Phương pháp đàn hồi và thả lỏng cơ bắp

Trong thể thao và võ thuật, sự mềm dẻo nhu nhuyễn của cơ bắp là một trong những yếu tố không thể thiếu vì nó chính là yếu tố quan trọng của tốc độ và kình lực.

Các bài tập xoạc dẻo – ép dẻo hữu hiệu

5 bài tập ép dẻo phù hợp nhất cho Muay Thái

Muốn có sự mềm dẻo cho cơ thể, ta phải biết phương pháp tập luyện đàn hồi thư giãn cơ thể hiệu quả nhất: Xoạc chân – Phương pháp không ít, nhưng trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này chúng tôi chỉ diễn giải cách tập xoạc chân bằng phương pháp bình dị bấy lâu nay vẫn huấn luyện và tham khảo thêm kinh nghiệm của chuyên gia J.Frenette người Canada, vô địch thế giới môn đi quyền có nhạc qua tư liệu “Stretching, les secrets de Jean Frenette”.

Sự dẻo dai cho phép cơ thể con người làm được nhiều động tác mà bình thường không làm được.

Chúng ta đều biết rằng, rất nhiều môn thể thao và võ thuật đòi hỏi sự mềm mại nhu nhuyễn của cơ thể con người, ngoài yêu cầu cao của tính nghệ thuật và thẩm mỹ trong những động tác, chiêu thức và bài tập có độ khó cao, sự mềm dẻo còn là một trong những yếu tố làm gia tăng tốc độ, mà tốc độ lại là một yếu tố quan trọng sản sinh ra kình lực của đòn đánh.

Như vậy có nghĩa là: muốn có kình lực phải có tốc độ, muốn có tốc độ phải có sự mềm dẻo và muốn được mềm dẻo ta phải tập đàn hồi thư giãn cơ bắp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó có phương pháp xoạc chân là cách đơn giản mà mang lại hiệu quả cao.

Trước khi xoạc phải làm gì?

Thường trước khi tập xoạc chân làm thư giãn đàn hồi cơ bắp tạo sự mềm dẻo uyển chuyển cho cơ thể, chúng ta phải khởi động, phải “hâm nóng” (Réchauffer) cơ thể bằng những động tác thể dục nhẹ nhàng, không nên tập xoạc mà không khởi động, lúc cơ bắp còn “nguội”. Về vần đề này, chuyên gia Stretching J.Frenette, vô địch thế giới bộ môn “Đánh quyền có nhạc đệm”-1991, cũng chẳng có bí quyết đặc dị nào, nhưng anh tham khảo nghiên cứu một cách khoa học và hệ thống hóa để đưa ra một bài tập gọi là “Bài tập trước khi xoạc chân” (Pré-stretching Kata) gồm những thao tác vận động hâm nóng cơ thể trước khi tập thư giãn đàn hồi cơ bắp. Bài tập “Tiền – Thư giãn” (Pré-stretching) rất đơn giản, bao gồm các hoạt động nhằm làm ấm phần cổ, gáy (ót), vai, lưng, các bắp thịt vùng eo lưng và đùi, đầu gối và vùng gân nối liền bắp chân với gót.

3 nguyên tắc cơ bản của Stretching.

– Nguyên tắc thứ nhất: Giữ lưng luôn thẳng và phẳng.

– Nguyên tắc thứ hai: Tập trung vào vùng thư giãn kéo dài cơ bắp.

– Nguyên tắc thứ ba: Điều tức – điều hòa nhịp thở thật tốt – để dẫn khí (ở đây là dưỡng khí hay oxygène). Khi hơi thở điều phối tốt sẽ đưa được lượng dưỡng khí oxy tối đa vào máu rồi vào cơ bắp. Dưỡng khí giúp bắp thịt thư giãn tốt hơn.

Khi tập luyện thư giãn đàn hồi cơ bắp bằng phương pháp xoạc chân, chúng ta nên nhớ phải đặc biệt chú ý vào vùng háng, hông trên đùi. Độ mềm dẻo nhu nhuyễn ở các cơ phận này rất quan trọng và cần thiết cho các hoạt động chân tay, nghĩa là cho đòn đá và cú đấm. Ngay cả trong nhiều môn thể thao – như bóng chày chẳng hạn – khi liệng banh, lực cũng xuất phát từ hông.

Trong lãnh vực võ thuật, rèn luyện độ mềm dẻo bằng Stretching còn cần yếu hơn. Độ mềm dẻo giúp ta tăng tốc độ, và từ tăng tốc độ sẽ phát sinh gia tăng sức mạnh của đòn đánh (kình lực). Khi tập xoạc chân uốn người, cơ bắp được kéo dài và đàn hồi, phần bắp thịt trên đùi, hông, háng không chỉ đơn thuần được kéo dài mà còn mạnh mẽ và dẻo dai chịu đựng, điều này giúp ta tung đòn sấm sét hơn và rút đòn (thu chiêu) mau lẹ hơn.

Hãy tập luyện kiên trì từ tốn và đúng phương pháp, dù hình thái sinh thể (morphologie) ra sao, trình độ thế nào bạn cũng sẽ tiến bộ và hoàn thiện. Hãy chiêm nghiệm hiệu quả tập luyện từng tháng một. Nếu rèn luyện chuyên cần đều đặn, sau vài tháng bạn thử tung một đòn đá ngang đơn giản – ngọn Bàng long cước chẳng hạn – chắc bạn sẽ thích thú thấy độ cao khác, kình lực cước pháp mạnh hẳn lên và mức thăng bằng vững chắc hơn. Đó là kết quả tốt của rèn luyện và tiến hóa

 Vs.Nguyễn Lâm

Trích “Sổ tay VÕ THUẬT” Tháng 12/94.