4 danh tướng tài ba lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam

Việt Nam thật tự hào khi có 2 cái tên góp mặt trong top 10 vị tướng tài giỏi nhất thế giới đó là Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, đất nước ta cũng từng có nhiều danh tướng tài ba khác, một đời vì dân vì nước.

Top 5 anh hùng xuất thiếu niên trong kiếm hiệp Kim Dung
Cái chết của Lý Tiểu Long và 9 vết xước bí ẩn trên nắp quan tài

 LÝ THƯỜNG KIỆT

Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, người làng Bắc Biên, xã Phúc Xá (nay thuộc xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ngô Tuấn tự là Thường Kiệt, sau vì có công, được triều đình ban thưởng rất trọng hậu, lại còn cho lấy theo họ của Hoàng Đế nhà Lý, đương thời liền nhân đó ghép họ được ban với tên tự mà gọi là Lý Thường Kiệt, mãi rồi thành quen, khiến cho không ít hậu sinh quên mất cả họ lẫn tên thật của ông. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1019), mất năm Ất Dậu (1105), hưởng thọ 86 tuổi.

Trong cuộc nam tiến của dân tộc Việt Nam, Lý Thường Kiệt có công đệ nhất, vì đã mở đường cho các đời Trần, Hồ, Lê, Nguyễn sau này.

Ngày 24/2/1069, vua Lý ThánhTông hạ chiếu thân chinh Chiêm Thành. Quân có 5 vạn, Lý Thường Kiệt được chọn làm đại tướng quân và đi tiền phong, kiêm chức nguyên soái.

Tháng 4, Lý Thường Kiệt đưa quân ta đuổi đến biên giới nước Chân Lạp (vùng Phan Thiết) và bắt được vua Chiêm, cầm tù cả 5 vạn quân (theo Việt sử lược và bia thần phổ Lý Thường Kiệt). Vua Chiêm xin dâng đất chuộc tội. Ba châu Bố Chánh, Địa Lý, Ma Linh thuộc Chiêm Thành từ đó nhập về nước ta. Nay là địa phận Quảng Bình và phía bắc Quảng Trị.

Khi quân Tống lộ rõ âm mưu xâm lược nước ta, ông là người đầu tiên và cũng gần như là duy nhất đưa đại quân đánh sang đất phương Bắc để phá vỡ âm mưu của giặc. Sách Việt điện uy linh chép rằng Lý Thường Kiệt nghe tin người Tống muốn đem quân xuống rình nước ta, để gây việc binh. Ông lập tức tâu vua :” Ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc “.

Với tài thao lược, nghi binh Lý Thường Kiệt đã đưa thủy quân tiến đánh hai thành Khâm châu và Liêm Châu, sau đó tiến vào nội địa công phá thành Ung châu. Trận công thành Ung châu – một thành lớn, phòng bị kỹ của nhà Tống là một trận chiến mang tính kinh điển, thể hiện nghệ thuật quân sự độc đáo.

Không chỉ vậy, trong cuộc Bắc phạt này (từ 27/10/2075 đến 1/3/1076), ông còn tận dụng được sự ủng hộ của dân Tống. Theo bia thần phổ Lý Thường Kiệt: “dân Tống thấy lời tuyên cáo, đều vui mừng, đem trâu rượu khao quân ta. Từ đó, mỗi lúc dân Tống thấy hiệu cờ Thường Kiệt đàng xa, thì nói đó là quân của cha họ Lý người nước Nam; rồi cùng nhau bày hương án bái phục bên đường. Nhờ đó mà uy thanh quân ta lan khắp “.

Sau khi giáng cho địch những đòn nặng nề, Lý Thường Kiệt đã kéo đại quân về nước (tháng 3/1076) chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Dựa trên những phân tích mục tiêu và đường tiến quân của địch, Lý Thường Kiệt đã cho xây dựng phòng tuyến trên sông Như Nguyệt. Ông cho đắp đê cao như bức thành. Trên thành, đóng tre làm giạu, dày đến mấy từng. Thành đất, lũy tre, nối với dãy núi Tam Đảo, dài gần trăm cây số. Trước thành đất, lũy tre, có thủy quân đậu thuyền, sẵn sàng tiếp chiến với quân Tống, nếu chúng qua sông.

Phòng tuyến Như Nguyệt là trở thành nơi quyết chiến cuối cùng của quân ta và quân Tống. Khí thế giặc rất mạnh, tưởng chừng như có lúc phòng tuyến Như Nguyệt bị vỡ. Sách Việt điện uy linh viết: Muốn cổ vũ binh sĩ, Lý Thường Kiệt sai người giả làm thần nhân, nấp trong đền Trương Hát ở bờ nam cửa sông Như Nguyệt, đọc vang bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Sử sách từng ghi chép: “Đang đêm, nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy, quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đảm, không đánh đã tan”. Về sau đây được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Sau khi chặn đứng mọi cuộc tấn công của giặc, biết quân Tống đã mệt mỏi, cạn kiệt lương thực, ông bèn “dùng biện sĩ để bàn hòa. Không nhọc tướng tá, khỏi tốn máu mủ, mà bảo an được tông miếu ” (theo bia chùa Linh Xứng). Quân Tống buộc phải nghe theo và rút quân về nước vào năm 1077.

