Học Võ ta cần biết lịch sử nước ta

Lịch sử nước ta đã tạo ra võ Ta và làm võ Ta phát triển. Lịch sử từng thời kỳ của đất nước đã định hình cho chiến đấu pháp và kỹ, chiến thuật của võ Ta, kể cả đặc điểm kỹ thuật đòn thế. Ngoài ra, tinh thần thượng võ, ý chí bất khuất, kiên cường của một võ sĩ võ Ta cũng được trui rèn từ trong những biến động và phát triển của lịch sử nước ta.

Hình tượng con Hổ trong Võ cổ truyền Việt Nam

Phương pháp dạy một bài quyền Võ cổ truyền

Ai cũng biết: “Võ Ta” đã hình thành, tồn tại, phát triển và lưu truyền suốt trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam; Võ Ta cũng đã thịnh, suy cùng vận mệnh đất nước ta hơn bốn nghìn năm qua nếu kể từ đời Hồng Bàng còn mang tên nước Văn Lang (2.879-258 trước Tây lịch).

Ngoài một số sách ít ỏi bằng chữ Hán-Nôm ở thời cận đại, hầu như không tìm thấy một tư liệu nào ở các thời kỳ trước viết về kỹ thuật bài bản võ Ta, nhưng không phải vì thế mà nói rằng võ Ta mới có ở thời cận đại.

Võ thuật cổ truyền Việt Nam không chỉ là võ thuật, mà còn là hiện thân văn hóa của cả một lịch sử lâu đời dựng nước, giữ nước.

Vua Hùng dựng nước, các đời con cháu tiếp sau giữ nước không thể không biết gì về võ nghệ.

Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, cỡi voi đánh giặc giải phóng ách Bắc thuộc lần thứ nhất cho nhân dân ta vào năm 40 sau công nguyên không lẽ binh lính cuả Hai Bà không có võ nghệ?

Không lẽ nhân dân ta cứ triền miên đánh giặc giữ nước, qua Bắc thuộc lần thứ hai (năm 43-544) rồi Bắc thuộc lần thứ ba (năm 602-939) và dưới các thời Đinh (968-980), Lê (981-1009), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Hậu Lê (1427-1527), Lê trung hưng (1532-1788), mà không biết tập võ, múa quyền, không biết sử dụng các loại binh khí

Chẳng lẽ chỉ từ khi Nguyễn Nhạc chiêu mộ nghĩa quân đến năm 1771 đánh lấy Qui Nhơn dựng nên nhà Nguyễn Tây Sơn và môn võ Tây Sơn ra đời thì Việt Nam mới có võ thuật?

