Ba sai lầm phổ biến trong sử dụng côn nhị khúc (phần cuối)

Sự thiếu bài bản dẫn đến những sai lầm – từ những lỗi căn bản cho đến những sai sót có thể đẩy người tập luyện vào nguy hiểm khi thực chiến. Dựa vào kinh nghiệm của các CLB, các hội nhóm tập luyện côn nhị khúc hàng đầu Việt Nam, VoThuat.VN xin tổng hợp lại 3 sai lầm phổ biến nhất của người tự tập côn nhị khúc.

Ba sai lầm phổ biến trong sử dụng côn nhị khúc (phần 1)

Ba sai lầm phổ biến trong sử dụng côn nhị khúc (phần 2)

Trong phần 3 và cũng là phần cuối này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một trong những yếu tố quan trọng nhất.

Sai lầm thứ 3: Di chuyển và khoảng cách

Ngoài nhiều bạn trẻ hiện nay đang học côn nhị khúc ở các CLB chuyên biệt và ở các võ phái có sử dụng côn nhị khúc, còn lại hầu hết các bạn trẻ hiện nay là tự luyện tập côn nhị khúc qua con đường mày mò, Youtube, sách vở… Điều này cũng chẳng có gì sai cả, nhưng việc tự học sẽ khiến các bạn khó nhận ra vấn đề quan trọng trong việc sử dụng côn nhị khúc, đó là Khoảng Cách.

Trong mọi môn võ thuật đối kháng (vâng, “mọi môn” chứ không phải “hầu hết”), yếu tố khoảng cách luôn nắm giữ tầm quan trọng nhất định. Nó có thể bí quyết để “sinh tồn” – tránh khỏi tầm đánh của đối thủ, để thực hiện thành công các kỹ thuật hoặc phức tạp hơn nữa là chiến thuật. Đối với các bộ môn vũ khí, yếu tố khoảng cách càng quan trọng vì mỗi loại vũ khí đều chỉ có thể phát huy sức mạnh trong một khoảng cách, tư thế nhất định.

Cứ cho rằng khả năng đứng một chỗ tả xung hữu đột của Lý Tiểu Long với cặp côn nhị khúc là thật thì… trước hết bạn phải là Lý Tiểu Long cái đã.

Nhiều người hay nghĩ về sự “bá đạo” của côn nhị khúc mà không tính đến điểm yếu. Nếu phải liệt kê các điểm yếu của côn nhị khúc thì có lẽ vấn đề khoảng cách sẽ được đặt lên hàng đầu. Các đòn tấn công của côn nhị khúc phát huy uy lực mạnh nhất ở đầu côn tự do, và càng tiến về gần thân người, uy lực đó giảm xuống rất nhanh. Thậm chí, nếu vị trí va chạm nằm ở phần dây côn thì uy lực tạo ra có thể chỉ còn 1/4 uy lực ở đầu côn.

Như vậy, chỉ cần xê dịch khoảng cách tầm 20 – 30cm, uy lực cây côn nhị khúc đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Điều này đặt ra một vấn đề lớn trong việc căn chỉnh và duy trì khoảng cách ra đòn hợp lý.

Sau mỗi đòn tấn công… trượt mục tiêu, côn nhị khúc cần nhiều thời gian để về lại vị trí sẵn sàng cho đòn tiếp theo. Vấn đề tiếp theo nảy sinh: Bạn sẽ làm gì sau mỗi pha đòn hụt, khi bạn cần khá nhiều thời gian cho đòn đánh kế tiếp? Chặn đỡ? Hai tay của bạn đã phụ thuộc cây côn nhị khúc rồi! Di chuyển tránh né là phương pháp cuối cùng khả thi, nhưng sự thật là bạn lại… không hề tập khả năng di chuyển.

Xem video clip sau để hiểu thêm về sự khác  biệt của một người sử dụng côn nhị khúc với khả năng di chuyển tốt.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”104950″]

Hầu hết người tập côn nhị khúc tự phát hiện nay đều thoả mãn với lối tập “cắm chân một chỗ”, tự hài lòng với việc có thể loan chuyền côn liên tục. Thế nhưng sự thật rằng trong đối kháng, họ chỉ giống như một chiếc bao cát biết cầm côn.

Còn bạn?

Y.N