Lời khuyên – Nhật ký tập luyện có thực sự cần thiết?

Viết nhật ký tập luyện là một thói quen mà nhiều võ sĩ chuyên nghiệp luôn tuân thủ như một phần của luyện tập thực sự. Thế nhưng, đối với bạn, nhật ký tập luyện có thực sự cần thiết.

Lời khuyên – Những bí quyết để giữ mình luôn…dễ mến tại nơi tập võ

Lời khuyên – Muốn chịu đau tốt hơn, hãy thường xuyên ăn những thứ này

Nhật ký tập luyện là công cụ tuyệt vời để bạn theo dõi và kiểm tra tình trạng tập luyện của mình một cách trực quan, dễ dàng. Nếu biết cách trình bày, chỉ một vài giây liếc qua các trang viết, bạn đã có thể biết rõ mình sắp phải làm gì – đã quên gì, thay vì phải lục lọi điều đó trong trí nhớ.

Nhật ký tập luyện của Lý Tiểu Long.
Nhật ký tập luyện của Lý Tiểu Long.

Võ thuật ngày nay đã được hệ thống một cách hết sức khoa học và bài bản – việc tập luyện võ thuật rõ ràng là một tiến trình có trật tự, chứ không phải những buổi tập thích gì làm nấy. Sự tồn tại của nhật ký tập luyện sẽ giúp bạn kiểm soát những điều sau:

  • Lịch tập: Chẳng có nhiều thứ để bạn nhớ nếu như bạn chỉ  là một học sinh đơn thuần đến clb võ thuật 3 buổi/tuần. Sẽ như thế nào nếu bạn đang theo đuổi 2 môn võ cùng lúc? Sẽ như thế nào nếu bộ môn của bạn chia rõ các buổi tập theo những nội dung riêng biệt (thể lực, đấu tập, kỹ thuật…)
Một số loại sổ lịch có thể sử dụng như nhật ký tập luyện.
Một số loại sổ lịch có thể sử dụng như nhật ký tập luyện.
  • Nội dung tập: Bạn còn thiếu những gì? Bạn dự định tập những gì? Hãy liệt kê tất cả trước khi tập, và rà soát lần nữa sau khi tập. Bạn sẽ ngay lập tức biết mình có bỏ qua điều gì hay không.
  • Ghi chú: Có cả trăm kiểu ghi chú khác nhau. Ví dụ: Bạn bị chấn thương cổ tay trái, đã chữa nhưng bác sĩ đề nghị ngưng tập cổ tay trái trong một tuần; các nhắc nhở về dinh dưỡng… Bạn định sẽ tự nhớ cả chục thứ như vậy hoặc sở hữu một cuốn sổ?
  • Những mốc quan trọng: Đối với một số người, có những cột mốc quan trọng cần ghi nhớ trên con đường võ thuật của mình. Chẳng hạn: lịch thi đấu đối kháng, thi lên đai… Việc kiểm soát các mốc thời gian này giúp bạn dễ dàng ra kế hoạch tập luyện đều đặn và hợp lý hơn là “nước tới chân mới nhảy.
  • Những kiến thức đặc biệt mà bạn vô tình biết được. Có cách nào tốt hơn việc ghi chép những điều đó lại? Hay bạn định giao hết trọng trách đó cho bộ não? Cuốn sổ nhật ký tập luyện của bạn cũng có thể dùng để lưu lại những nhắc nhở, kiến thức, hay bất cứ điều gì có giá trị mà bạn biết được, hoặc nhận ra trong quá trình tập luyện của mình.
  • Biết mình đang ở đâu. Như đã nói ở trên, võ thuật là một tiến trình trật tự, bài bản. Bạn cần đi theo những bước đường đúng đắn, phát triển các yếu tố thể chất và kỹ thuật để có thể tiến lên những kỹ thuật mới, những bài bản mới phức tạp hơn. Sổ tay tập luyện sẽ giúp bạn giám sát được khả năng của bạn, cho bạn biết rõ trình độ của mình, từ đó có những lựa chọn tập luyện – thi đấu tốt hơn.
Có lẽ bạn thích hình ảnh các võ sĩ với đôi găng hơn là với cuốn sổ? Đừng nghĩ rằng những võ sĩ không cần đụng vào sổ sách.
Có lẽ bạn thích hình ảnh các võ sĩ với đôi găng hơn là với cuốn sổ? Đừng nghĩ rằng những võ sĩ không cần đụng vào sổ sách.

Bạn có thực sự cần nhật ký tập luyện?

Dựa vào những điều kể trên, có thể thấy nhật ký tập luyện phục vụ cho các mục đích tập luyện – thi đấu chuyên nghiệp bài bản, giúp cải thiện kết quả từ từng buổi tập. Nếu bạn không thực sự đi theo con đường chuyên nghiệp, nhật ký tập luyện là điều không cần thiết. Tuy nhiên, nếu bạn yêu thích sự chuyên nghiệp, bài bản và khoa học, dù không đặt nặng vấn đề thi đấu chuyên nghiệp, và bạn hoàn toàn thoải mái với việc ghi chép tập luyện như một thói quen thì nhật ký tập luyện vẫn là thói quen mà bạn nên giữ gìn.

Y.N