Nói như thế để thanh, thiếu niên học võ Ta ngày nay nên suy nghĩ:
– Học Võ Ta có cần phải học lịch sử nước Ta hay không?
– Học Võ Ta có phải chỉ cần múa quyền, múa kiếm, mang găng lên đấu võ đài, còn quá trình tạo dựng, bồi đắp, lưu truyền võ Ta, kể cả nhiều lúc phải đấu tranh bảo vệ sự sống còn của võ Ta thì không cần tìm hiểu hay không?
– Không học lịch sử nước nhà thì có thể hiểu hết đặc điểm, ưu thế của võ Ta trong từng thời kỳ lịch sử và đặc trưng xuyên suốt (kể cả đặc trưng, đặc điểm kỹ thuật) của võ Ta hay không?
– Không tìm hiểu lịch sử nước nhà thì có thể có được niềm tự hào dân tộc để bảo tồn đặc trưng võ Ta không”?  Hay thấy võ nào “hay” thì pha trộn, chế biến để võ Ta không còn là Võ của Ta nữa.
Nếu không có thời gian và điều kiện tìm hiểu hết lịch sử nước ta thì ít nhất cũng phải học giai đoạn lịch sử từ năm 1527 khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê mở ra thời kỳ Nam- Bắc phân tranh (1527-1592), Trịnh-Nguyễn phân tranh (1600-1786), Nhà Tây Sơn dựng nghiệp (1771-1801) đến Nhà Nguyễn Gia Long (1803-1945); Bởi vì giai đoạn lịch sử này có những yếu tố đặc thù đầy biến động đã là nhân tố định hình võ thuật cổ truyền của nhân dân ta thành “Võ Ta” với đầy đủ “danh nghĩa”, đặc trưng, nghệ thuật chiến đấu, bài bản chỉnh chu, được tổ chức thi cử từ hương tuyển đến thi Hội, thi Đình.
Năm 1527 Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, làm vua rồi truyền ngôi cho con cháu từ năm 1530 đến 1592 tại Thăng Long. Triều đình nhà Mạc được các nhà sử học gọi là Bắc triều.
Lúc đó, Nguyễn Kim (quan Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh Hầu dưới triều Lê) trốn sang Lào tìm tôn thất nhà Lê là Lê Duy Ninh đưa về nước dựng lên làm vua hiệu Lê Trang Tông, đặt hành điện ở Thanh Hoá, được gọi là Nam triều. Nhà Lê làm vua nhưng binh quyền đều nằm trong tay Nguyễn Kim. Khi Nguyễn Kim mất, con rể cuả ông là Trịnh Kiểm lên thay. Khi Trịnh Kiểm mất, con của Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng nắm hết quyền bính, càng ngày càng lộng hành (giết vua Lê Anh Tông, đưa con của Anh Tông mới 7 tuổi lên ngôi lấy hiệu Thế Tông để dễ khuynh loát triều chính). Từ đây Trịnh Tùng đưa quân ra Bắc đánh phá nhà Mạc sáu lần nhưng không có lần nào được toàn thắng. Nhà Mạc cũng đem quân vào đánh Thanh Hoá hơn mười phen, phen nào cũng thua phải rút quân về. Tháng giêng năm Nhâm Thìn (1592) Trịnh Tùng diệt nhà Mạc, chấm dứt cảnh nội chiến hai triều Nam-Bắc phân tranh.
Võ thuật Việt Nam gắn liền với lịch sử gìn giữ đất nước.
Diệt được nhà Mạc, thế lực của Trịnh Tùng càng lớn hơn. Năm 1599 Trịnh Tùng tự xưng Đô nguyên suý Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương, cấp bổng cho vua được thu thuế 1.000 xã và cấp 5.000 lính túc vệ. Mọi việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân đều thuộc quyền họ Trịnh. Từ đó họ Trịnh cứ thế tập làm vương, tục gọi là chúa Trịnh.
Khi Nguyễn Kim bị đánh thuốc độc chết, Trịnh Kiểm lên thay. Trịnh Kiểm sợ con của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông tranh quyền nên kiếm chuyện giết đi. Người con trai thứ hai của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng sợ Trịnh Kiểm ám hại nên xin vào trấn đất phía Nam. Năm 1558 Trịnh Kiểm tâu với vua Lê Anh Tông cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá. Bấy giờ binh lính và thường dân ở đất Thanh, Nghệ đưa gia đình theo Nguyễn Hoàng vào xã Ái Tử, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị rất đông. Năm 1569 Nguyễn Hoàng lại được giao quyền trấn nhậm cả đất Thuận Hoá và Quảng Nam. Nguyễn Hoàng là người khôn ngoan, có lòng nhân đức, thu dụng hào kiệt, yên ủi nhân dân nên lòng người ai cũng mến phục. Từ khi trấn nhậm phía Nam, Nguyễn Hoàng theo lệ nộp thuế hằng năm cho vua Lê là 400 cân bạc, 500 tấm lụa. Nguyễn Hoàng cũng nhiều phen mang quân giúp họ Trịnh đánh họ Mạc lập công to. Tuy nhiên, ngoài mặt là thế nhưng thấy họ Trịnh ngang tàng, lộng quyền, xưng Chúa ở phương Bắc nên họ Nguyễn cũng xưng Chúa ở phía Nam. Từ năm 1627 (Chúa Nguyễn Phúc Nguyên không chịu nộp thuế cho triều đình nữa) đến năm 1.672 (Trịnh Tạc lấy sông Linh Giang tức là sông Gianh ngày nay làm ranh giới Nam Bắc) cuộc chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh đã diễn ra 45 năm.
