Sách mới: Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới

Ðược phát hành lần đầu vào tháng 7 năm 2012, cuốn sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới đã được đón nhận nồng nhiệt không chỉ bạn đọc trong nước, hay ở các quốc gia quen thuộc như Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha,… mà còn cả những người yêu võ ở những quốc gia xa xôi như Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Algeria, Tunisia…

Bia_NNMD 2014
Sách Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới đã được đón nhận nồng nhiệt không chỉ bạn đọc trong nước, hay ở các quốc gia quen thuộc như Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha,…

Dù vậy, tác giả vẫn chưa hài lòng. Vẫn chừng đó trang, nhưng tác giả ước ao được lược bỏ những trang viết chưa cần thiết để thay bằng những trang không thể không thêm vào. Từ nỗi khắc khoải này, tác giả lại tiếp tục đặt chân qua nhiều nước, nghiền ngẫm lắm điều đáng viết về nội tình võ Việt, và rồi cặm cụi suốt 2 năm để hoàn thành bản thảo Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới lần tái bản này.

Gọi là tái bản nhưng kỳ thật, tác giả đã lược bỏ trên một nửa nội dung. Sách lần này gồm 8 phần. Phần 1, tác giả nói về võ Vật – nguồn cội của võ Việt ngày nay. Nhân đó, tác giả lược kể phận đời nghiệt ngã của một số nhà vô địch Việt Nam, không chỉ ở võ Vật, mà còn ở các môn võ khác và cả những vận động viên ở nhiều môn thể thao khác nữa. Phần 2 chương 1, tác giả nói về các tổ chức võ Việt hoặc liên quan đến võ Việt ở nước ngoài. Phần 2 chương 2, tác giả nói về nguyên nhân hình thành và phát triển của các môn phái lâu đời tại nước ngoài. Phần 2 chương 3, tác giả nói về các môn phái võ Việt xây dựng trong nước lan tỏa ra nước ngoài. Phần 3, tác giả phác họa chân dung văn hóa võ Việt cả trong lẫn ngoài nước sau 18 năm nhìn lại. Qua đó, tác giả đặt vấn đề quốc võ, đồng thời giới thiệu một số bậc đại thụ của làng võ Việt. Phần 4, tác giả cùng một số võ sư, nhà báo, nhà nghiên cứu võ học nặng lòng với võ cổ truyền Việt Nam trong và ngoài nước xoay quanh vấn đề “Võ Việt-Võ Tàu và Viện Nghiên cứu Quốc võ.” Cũng ở phần này, tác giả giới thiệu một số môn phái tiêu biểu trong và ngoài nuớc liên quan đến võ Việt và võ Tàu. Phần 5, tác giả nói về sự thăng trầm của Vovinam-Việt Võ Đạo từ những khó khăn ban đầu cho đến thời kỳ vươn mạnh ra thế giới. Qua đó, tác giả giới thiệu 2 khuôn mặt tiêu biểu của Vovinam-Việt Võ Đạo, một trong nước (võ sư Nguyễn Văn Chiếu), một ngoài nước (võ sư Trần Nguyên Đạo). Phần 6, nhân viết về võ Việt, tác giả giới thiệu một số môn võ nước ngoài đã làm rạng danh võ sư, võ sĩ người Việt hải ngoại. Phần 7, tác giả trích đăng 13 bài viết trong tập bút ký Những người xa lạ bỗng chốc hóa thân quen của tác giả trên lộ trình rong ruổi qua nhiều nước, nhiều năm cùng võ Việt. Phần 8, phần cuối của cuốn sách, tác giả liệt kê các môn phái, võ đường, CLB võ Việt và võ Tàu đang hoạt động trong và ngoài nước được gọi chung là võ cổ truyền Việt Nam để giúp người đọc có thể tra cứu dễ dàng. Ngoài ra, tác giả còn liệt kê các tổ chức võ Việt (hoặc liên quan đến võ Việt) ở nước ngoài; liệt kê các báo chí, nội san, đặc san, kỷ yếu, website, shop võ thuật trong việc đưa võ Việt ra thế giới; liệt kê theo ABC các nhân vật có tên trong cuốn sách. Trong phần này, tác giả cũng trích đăng một số nhận xét từ báo chí đến các các võ sư, bạn đọc về cuốn Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới trong lần xuất bản đầu tiên.

Những người mở đường đưa võ Việt ra thế giới

(Tái bản lần thứ I – Có bổ sung và sửa chữa)

Tác giả: PHƯƠNG TẤN

312 trang khổ 21x29cm (in 4 màu)

Nhiều bài trong sách được chuyển dịch sang tiếng Anh và Pháp

NXB Văn hóa Văn nghệ