TRẦN HƯNG ĐẠO

Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc tỉnh Nam Định). Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230 hay 1232.

Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ hơn 70 tuổi. Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc.

Danh tiếng lẫy lừng của Trần Hưng Đạo gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại hồi thế kỉ 13 chống quân xâm lược Nguyên Mông, một đế chế hùng mạnh từng một thời hoành hành khắp Á Âu.

Sau khi thôn tính xong Trung Quốc, đế quốc Mông Cổ tập trung lực lượng đánh Đại Việt. Trong ba mươi năm (1257-1288), đế quốc Mông Cổ đã ba lần ào ạt cho quân tràn xuống xâm lược nước Việt, mỗi lần lực lượng mỗi to lớn hơn lần trước, chuẩn bị công phu hơn và quyết tâm cũng cao độ hơn.

Trần Hưng Đạo trở thành võ quan nhà Trần lúc nào không rõ, chỉ biết vào tháng Chín (âm lịch) năm Đinh Tỵ (1257), ông giữ quyền “tiết chế” để chuẩn bị chống lại cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 9 (1257), (Trần Thái Tông) xuống chiếu, lệnh (cho) tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới (phía Bắc) theo sự tiết chế của (Trần) Quốc Tuấn”

Sau khi đánh lui được quân Nguyên Mông lần đầu (1258), tháng Mười (âm lịch) năm 1283, để chuẩn bị kháng chiến lần hai (1285), Trần Hưng Đạo được vua Trần Nhân Tông phong làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh các lực lượng quân sự. Tháng Tám (âm lịch) năm sau (1284), ông cho duyệt quân ở bến Đông Bộ Đầu (gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), đọc bài ” Hịch tướng sĩ” nổi tiếng, rồi chia quân đóng giữ nơi hiểm yếu.

Đầu năm 1285, quân Nguyên Mông lại ào ạt tiến công vào phía bắc và vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Để bảo toàn lực lượng và thực hiện kế “thanh dã” (vườn không nhà trống), Trần Hưng Đạo ra lệnh rút quân. Quân xâm lược vào Thăng Long rồi tiến xuống Thiên Trường (vùng Nam Định) đuổi theo vua Trần. Vua Trần Thánh Tông lo ngại, vờ hỏi ông xem có nên hàng không. Ông khảng khái trả lời: “Bệ hạ chém đầu tôi rồi hãy hàng”.

Tháng 5/1285, ông vạch kế hoạch tổng phản công. Chỉ sau một tháng chiến đấu quyết liệt với các trận Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp,…quân dân nhà Trần đã đánh tan đội quân Nguyên Mông, giải phóng đất nước.

Cuối năm 1287, nhà Nguyên xâm lược lần thứ ba. Trần Nhân Tông hỏi: “Năm nay đánh giặc thế nào?”. Trần Hưng Đạo đáp: “Năm nay thế giặc nhàn”. Khi đoàn thuyền lương đối phương bị tiêu diệt ở Vân Đồn, chủ tướng là Hoàng tử Thoát Hoan phải rút lui, ông bố trí lực lượng mai phục ở cửa sông Bạch Đằng trực tiếp tổ chức chiến trường tiêu diệt toàn bộ binh thuyền của Ô Mã Nhi vào tháng Tư (âm lịch) năm Mậu Tý (1288). Thoát Hoan nghe tin đội quân thủy đã vỡ tan rồi, liền dẫn tàn quân tháo chạy về nước, dọc đường bị quân Việt đón đánh khiến “quân sĩ mười phần, tổn hại mất 5, 8 phần”. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để trốn chạy về nước.

Trong ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, công lao của Trần Hưng Đạo là vô cùng to lớn. Đại Việt sử ký toàn thư viết về ông: “Tiếng vang đến phương Bắc, khiến chúng thường gọi ông là An Nam Hưng Đạo Vương mà không dám gọi thẳng tên”.

NGUYỄN HUỆ

Nguyễn Huệ sinh năm 1753, mất năm 1792, dù chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi 40 năm với bao dự định đang dang dở tuy nhiên tên tuổi của Nguyễn Huệ – Quang Trung đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công lừng lẫy với hình tượng người anh hùng áo vải.

Quang Trung Nguyễn Huệ là người đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, đại phá quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ 18. Ông là một trong những lãnh đạo chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử Việt Nam với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.

