Thọ Kimura và giấc mơ dang dở Brazilian Jiujitsu Việt Nam

Nhắc đến thầy Thọ Kimura – chúng ta phải nhắc đến nhiều thứ: chiếc đai đen đầu tiên của người Việt trong bộ môn Brazilian Jiujitsu, một người thầy đúng nghĩa với kỹ năng tuyệt vời và khả năng nhìn nhận – truyền đạt bài bản, một trái tim yêu võ bất kể tuổi tác, một góc nhìn sâu rộng cho sự nghiệp và bộ môn.

HLV nước ngoài không tiếc lời khen ngợi phong trào MMA Việt

Võ sĩ MMA Arnaud Lepont đấu giá từ thiện vì trẻ em mồ côi Việt Nam

Trò chuyện cùng thầy Vũ Nguyễn Hoàng Thọ – người thầy, người anh mà làng Brazilian Jiujitsu (BJJ) Việt Nam vẫn quen gọi với biệt danh Thọ Kimura, chúng ta thường không nghe thấy những từ ngữ cao siêu. Lớn lên tại nước ngoài từ nhỏ, vốn tiếng Việt của Thọ Kimura chỉ còn là những mảnh ghép rời rạc học từ gia đình. Đôi khi, ông còn khiến người đối diện cảm thấy thích thú với cách dùng từ độc đáo của mình mỗi khi nhắc đến “đại ca”, “đệ tử”, “thế” (tư thế, kỹ thuật).

Thế nhưng, đằng sau sự vụng về trong câu chữ ấy là những dòng chia sẻ sâu sắc, nghiêm túc về võ thuật, về những trải nghiệm trên con đường Nhu thuật BJJ. Đó là những câu chuyện đến từ định mệnh, và những lời khuyên xuất phát thực sự từ mồ hôi, nước mắt trên thảm võ.

Từ đứa trẻ xa xứ…

Ngày 27/12/1975, Vũ Nguyễn Hoàng Thọ sinh ra ngay tại mảnh đất Sài Gòn. Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông được đưa gia đình đưa sang Pháp định cư – chuyến đi nửa vòng trái đất ấy như một định mệnh đã đưa Thọ Kimura đến với Brazilian Jiujitsu, và đưa nó cùng ông trở về phục vụ lại cho quê hương.

"Trò chuyện cùng thầy Thọ, chúng tôi vừa cảm thấy đó là một người thầy nghiêm nghị, vừa là một người anh, một người bạn chân tình"
“Trò chuyện cùng thầy Thọ, chúng tôi vừa cảm thấy đó là một người thầy nghiêm nghị, vừa là một người anh, một người bạn chân tình”

Vốn tính hiếu động từ nhỏ, Thọ Kimura chơi nhiều môn thể thao – đến nỗi ngay cả khi lớn lên, ông vẫn tiếp tục đeo đuổi con đường ấy đến Đại học Sư phạm Pháp. Ông tâm niệm bản thân mình tập luyện thể dục thể thao là vẫn chưa đủ – cần truyền dạy, giới thiệu nó đến với nhiều người khác nữa. Ông đến với cương vị người Thầy không phải bằng duyên số, mà bằng tất cả sự đam mê và cố gắng của bản thân.

… cho đến dịp tình cờ trở thành một võ sĩ

Thế nhưng, định mệnh đã không để tài năng Thọ Kimura dừng chân tại giảng đường, mà tiếp tục rẽ lối ông đến với sự nghiệp hiện tại. Chuyển sang Mỹ sinh sống và lập nghiệp khoảng 10 năm về trước (khi đã 30 tuổi), đó mới là lúc Thọ Kimura bắt đầu đi theo con đường võ thuật chuyên nghiệp.

