng để ám chỉ các lò võ, môn võ tự phát.

Video clip: Một bài thi lên đai đen theo kiểu “McDojo”

5: SYSTEMA

Điều thú vị là trang Mixedmartialarts đưa cả bộ môn được cho là “đang dùng để giảng dạy trong quân đội Nga” vào danh sách các môn thiếu thực chiến nhất. Có lẽ, đó là vì môn này chủ yếu bám sát lối đánh “nguội”, tức là bắt đầu pha xung đột một cách bất ngờ, có tính toán và ra đòn liên tục, dồn ép đối thủ đến khi hoàn toàn bị triệt hạ hoặc khống chế. Lối đánh này nghe có vẻ rất hữu hiệu để trấn áp người khác, nhưng thực sự cũng bộc lộ nhiều điểm yếu nếu như pha “đánh nguội” không thành công và chuyển sang “đánh nóng”, tức là đối đầu với người đã có thời gian để chuẩn bị ẩu đả, hoặc đã sẵn sàng ẩu đả với tâm lý và khả năng phán đoán tốt nhất.

6: VỊNH XUÂN

Có lẽ điểm yếu của Vịnh Xuân là sự kết hợp điểm yếu giữa Aikido (kỹ thuật quá phức tạp, khó “cảm đòn”) và Systema (chỉ phù hợp cho “đánh nguội”). Ngoài ra, sự phát triển của điện ảnh võ thuật cũng khiến quá nhiều người tập Vịnh Xuân ảo tưởng vào khả năng “bá đạo” của môn võ này, dẫn đến việc lười tập và làm suy giảm thực lực của bộ môn.

Trên một cách nhìn khác, trong làng võ Trung Hoa thế kỷ 20, Vịnh Xuân cùng một số môn khác như Thái Lý Phật đều trở thành tên tuổi đáng gờm trên những võ đài đối kháng tự do. Vì thế, việc Vịnh Xuân bị xếp trong top các môn võ kém thực chiến ắt hẳn sẽ khiến nhiều người bất bình.

Một trận đấu thật giữa Vịnh Xuân và MMA

Bạn có đồng ý với danh sách trên hay không? Hãy để lại ý kiến của mình dưới dòng bình luận.

Phạm Vũ