Võ Học Truyền Nhân: câu chuyện của võ sư Phan Thọ và Đào Thanh

Người học võ luôn đề cao phẩm chất và tinh thần thượng võ. Người có võ công càng cao thì đức tính lại càng khiêm nhường, không phô trương kiêu ngạo, không đánh người dưới ngựa hoặc truy thủ đến cùng, nhưng một khi đã ra đòn thì phải hạ thủ, đó mới chính là những Võ học truyền nhân.

Công phu xưa và nay của Võ cổ truyền Việt Nam

Võ cổ truyền Việt Nam: Tinh hoa rồi có thất truyền?

Võ sư Phan Thọ

Về Bình Định, nhắc đến lão võ sư Phan Thọ dường như ai cũng trân trọng, ngưỡng mộ. Có thời ông nổi danh với những võ thế, võ vườn như: võ đòn sóc, võ bồ cào,… ít được người học bài bản sử dụng. Ông cũng là người rất am hiểu 18 loại binh khí và nhiều tuyệt chiêu của môn phái Tây Sơn, là người vang danh trên võ trường, một thời cùng “Hùm xám miền trung” Hà Trọng Sơn đem vinh quang về cho võ cổ truyền Bình Định trong những lần thượng đài. Theo học võ từ năm 23, 24 tuổi với thầy Hương Mộc Ngạc ở làng An Vinh, sau 5 năm tu chí, Phan Thọ tiếp tục tầm sư học đạo với nhiều sư phụ nổi tiếng trong gần 20 năm ở khắp các vùng chân truyền. Nhờ đó, lão võ sư Phan Thọ rất am hiểu những bài binh khí và tuyệt chiêu của nhiều môn phái.

Để có thể theo đuổi đam mê võ học, võ sư Phan Thọ tự hào nói đến người vợ luôn tảo tần chăm lo cho nghiệp võ của ông từ những ngày đầu. Đến nay sống với nhau gần trọn đời người, bà vẫn là người tiếp lửa cho nguồn võ học trong ông luôn sáng mãi. Lão võ sư Phan Thọ kể lại:

“ Học 5 năm đầu là nhờ vợ. Tôi có đôi bò cày. Tôi nói vợ tôi là:

– Thôi có con nào xấu xấu bà cho tôi một con?

Bã hỏi:

– Chi?

Tôi nói là:

– Giờ là nó lỡ cỡ rồi, đem bán đi học võ.

Vợ trả lời là:

– Làm thứ gì chứ đi học võ là bán hết đi cũng được.

Người ta là cơm cha áo mẹ chứ mà tôi cơm nhà áo vợ!”

Hiện nay dù đã ở tuổi bát thập, lão võ sư Phan Thọ vẫn uy lực, dung mãnh trong từng động tác, xứng danh là một trong những bậc thầy của võ cổ truyền Bình Định. Nhiều đệ tử nghe danh võ sư đã không quản ngại đường xa tầm sư học đạo. Người từ Quảng Ngãi, Thanh Hóa tìm vào, có người ở tận Đồng Nai vượt đường xa ra thọ giáo. Không chỉ đến học xong một vài bài võ, miếng võ rồi về, mà những võ sinh này còn ở hẳn nhà thầy, cùng ăn cùng ở để không chỉ hiểu được bài võ, thế võ mà còn hiểu về võ đạo, võ đức. Một học trò của ông nói:

“Em rất thương thầy Thọ, dạy bảo đàng hoàn nghiêm, dạy kính trên nhường dưới, dạy biết lễ phép. Em học từ những đạo đức, lý luận, học từ những cách ăn nói, cách ứng xử với xã hội. Em học thầy những điều đó!”