Brazilian Jiujitsu là bộ môn có mối liên hệ rất gần với Judo, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Bộ môn này sử dụng các đòn khóa, đè, siết cổ làm "vũ khí". BJJ được cộng đồng võ thuật thế giới đánh giá là một trong những bộ môn quan trọng và gây ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử võ thuật.
Brazilian Jiujitsu là bộ môn có mối liên hệ rất gần với Judo, nhưng chưa phổ biến ở Việt Nam. Bộ môn này sử dụng các đòn khóa, đè, siết cổ làm “vũ khí”. BJJ được cộng đồng võ thuật thế giới đánh giá là một trong những bộ môn quan trọng và gây ảnh hưởng lớn nhất đến lịch sử võ thuật.

Từ một dịp tình cờ khi không thể tìm được lớp tập Judo, Vũ Nguyễn Hoàng Thọ dừng chân tại một phòng tập của Kimura – một trong những đội BJJ mạnh nhất thế giới. Với con mắt tinh tường của một người đã tập luyện thể thao từ rất lâu, ông nhanh chóng nhận ra đây là bộ môn tuyệt vời – nơi dung hòa cả Nghệ Thuật và Khoa Học trong từng đòn đánh.

Những buổi tập đầu tiên bắt đầu từ đó, bắt đầu một sự nghiệp võ thuật mà chính Vũ Nguyễn Hoàng Thọ cũng không ngờ nó sẽ gắn bó cả đời với mình, gắn luôn cả cái tên “Kimura” kiêu hãnh đằng sau tên mình như một biệt danh đầy sự tôn trọng và kính nể từ bạn bè, môn sinh. Một lần nữa may mắn mỉm cười với ông, khi vừa phải bận rộn với công việc giảng dạy, vừa tập luyện BJJ, Vũ Nguyễn Hoàng Thọ được những người đồng nghiệp và cả Hiệu trưởng của trường nơi ông giảng dạy tạo điều kiện cho phép đi thi đấu thường xuyên, thậm chí cả những chuyến đi dài ngày.

BJJ là bộ môn hết sức tinh tế và khoa học, đòi hỏi người tập không chỉ có thể lực, kỹ năng, mà còn cái đầu tỉnh táo, khôn ngoan, biết phán đoán và xử lý tình huống, cũng như khả năng cảm nhận chuyển động cơ thể thật tốt. BJJ là một trong những môn võ khó tập và khó lên đai đen nhất thế giới.
BJJ là bộ môn hết sức tinh tế và khoa học, đòi hỏi người tập không chỉ có thể lực, kỹ năng, mà còn cái đầu tỉnh táo, khôn ngoan, biết phán đoán và xử lý tình huống, cũng như khả năng cảm nhận chuyển động cơ thể thật tốt. BJJ là một trong những môn võ phức tạp và đòi hỏi tập luyện lâu dài nhất thế giới.

Tuy bắt đầu tập luyện ở tuổi 30 – độ tuổi có thể coi là “già” với nhiều môn thể thao nhưng nhờ nền tảng thể chất tốt, cộng thêm bộ môn này vốn có “tuổi võ” rất cao, nhờ đó Thọ Kimura vẫn tiếp tục trau dồi kỹ năng và không ít lần “lấn lướt” các võ sinh trẻ.

Cứ như thế, sau hơn 7 năm trời tập luyện, thậm chí chịu “lép vế” với thể chất người Á Đông thấp bé nhẹ cân, thường xuyên phải tập luyện với những người bạn nặng hơn gần 10kg (trong bộ môn BJJ, chỉ cần lệch nhau vài kg là đã có thể tạo nên lợi thế rất lớn), Thọ Kimura vừa rèn bản lĩnh cho mình, vừa sẵn sàng cho con đường tiếp theo.

Tiếng gọi quê hương – và chiếc đai đen đầu tiên của người Việt

Sống ở nước ngoài nhiều năm (30 năm ở Pháp, 7 năm ở Mỹ), Thọ Kimura vẫn luôn ấp ủ ý định trở về quê nhà. Ý định đó càng mãnh liệt khi ông đến với Brazilian Jiujitsu, một bộ môn (khi đó) còn rất mới mẻ ở VN, nhưng đã tạo được tiếng vang lớn trên toàn thế giới. Đó còn là bộ môn mà Thọ Kimura cho rằng cực kì phù hợp với người Việt – những con người có cái đầu lạnh trong đối kháng võ thuật, cũng như sự khôn ngoan và kiên trì vượt bậc.

