“Bí kíp” sinh tồn trong tự vệ đường phố

Không thể phủ nhận kỹ năng võ thuật chiếm một vai trò quan trọng trong khả năng thực chiến của mỗi người, bao gồm cả các tình huống tự vệ đường phố. Ngoài ra, còn có những yếu tố “phi kỹ thuật” chúng ta không hề nghĩ đến nhưng cũng hết sức quan trọng và thậm chí mang tính chất “sống còn” cho chính bản thân bạn.

Vì sao mũi là mục tiêu tấn công phù hợp khi tự vệ?

Cách tự vệ chống cướp hiệu quả hơn cả võ thuật

MỨC ĐỘ THỰC CHIẾN CỦA VÕ THUẬT

Có một sự thật phũ phàng rằng KHÔNG MỘT MÔN VÕ NÀO CÓ THỂ GIÚP BẠN SẴN SÀNG 100% CHO THỰC CHIẾN. Võ thuật, dù là bất kì môn nào đi chăng nữa, luôn có sự giả định về tình huống và một số giới hạn về luật giao chiến (dù là rất sát thực tế như nhiều người vẫn nghĩ, chẳng hạn như MMA, Krav Maga, Sambo, Jiu-Jitsu, võ quân bị…). Các kĩ thuật dành cho thực chiến/ứng phó với hung khí của các môn võ hầu hết đều QUÁ RẮC RỐI CHO THỰC TẾ.

Và sự giả định tình huống đó khiến cho võ thuật – dù thực tế đến mấy – cũng không thể đạt đến 100% mô phỏng được thực tế.

Với hệ thống kỹ năng đa dạng bậc nhất trong làng combat sport, MMA vẫn không mô phỏng được hết 100% sự thật tự vệ.
Với hệ thống kỹ năng đa dạng bậc nhất trong làng combat sport, MMA vẫn không mô phỏng được hết 100% sự thật tự vệ.

THỰC CHIẾN KHÔNG CÓ LUẬT VÀ GIỚI HẠN

Dù bạn là một người bình thường hay một người có tập luyện võ thuật thì khi có xung đột bạo lực đời thực, bạn cần hiểu rõ vài điều sau:

– Dù có giỏi võ trên đài đấu đến đâu thì khi bước lên đài, bạn cũng đã có sự chuẩn bị về tâm lý – kĩ thuật, bạn có thể có đồ bảo hộ (hoặc không có – tùy môn), trận đấu có trọng tài, có bác sĩ sẵn sàng cho trường hợp bạn bị chấn thương, và trên hết, trận đấu sẽ được dừng lại nếu bạn gặp nguy hiểm về sức khỏe.

– Thực tế thì sẽ như sau: một cuộc xung đột có thể được mào đầu bằng đấu khẩu và bạn sẽ là người may mắn nếu có xảy ra đấu khẩu, vì ít ra bạn cũng đã có chút thời gian chuẩn bị. Tệ hơn, sẽ là những tình huống bất ngờ như cướp, tấn công bất ngờ, nhiều đối tượng cùng tham gia, có hung khí (nhiều loại)… Thử tưởng tượng xem có võ nào thực sự chuẩn bị cho bạn ứng phó được với những điều trên? Và đa số trong các cuộc xung đột, họ tấn công với mục đích làm bạn trọng thương hoặc tệ hơn – ĐỂ GIẾT BẠN!

Thực chiến là một tình huống khác xa việc xỏ găng lên võ đài.
Thực chiến là một tình huống khác xa việc xỏ găng lên võ đài.