Từ Nguyễn Hoàng trở đi, các chúa Nguyễn vừa chống quân Trịnh phía Bắc vừa đánh Chiêm Thành và Chân Lạp mở rộng bờ cõi về phía Nam. Từ năm 1765 về sau, quyền thần Trương Phúc Loan làm nhiều điều tàn ác, lòng dân oán hận, cơ nghiệp họ Nguyễn suy vi dần. Nhân cơ hội ấy, Nguyễn Nhạc lập đồn trại ở đất Tây Sơn (Bình Định ngày nay), chiêu nạp quân sĩ, cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo nên dân chúng theo về rất đông, thế lực ngày càng mạnh. Năm 1771 Nguyễn Nhạc chiếm lấy thành Qui Nhơn, thiết lập triều đình Tây Sơn. Cuối năm 1774, thấy nhà Nguyễn đã suy yếu, họ Trịnh cử quân vào đánh lấy thành Phú Xuân, chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng Nam. Nhưng chỉ vài tháng sau, quân Tây Sơn ở Qui Nhơn kéo ra đánh lấy Quảng Nam, chúa Nguyễn thua chạy về Quảng Ngãi rồi thất thế biết đương cự không nổi phải đem người cháu là Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) xuống thuyền chạy vào Gia Định.
Chuyện lịch sử còn nhiều, chỉ đề cập đến chuyện binh gia chinh chiến thì từ đây đến năm 1802 đã xảy ra quá nhiều những cuộc chiến tranh giữa các phe Trịnh – Nguyễn – Tây Sơn.
Các quan võ thời Nguyễn
Như vậy, nếu kể từ năm 1527 (Mạc đăng Dung cướp ngôi nhà Lê) đến năm 1.802 (vua Gia Long thống nhất sơn hà) thì suốt trong 275 năm ấy đã xảy ra rất nhiều cuộc chinh chiến giữa quân Trịnh với quân Mạc, quân Nguyễn với Mạc rồi quân Trịnh với quân Nguyễn, quân Trịnh với Tây Sơn, quân Nguyễn với Tây Sơn.Những cuộc chiến tranh liên miên ấy đã dồn binh lính của các bên vào tình trạng phải thường xuyên rèn luyện võ nghệ để chiến đấu. Vì thế võ thuật được xem trọng. Một số nhà nghiên cứu lịch sử mở rộng “Xứ Đàng Trong” cho rằng thời ấy người ta “trọng võ khinh văn”.
Trong thời gian ấy có một sự kiện rất đặc biệt là phong trào nông dân khởi nghĩa thành công đã dựng nên triều đình Tây Sơn, nhà Tây Sơn, võ Tây Sơn với một đội quân hùng mạnh, một thời bách chiến bách thắng và  phá tan 25 vạn quân Thanh dưới trướng vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Điểm đặc biệt cần lưu ý ở đây là: Binh lính nhà Mạc, chúa Trịnh, chúa Nguyễn là quân đội triều đình được trang bị sẵn kỹ thuật chiến đấu, chiến thuật, chiến lược nhưng quân Tây Sơn là những người nông dân, thường dân, hầu hết chưa từng học võ. Khi theo Nguyễn Nhạc tụ nghĩa, đa số những người thường dân đó mới bắt đầu tập tành võ nghệ, nghiên cứu kỹ, chiến thuật và cùng với các tướng lĩnh của họ phát minh ra một lối chiến đấu mới hiệu quả hơn là cách đánh cũ của binh lính triều đình. Có phải chăng vì thế mà người võ sĩ võ Tây Sơn có lối đánh hoàn toàn giống với chiến thuật đánh đại chiến của quân Tây Sơn. Lối đánh đó là áp sát, khai thác tối đa đòn ngắn, lấy đoản chế trường, tốc chiến tốc thắng. Có thể nói rằng: Đặc điểm lịch sử hơn 200 năm đất nước rơi vào cảnh chiến tranh liên miên, xã hội bất ổn, dân chúng uất hận do nghèo đói đã cho ra đời phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn và môn võ Tây Sơn cực kỳ lợi hại, cực kỳ hiệu quả trong chiến đấu.

Võ sư Trần Xuân Mẫn

Có thể bạn quan tâm: Phim tài liệu – Tinh hoa võ thuật Việt Nam – Cội nguồn miền đất võ

[jwplayer player=”1″ mediaid=”67005″]