Thọ Kimura giảng về các cấp đai trong BJJ. Bộ môn này có liên đoàn cấp quốc tế, và mọi văn bằng, đai đẳng đều phải được thông qua một cách rõ ràng, chuyên nghiệp.
Thọ Kimura giảng về các cấp đai trong BJJ. Bộ môn này có liên đoàn cấp quốc tế, và mọi văn bằng, đai đẳng đều phải được thông qua một cách rõ ràng, chuyên nghiệp.

Từ khoảng những năm 2010, Thọ Kimura đã lên kế hoạch dự tính 5 năm sau sẽ trở về Việt Nam. Thế nhưng, được sự ủng hộ và giúp đỡ từ những cá nhân yêu võ tại Việt Nam – những con người cũng giống như ông Vũ Nguyễn Hoàng Thọ, ước nguyện đưa cái hay, cái mới về cho nền võ thuật Việt, những bước chân đầu tiên của sự nghiệp “Thọ Kimura” tại mảnh đất quê hương đã sớm bắt đầu từ năm 2012.

Khởi nghiệp với một lớp võ nhỏ mượn sân từ khuôn viên trường học, Thọ Kimura bắt đầu giảng dạy những lứa học trò đầu tiên, cũng như tiếp tục xây dựng niềm tin vào thế hệ trẻ Việt trong bộ môn này. Là người thắp đèn dẫn lối cho một bộ môn còn mới mẻ và xa lạ, khó khăn là điều không tránh khỏi, nhưng với tâm niệm “cái gì mình nghĩ là khó thì nó sẽ thành khó” – bí quyết đã giúp ông thành công tại hải ngoại, Thọ Kimura dần dần xây dựng được chỗ đứng của mình trong làng võ thuật.

Đôi tai "cauliflower" của Thọ Kimura - sưng phù lên do bị chà xát và tụ máu. Đây là đặc điểm thường thấy ở những người tập BJJ lâu năm.
Đôi tai “cauliflower” của Thọ Kimura – sưng phù lên do bị chà xát và tụ máu. Đây là đặc điểm thường thấy ở những người tập BJJ lâu năm.

Cùng với những đội tập luyện Brazilian Jiujitsu khác cùng tồn tại ở TP.HCM, Vũ Nguyễn Hoàng Thọ dẫn dắt đội Kimura Việt Nam trở thành một trong những lá cờ đầu đầy kiêu hãnh. Nói về điều này, người thầy, người anh lớn Thọ Kimura vẫn khiêm tốn cho rằng đó là sự chung tay góp sức của các học trò, của những người anh em thậm chí từ những bộ môn khác đã góp sức tạo điều kiện cho anh về Việt Nam, dần dần có những nơi chốn tập luyện tốt hơn.

Nói về ý định trở về Việt Nam, Thọ Kimura vẫn thường xuyên mỉm cười: “Tôi chưa bao giờ hối tiếc khi bỏ lại sau lưng mười mấy năm giảng dạy ở nước ngoài. Về đây, tôi không còn dạy học nhưng lại chuyên tâm dạy võ, và đối với tôi đó vẫn là dạy, là điều tôi yêu thích.”

Đầu năm 2015: Thọ Kimura đón nhận tin vui lớn nhất trong sự nghiệp mình, đó là chiếc đai đen cùng văn bằng chứng nhận của liên đoàn BJJ thế giới (Cần nói thêm rằng BJJ là bộ môn cực kì khó “lên đai”, để đạt được đai đen, tùy trình độ mà người võ sĩ có thể phải tập luyện từ 10 – 20 năm, và thậm chí là không bao giờ, nếu như người đó không nắm được tinh hoa thực thụ của bộ môn này).