– Trạng thái của bạn khi bị tấn công là vô cùng bất lợi để chiến đấu bởi vì:

+ Vô cùng căng thẳng, adrenaline tăng cao

+ Nhịp tim tăng, tuần hoàn tăng

+ Suy giảm khả năng phán đoán tình huống và đưa ra quyết sách (hoảng loạn dẫn đến thiếu tỉnh táo)

+ Suy giảm khả năng quan sát

+ Suy giảm khả năng vận động – điều khiển cơ thể

+ Nhiều người còn có thể căng thẳng tới mức cứng đơ người hoàn toàn, không làm gì được

Các bạn xin hãy chú ý tiêu đề của bài viết, tại sao chúng lại nói về Ý THỨC và KĨ NĂNG để SỐNG SÓT chứ không phải để làm anh hùng theo kiểu một mình hạ 10 tên cướp và ngày mai bạn xuất hiện trên trang báo nổi tiếng nào đó. Đây chính là vấn đề sống còn. Mạng sống của các bạn đang đặt trên bàn cân và các bạn phải hiểu được điều đó. Thấm nhuần được điều này tức là cơ hội sống của các bạn đã tăng lên rồi. Tiếp sau đây chúng ta sẽ đề cập đến phần kĩ năng.

KỸ NĂNG “TỐI THƯỢNG” CỦA TỰ VỆ

Những kĩ năng cần thiết nhất cho thực chiến không phải là quả đấm của Boxing, quả khóa tay tước vũ khí của Aikido, quả vật khóa của Jiu-Jitsu như người ta vẫn tẩy não bạn đâu.

– Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất: NHẬN THỨC TÌNH HUỐNG VÀ MỐI NGUY HIỂM

Vâng, bạn không biết bạn đang dấn thân vào cái gì, kẻ nào đang định làm gì bạn thì bạn vẫn gặp nguy hiểm, bất kể bạn giỏi võ đến mức nào. Phải nhận thức được liệu xung đột có khả năng xảy ra? Liệu người ta có tấn công mình? Có bao nhiêu người? Có hung khí hay không, nếu có thì là cái gì? Môi trường xung quanh ra sao, có đường chạy không? Hoặc có dùng gì làm vũ khí chống trả được không?

– Duy trì khoảng cách: để có thời gian quan sát, ứng phó, không bị bất ngờ

– Tri hô, cầu cứu

– Nếu tình huống cho phép, chạy ngay lập tức

Nhận thức những gì bạn sắp phải đối mặt (khoảng không, đối thủ...) đôi khi còn quan trọng hơn cả việc đối đầu thực sự.
Nhận thức những gì bạn sắp phải đối mặt (khoảng không, đối thủ…) đôi khi còn quan trọng hơn cả việc đối đầu thực sự.

NẾU KHÔNG CHẠY ĐƯỢC?

Mình đã nói ở cuối phần 3 CHẠY NGAY LẬP TỨC NẾU ĐƯỢC nhưng có những lúc không thể chạy (đường chạy bị chặn, hoặc phải bảo vệ người thân…) vậy tuy không muốn nhưng ta sẽ phải chiến đấu, ta phải nhắc đến phần này: những kĩ thuật chiến đấu cần thiết cho thực chiến. VÀ KHI ĐÃ ĐÁNH, ĐÁNH HIỂM NHẤT CÓ THỂ.

– Dù bạn có võ hay không, tự tin vào khả năng của mình đến đâu, hãy cố gắng rà soát môi trường xung quanh và kiếm cho mình vũ khí. Vũ khí làm tăng khả năng sát thương, uy hiếp đối phương, có thể che chắn cho bản thân. Hãy cố gắng chọn cho mình vũ khí phù hợp – tùy vào đối phương như thế nào, có hung khí gì, hoặc bản thân ta quen thuộc với cái gì. Tốt nhất là nên chọn những vũ khí có tầm đánh dài để giữ khoảng cách. Như đã nói, đa số võ tay không đều yêu cầu ta vào tầm cận chiến với mục tiêu, mà điều chúng ta cần nhấn mạnh đó là VIỆC GIỮ KHOẢNG CÁCH VÔ CÙNG QUAN TRỌNG.