Người xưa thường nói “Đệ tử tầm sư dị. Sư tầm đệ tử nan”. Người muốn học võ nghe thầy giỏi tìm đến không khó. Thầy muốn truyền dạy võ thuật cho đệ tử không phải dễ. Bởi lẽ, thầy phải chọn mặt gởi vàng, phải chọn người có đạo đức trong sáng, hành động đúng mực trượng phu, bởi có khi cái truyền lại là tâm huyết của một đời người thầy. Môn sinh phải trải qua thử thách về sức chịu đựng, sự kiên trì, gan dạ, về đạo đức, tư cách trung thành với môn phái, tuân thủ môn quy, đặc biệt là sự tô sư trọng đạo. Võ sư Phan Thọ nói:

“Hồi mấy ông thầy cả ổng có dặn khi con trưởng thành thì con mới truyền bá lại cho đời sau, đời con cháu của mình để chúng nó giữ được mãi mãi trường tồn. Thì tôi muốn làm sao là lũ thanh niên, nói chung, cho nên tôi thường kêu gọi là: Nam nữ thanh niên trong toàn quốc, ai muốn học 18 môn binh khí võ cổ truyền ở Việt Nam nói chung, hay là muốn Thập Nhị Tứ Chi thì về tại Bình Định, Tây Sơn. Chúng tôi truyền bá lại.”

Võ sư Đào Thanh

Mang theo trăn trở về sự tồn tại và phát triển của võ cổ truyền Bình Định, chúng tôi đến thăm nhà của lão võ sư Đào Thanh nằm khuất bên sườn đồi thôn Tân Đức, xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn. Quanh chén trà thơm nồng hơi, câu chuyện về những cuộc tỉ thí, những giai thoại về các môn phái, các cao thủ võ lâm dường như sống lại qua lời kể của vị võ sư đã gần 90 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, tinh anh.

Lão võ sư Đào Thanh trong một lần tham quan triển lãm vũ khí võ thuật cổ truyền Việt Nam

Những người giỏi võ cuộc sồng thường rất bình dị, tài võ nghệ chỉ tiềm ẩn bên trong, con người giàu long vị tha, khiêm tốn. Những cao thủ võ lâm không chỉ giỏi võ mà còn luôn giữ được “tín, nghĩa, hiệp, dung”. Đây chính là tinh thần và mục đính của người võ sĩ đạo chân chính. Theo lời võ sư Đào Thanh:

“Võ phải có văn để nó kiềm chế được cái chuyện mà bạo tàn. Cho nên mình đã biết, mình biết vậy thì phải nghĩ sao đặt để cho lũ trẻ nó học, thành ra học thuộc long. Hồi thời tôi không có đi đánh lộn gì, nó giữ, nó học thuộc rồi mà. Cho nên người võ sinh cần rèn luyện bản thân tốt”.

Võ sư Đào Thanh đã tự biên ba bài thơ để dạy học trò. Ai muốn nhập môn phải học thuộc cả ba bài, vì theo lão võ sư đã không có tâm để học, không có đủ kiên nhẫn để thuộc lời răn của thầy thì làm sao đủ ý chí để học võ, làm sao có cái đức đem võ học giúp đời. Nhiều võ sư đã dạy các học trò của mình mĩnh đúc kết kinh điển “Văn không võ, văn nhu nhược. Võ không văn, võ bạo tàn”. Các sư phụ thường dạy võ sinh chỉ dung đòn tối hậu với kẻ thù chứ không dung với đối thủ. Đó là lễ, là đạo, là những giá trị nhân văn tích tụ lại từ ngàn xưa. Người học võ cần có đức hiếu sinh để mở rộng long mình cho sự sống dào dạt trong từng đường gân, thớ thịt. Đoạn thơ lão võ sư Đào Thanh tự làm để răn học trò:

“Võ thời luyện tập thường xuyên

Đủ phân đòn tốt mới yên tranh tài

Sinh trong thiên hạ ai ai

Phục tài kính đức gái trai phải cần

Cần nên tu tính bản thân

Tinh thần, đạo đức, tác phong hàng đầu

Rèn hay kỷ thuật trao dồi

Nêu cao phẩm chất ở trong võ đường”

Trong những nhân vật được mệnh danh là tứ trụ tiền hiền của làng võ Bình Định thế kỷ 20 gồm: Hương Kiểm Trung, Mười Đậu, Hà Trọng Sơn và Đào Thanh thì  đã có 3 người khuất núi. Với đại lão võ sư Đào Thanh, tinh thần thượng võ luôn hòa quyện và cháy bỏng trong tâm tưởng, cảm xúc của ông. Theo ông, hồn võ Bình Định bao đời đã được gầy dựng từ những thế hệ Võ Học Truyền Nhân.

Theo Tuổi trẻ