Năm 1771, ở Đàng Trong, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo nông dân khởi nghĩa ở Tây Sơn. Lúc này ở cả hai Đàng chính quyền phong kiến đều đã rất bê tha, suy tàn. Với khẩu hiệu “Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, quân Tây Sơn tiến đến đâu thì dân nghèo ở đấy đều tham gia. Thanh thế của nghĩa quân Tây Sơn lớn lên nhanh chóng. Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn này, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ 18 và cũng trở thành người anh hùng dân tộc vĩ đại.

Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định đánh tan sào huyệt của quân Nguyễn, bắt giết được Nguyễn Phúc Dương và Nguyễn Phúc Thuần. Sau chiến thắng, ông giao quyền cai quản Gia Định cho các tướng rồi trở lại Quy Nhơn.

Năm 1783, quân Tây Sơn đánh chiếm lại thành Gia Định, Nguyễn Ánh thua chạy trốn sang Xiêm (Thái Lan) cầu cứu. Năm 1784, quân Xiêm đem 2 vạn thủy quân, 300 chiến thuyền và 3 vạn quân bộ cùng Nguyễn Ánh tấn công Gia Định.

Đầu năm 1785, Nguyễn Ánh và quân Xiêm từ Sa Đéc tiến đánh Mỹ Tho. Nguyễn Huệ cho quân mai phục, chặn đánh trên sông Mỹ Tho, đoạn ở Rạch Gầm- Xoài Mút. Quân Xiêm đại bại, chỉ còn vài ngàn bộ binh rút chạy về nước.

Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm được Thăng Long, lật đổ chúa Trịnh, trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê thưởng công cho Nguyễn Huệ bằng cách phong Nguyễn Huệ là Uy Quốc Công, nhường đất Nghệ An cho Tây Sơn. Được vài hôm, vua Lê Hiển Tông vì bệnh nặng qua đời. Vua kế vị là Lê Chiêu Thống. Sau đó, Nguyễn Huệ rút quân về phương Nam để Nguyễn Hữu Chỉnh ở lại đất bắc.

Sau khi Nguyễn Huệ rút đi, miền bắc trở nên rối loạn. Các thế lực của họ Trịnh ra sức khôi phục lại cơ đồ. Lê Chiêu Thống phải dựa vào sức cửa Nguyễn Hữu Chỉnh để chống đỡ. Chỉnh dẹp yên được họ Trịnh, cậy mình có công lớn nên sinh ra lộng quyền, chống lại Tây Sơn, đòi lại đất Nghệ An.

Năm 1787, Nguyễn Huệ sai Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm ra bắc đánh Nguyễn Hữu Chỉnh. Chỉnh cùng vua Lê bỏ chạy lên phía bắc. Dọc đường Chỉnh bị bắt giết, Lê Chiêu Thống thoát sang đất nhà Thanh cầu cứu. Diệt được Chỉnh, Vũ Văn Nhậm lại lộng quyền. Nguyễn Huệ đích thân ra bắc giết chết Nhậm, đưa Ngô Văn Sở lên thay, tuyển dụng người giỏi, hiền tài để trao quyền hành. Nhà Lê mất từ đây.

Năm 1788, vua Thanh là Càn Long cử Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nghi Đống… đem 20 vạn quân cùng Lê Chiêu Thống tiến vào nước ta để “tiêu diệt Tây Sơn, dựng lại nhà Lê”. Ngô Văn Sở bỏ trống Thăng Long rút về xây phòng tuyến ở Tam Điệp một mặt báo tin cho Nguyễn Huệ. Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long quá dễ cho là Tây Sơn sợ mất mật nên trốn cả nên hống hách, coi thường Tây Sơn, cho quân cướp phá hết sức tàn bạo. Lê Chiêu Thống cũng thực hiện việc trả thù, báo oán cũng không kém phần tàn ác, ti tiện.

Nguyễn Huệ nhận được tin cấp báo, ngày 22/12/1788, lập đàn tế cáo trời đất lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung rồi hành quân thần tốc ra bắc. Qua vùng Nghệ An, Thanh Hóa đều tuyển thêm quân lính. Khi đến phòng tuyến Tam Điệp ngày 15/01/1779 đã có được đại quân hơn 10 vạn người.

Rạng sáng mùng 5 tết Kỷ Dậu, 30/01/1789, sau khi chuẩn bị kỹ càng, vua Quang Trung cho quân tấn cống thành Ngọc Hồi, cùng lúc đó cánh quân khác đánh vào đồn Khương Thượng ở Đống Đa, sát thành Thăng Long.

Ở Ngọc Hồi, trước sức tấn công mãnh liệt, mưu trí của quân Tây Sơn, mặc dù chống trả kịch liệt nhưng quân Thanh cũng nhanh chóng để mất thành, chạy tán loạn, nhưng đều bị mai phục chết nhiều vô kể.