Hầu hết các môn võ đều có kỹ năng đặc thù để kiểm soát khoảng cách. Hãy tận dụng phần kỹ năng đó.
Hầu hết các môn võ đều có kỹ năng đặc thù để kiểm soát khoảng cách. Hãy tận dụng phần kỹ năng đó.

– Vừa đánh vừa tìm đường thoát (nếu có người thân thì chỉ cho họ đường chạy sau đó vừa đánh vừa lùi chạy)

– Sử dụng môi trường làm vũ khí: ném đồ, đạp đồ bàn ghế xe cộ, xô đổ mọi thứ tạo nên chướng ngại vật…

ĐỐI PHÓ VỚI DAO

Cuối cùng, mình sẽ đề cập đến cách ứng phó với DAO, 1 hung khí rất dễ kiếm và rất phổ biến (lưu ý, mọi điều ở trên đều cầ áp dụng)

Lại phải nhấn mạnh những cái clip hướng dẫn chống dao và hung khí của các môn võ gần như… khó dùng, nếu như không muốn nói là phương án tự sát đối với những người như bạn: không chuyên nghiệp đối đầu với vũ khí (đến cả các lực lượng an ninh cũng cần số đông, cần đủ thứ bảo hộ như găng tay chống cắt, áo chống đâm để “úp sọt” được một tên đang cầm dao).

Những bài tập chống dao thường theo kiểu “Nó đâm thế này, tôi đỡ thế này, bẻ tay nó thế này, khóa nó thế này, nó chém thế kia, tôi tiến vào thế này, khống chế nó thế nọ”.

Rất tiếc, kẻ thủ ác không làm thế, và với một đối tượng có hung khí, hung hãn tột độ, mắt vằn máu chỉ nghĩ đến việc giết bạn thì chỉ với 1 sai lầm thôi bạn sẽ bị thọt cho vài nhát, và sau đó là đi đời (bạn có thể mở các trang báo lớn, lượn một vòng và đếm xem mỗi tháng có bao nhiêu người mất mạng vì đối đầu với dao).

Chống dao: Ảo tưởng và sự thật

Việc tập võ, nếu có ích, chỉ giúp cho bạn có khả năng phán đoán chuyển động của đối phương tốt hơn, và phản ứng của bạn có hiệu quả hơn. Đừng mơ đến những cái xa vời như đoạt dao bẻ tay khống chế này nọ, ĐÓ LÀ TỰ SÁT!

Vậy bạn cần làm gì?

– Chạy nếu có thể. Vâng, lại là vấn đề chạy. Nó là kế cuối cùng trong Tôn Tử binh pháp, nhưng lại là kế đầu tiên bạn cần nghĩ đến khi tự vệ.

– Giữ khoảng cách, tỉnh táo quan sát, liên tục tri hô

– Nếu có vũ khí hoặc đồ vật gì có thể dùng để chống trả được thì cố gắng sử dụng (tốt nhất là gậy dài, hoặc đồ ném, hoặc vật gì to bản có thể che chắn được cho bản thân như 1 chiếc ghế chẳng hạn)

– Nếu tay không thì hãy thủ thế tay ở phía trước người, che chắn những chỗ hiểm, cố gắng gạt dao (vâng gạt thôi chứ không phải đoạt và giằng co) và không cho đối phương áp sát, tay che người, chân đạp đối phương ra, chỉ cần tách ra đủ khoảng cách là chạy ngay lập tức. Bạn chắc chắn sẽ về nhà với vài vết cắt trên cánh tay, có thể đứt vài sợi gân nhưng vẫn tốt hơn là tổn thương nội tạng. Kể cả Lý Tiểu Long cũng từng nói: “Tự vệ à? Quên chuyện tự vệ và về nhà với khuôn mặt lành lặn đi”.

– Không lao vào giằng co, vật lộn với đối phương (gần như chắc chắn tự sát)

 VoThuat.VN