Rất khiêm tốn ngoài đời thường và ít khi nào nói về những thành quả của mình, Thọ "Kimura" lại là người VIệt Nam đang giữ nhiều thành tích, huy chương, giải thưởng nhất trong bộ môn này.
Rất khiêm tốn ngoài đời thường và ít khi nào nói về những thành quả của mình, Thọ “Kimura” lại là người Việt Nam đang giữ nhiều thành tích, huy chương, giải thưởng nhất trong bộ môn này.

Bằng tất cả sự khiêm tốn, Thọ Kimura vẫn cho rằng: “Có thể chúng ta không biết, vì ngoài kia có thể có những người Việt đang sống ở hải ngoại đang tập bộ môn này và đã có đai đen”. Thế nhưng, nếu xét về những người Việt đúng nghĩa, sinh ra tại Việt Nam và đã trở về Việt Nam phục vụ quê hương, cũng như có thời gian tập luyện ngay tại đây thì Thọ Kimura chính là niềm kiêu hãnh đầu tiên, người “sư phụ” đai đen đầu tiên của người Việt trong bộ môn này.

Con đường nào cho Brazilian Jiujitsu Việt Nam

Vẫn giữ nguyên tâm niệm từ thời ông còn là một sinh viên Sư phạm, “bản thân mình tập luyện thể dục thể thao là vẫn chưa đủ – cần truyền dạy, giới thiệu nó đến với nhiều người khác nữa”, điều trăn trở nhất của Thọ Kimura đó là tiếp tục con đường truyền bá, giảng dạy bộ môn này tại Việt Nam.

Một điều đặc biệt rằng Thọ Kimura đã có cái nhìn hết sức nghiêm túc về sâu sắc về tương lai của bộ môn này tại Việt Nam. Ông cho rằng phong trào cần phải phát triển hơn nữa, trước mắt là cần có nhiều đội tuyển khác nhau (có thể là từ Kimura tách ra, hay các đội khác của BJJ) trong TP.HCM, cùng nhau thi đấu cạnh tranh để nâng tầm chất lượng, phát triển ra các tỉnh thành và rồi cần có một Liên Đoàn thống nhất, giống như những bộ môn khác.

ASIAD 2018 sắp tới đây có thể sẽ tổ chức tranh tài bộ môn BJJ, Thọ Kimura – với kinh nghiệm nhiều năm thi đấu của mình đã nhận định đó là cơ hội ngàn vàng để BJJ Việt Nam tạo được tiếng nói trong khu vực, và rất mong mỏi sự hỗ trợ của các tổ chức thể thao Việt Nam. Với niềm tin mãnh liệt vào khả năng của người Việt – những con người có “bản năng chiến đấu ngay trong dòng máu của mình” (trích lời Thọ Kimura), ông tin rằng người Việt hoàn toàn có quyền hi vọng vào một tương lai “Vàng” của BJJ Việt Nam, không chỉ tại ASIAD mà còn tại nhiều giải đấu danh giá khác.

Thọ "Kimura" tập luyện cùng các học trò. Ông có niềm tin rất lớn vào tiềm năng của người Việt trong bộ môn này.
Thọ Kimura tập luyện cùng các học trò. Ông có niềm tin rất lớn vào tiềm năng của người Việt trong bộ môn này.

Và có thể bạn sẽ bất ngờ về điều này, nhưng với tất cả kinh nghiệm và hiểu biết của mình, Thọ Kimura đã tuyên bố:

“Trong tương lai không xa, người Việt sẽ sản sinh ra ít nhất một võ sĩ xứng danh “huyền thoại” ở đắng cấp thế giới của bộ môn này”.

Với những phẩm chất cao quý của người Việt như sự bình tĩnh, khôn ngoan và kiên trì – những đức tính cần thiết nhất trong Brazilian Jiujitsu, còn điều gì để chúng ta phải hoài nghi vào một tương lai tương sáng cho bộ môn võ thuật này tại Việt Nam?

Video clip Thọ Kimura trải lòng về sự nghiệp võ thuật cá nhân, cũng như nhận định về BJJ Việt Nam

[jwplayer player=”1″ mediaid=”86228″]

VoThuat.vn