Ở Đống Đa, quân Tây Sơn do Đô đốc Đông chỉ huy cũng giành thắng lợi lớn. Thây giặc Thanh chất cao như núi. Tướng giặc là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử kéo theo nhiều bộ hạ thân tín tự sát theo, tàn quân chạy hết về Thăng Long. Quân Tây Sơn đuổi theo truy sát vào tận Thăng Long.

Tôn Sĩ Nghị lúc đó còn đang mơ màng trong giấc mộng, giật mình tỉnh giấc thì thấy quanh mình lửa cháy khắp nơi, sáng rực trời. Không kịp đóng yên cương, nhảy lên ngựa chạy trốn. Quân lính tranh nhau cướp đường chạy theo tướng về hướng bắc. Chen lấn xô đẩy qua cầu phao sông Hồng. Cầu chịu không nổi, đứt. Hàng vạn lính bị cuốn trôi theo nước dòng sông. Số chạy thoát đều bị mai phục, chặn đánh tơi bời.

Trưa mùng 5, vua Quang Trung tiến vào Thăng Long giữa tiếng hò reo của ba quân và dân chúng. Chỉ trong vòng một tuần, Vua đã từ Phú Xuân hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân Thanh hùng hậu. Vua tiến hành khôi phục đât nước với nhiều cải cách triệt để giúp đất nước phát triển nhanh chóng.

Gắn liền với Nguyễn Huệ là hình ảnh những người lính Tây Sơn thần tốc, rất nhiều sử gia đã tìm cách lý giải nhưng chưa đưa được đáp án cuối cùng. Đến tận hôm nay, chúng ta vẫn còn kinh ngạc vì cuộc hành quân thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn do Quang Trung chỉ huy. Ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất quân ở Phú Xuân ( Huế), ngày 29 đã tới Nghệ An, vượt khoảng 350km qua núi, qua đèo. Đến Nghệ An, vừa tuyển quân, tổ chức đội ngũ, vừa duyệt binh, chỉ trong vòng một ngày. Hôm sau, tiến quân ra Tam Điệp (cách khoảng 150km). Và đêm 30 tháng chạp đã “lập tức lên đường”, tiến quân ra Thăng Long. Tất cả đều là đi bộ.

Mặt khác, từ Tam Điệp ra Thăng Long (khoảng hơn 150km), vừa hành quân, vừa đánh giặc mà vua Quang Trung chỉ định trong vòng 7 ngày, (mồng 7 tháng giêng) sẽ vào ăn tết ở Thăng Long. Nhưng trên thực tế, đã thực hiện sớm 2 ngày – trưa mồng 5 đã vào Thăng Long.

Theo Việt Nam sử lược, Nguyễn Huệ đang ấp ủ đòi lại vùng đất đã mất vào tay phương Bắc từ thời trước, nhưng chưa kịp thực hiện hoài bão thì bị bệnh mất. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp của Nguyễn Huệ thực sự chói lọi với những chiến công hiển hách và khí thế thần tốc, đẩy lùi những đại quân xâm lược.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Vị tướng gần nhất được giới nghiên cứu ghi nhận là một trong 4 danh tướng lỗi lạc nhất của lịch sử dân tộc là Võ Nguyên Giáp. Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911, ở làng An Xá , xã Lộc Thủy , huyện Lệ Thủy , tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên. Võ Nguyên Giáp ra đời sau Quang Trung – Nguyễn Huệ 158 năm.

Được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao toàn quyền chỉ huy quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình không chỉ bằng một vài trận đánh, chiến dịch mà là cả hai cuộc kháng chiến chống 2 siêu cường sừng sỏ bậc nhất của thời đại là Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Lịch sử đó đã chứng minh tài cầm quân, thao lược của vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp mà điển hình là chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) và chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (năm 1975).

Sử sách thế giới đã đánh giá tên tuổi và sự nghiệp của vị Tổng thư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng lừng danh nhất của lịch sử nhân loại.

Năm 2001, Giáo sư Trần Văn Giàu đã từng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đón chào thế kỷ XXI. Thế kỷ XX đã khép lại nhưng đó là thế kỷ đầy bi hùng và hào tráng, ghi lại biết bao sự kiện lớn với những con người có tên tuổi. Thế nhưng, khi thế kỷ XX lắng lại rồi thì chỉ còn lại 2 con người như hai biểu tượng. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa chiến tranh du kích và chính qui đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát triển thành đỉnh cao của nhân loại, được xem là kiểu mẫu của nhiều cuộc chiến tranh hiện đại khác. Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời vào lúc 18h09 phút ngày 4/10/2013 tại Viện quân y 108, Hà Nội, nơi ông tới điều trị từ năm 2009, hưởng thọ 103 tuổi.

V.Đ (Tham khảo tư liệu lịch sử)