Phân biệt ba loại kiếm trong Fencing – đấu kiếm hiện đại

Fencing (đấu kiếm hiện đại) là môn võ thuật – thể thao xuất hiện từ cuối thế kỷ 19. Tuy sử dụng vũ khí trong thi đấu, Fencing lại an toàn hơn tất cả bộ môn võ thuật đối kháng khác như Boxing, MMA… do cả vũ khí lẫn cơ thể VĐV đều được bảo hộ kỹ lưỡng.

Luật thi đấu MMA – các tình huống phân định kết quả

Cách tính điểm trong thi đấu đối kháng Taekwondo

Nhiều tài liệu cho rằng Pháp chính là nơi khởi xướng Fencing; đây cũng chính là đất nước có nền kiếm thuật phát triển bậc nhất châu Âu. Tuy nhiên, một số khác cho rằng Ý cũng nhưng nhiều nước châu Âu khác cũng góp phần vào tiến trình đưa Fencing trở thành một trong những môn thể thao phổ biến nhất, được chọn làm bộ môn thi đấu tại Olympic.

Ban đầu, Fencing sử dụng kiếm Rapier – một dòng kiếm mỏng, nhẹ và cực kỳ linh hoạt trong các động tác đâm, cắt. Kiếm Rapier cũng buộc các kiếm sĩ phải chú tâm vào việc rèn luyện phản xạ, tốc độ và kỹ năng kiểm soát khoảng cách – những yếu tố giúp cho Fencing sau này thể hiện tính “thể thao” một cách rõ rệt. Trong khoảng thời gian từ giữa thế kỷ 20 trở về trước, Fencing được xem như môn thể thao độc quyền của giới quý tộc.

Ngày nay, sàn thi đấu Fencing là loại sàn hẹp bề ngang, các kiếm sĩ chỉ có thể di chuyển tịnh tiến trước – sau chứ không thể vờn nhử từ phương ngang. Điều này buộc các kiếm sĩ phải đối đầu trực diện, rèn luyện phản xạ và tốc độ tốt hơn.

Mũi kiếm trong thi đấu Fencing thường được cải tiến bằng đầu cảm biến va chạm hoặc đơn giản là một nút nhựa tròn để chống tai nạn khi đâm trúng đối thủ.
Mũi kiếm trong thi đấu Fencing thường được cải tiến bằng đầu cảm biến va chạm hoặc đơn giản là một nút nhựa tròn để chống tai nạn khi đâm trúng đối thủ.

Khi Fencing trở thành một môn thể thao, kiếm Rapier (vốn đã được cải tiến sao cho an toàn hơn) cũng bị phân hóa thành 3 loại kiếm khác nhau. Mỗi loại kiếm này ứng với một bộ luật thi đấu riêng biệt, giúp kiếm sĩ chú tâm vào các nhóm kỹ thuật đặc thù.

  • Foil – kiếm liễu. Trong thi đấu thể thao, trọng lượng tối đa của thanh kiếm liễu là 500g. Kiếm liễu được tính điểm bằng các đòn đâm trúng ngực, bụng, hạ bộ và cổ; các đòn tấn công vào tay, chân hoặc đầu sẽ kết thúc “action” (pha đòn) của cả hai nhưng không tính điểm. Lưỡi kiếm liễu có độ uốn dẻo rất cao, khiến cho kiếm sĩ dễ dàng thực hiện các động tác đánh lừa thị giác của đối thủ trước khi thực hiện cú đâm thật. Kiếm liễu giúp các fencer (kiếm sĩ) tập trung vào kỹ năng kiểm soát khoảng cách, phản xạ và chuyển động cơ thể đối thủ. Foil cũng là loại kiếm xuất hiện đầu tiên trong bộ môn Fencing, với những mẫu cải tiến cho thể thao đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 18.
Kiếm Foil có độ uốn dẻo rất cao, khiến các kiếm sĩ dễ thực hiện kỹ thuật đánh lừa đối thủ.
  • Épée – kiếm ba cạnh. Nhiều kiếm sĩ ưa thích thể loại này vì nó sẽ tính điểm đòn đâm vào bất cứ phần nào trên cơ thể. Điều đó giúp cho kiếm sĩ có nhiều lựa chọn tấn công hơn, đồng thời phải rèn được cách kiểm soát tình huống đa dạng hơn. Kiếm Épée có trọng lượng tối đa là 775g. Kiếm Épée và kiếm Foil có một số khác biệt chuyên môn trong việc tính điểm các pha “va chạm kép”, tức là tình huống cả hai kiếm sĩ đâm trúng đối thủ cùng lúc. Trong tiếng Pháp, từ “Épée” có nghĩa đơn giản là “thanh kiếm”.
Kiếm Épée tính điểm cho mọi đòn đâm trên toàn cơ thể, buộc các kiếm sĩ phải kiểm soát tình huống và chuyển động của đối thủ tốt hơn.
  • Sabre – kiếm chém. Cũng giống như Foil, kiếm Sabre có trọng lượng tối đa 500g. Chịu ảnh hưởng từ kiếm thuật Bắc Mỹ cũng như các vùng khác của châu Âu, Kiếm Sabre sử dụng cả đòn đâm lẫn cắt, chém. Trong thi đấu thể thao, mục tiêu hợp lệ của kiếm Sabre là đầu, thân người và cả hai tay. Không giống như luật thi đấu kiếm Foil, nếu như các kiếm sĩ Sabre tấn công trúng cơ thể đối thủ nhưng không đúng mục tiêu hợp lệ (phần thắt lưng trở xuống), các kiếm sĩ không dừng lại mà được phép tấn công tiếp. Kiếm Sabre rèn cho kiếm sĩ khả năng linh hoạt trong xử lý và phán đoán tình huống.
Các đòn cắt cũng được tính điểm trong nội dung thi đấu kiếm Sabre.

Fencing phụ thuộc rất nhiều vào phản xạ, thói quen chiến thuật, vì thế các kiếm sĩ thường chỉ thi đấu theo một nội dung duy nhất. Việc thi đấu cả 3 nội dung Fencing khiến các tay kiếm thường xuyên bị nhầm lẫn luật thi đấu hoặc phản xạ khiến họ xử lý tình huống không phù hợp. Có rất ít kiếm sĩ thi đấu thành công cùng lúc ở cả 3 nội dung Fencing.

Video clip: Những pha pha đòn tinh tế trong bộ môn Fencing

Y.N