Hành trình của niềm vui

Người ta thường nói “thời gian là kẻ thù của tuổi tác”. Nhưng theo con đường bí mật nào đó, bạn có thể ngược hành trình thời gian trở lại một thời khi mình còn trẻ trung hơn, trong những khoảnh khắc ngắn ngủi, để tận hưởng cái mà chúng ta gọi là niềm vui và hạnh phúc khó thể diễn tả bằng lời…

Top 5 đòn quật đáng sợ nhất trong Judo
13 năm trước, trận Kickboxing vs Judo này làm nên huyền thoại!

Không chỉ là cuộc chơi

Người đàn ông này đã 30 tuổi và trở thành ông bố của hai đứa con nhỏ kháu khỉnh. Ba mươi là độ tuổi “tam thập nhi lập”, là ngưỡng cửa để người đàn ông bắt đầu phát huy phong độ cho công việc và gia đình. Thế nhưng đối với thể thao đỉnh cao, đặc biệt là các môn đối kháng thì độ tuổi ấy chứng tỏ VĐV đã qua thời phong độ rực rỡ nhất. Đó là lý do khi Nguyễn Tuấn Học cho biết ý định tham gia thi đấu ở giải vô địch Judo toàn quốc 2017 (tổ chức tại Bình Dương từ 16/6-24/6/2017) dưới màu áo đoàn Hà Nội, chủ nhiệm bộ môn Judo Hà Nội Đỗ Ngọc Hùng đã phải hỏi lại anh rằng với những chấn thương và bất lợi thể chất do tuổi tác, anh có đủ quyết tâm và đảm bảo thi đấu được không. Còn các đồng đội, đồng nghiệp HLV với Tuấn Học dù rất tin ở kỹ năng của người bạn từng nhiều lần vô địch quốc gia, cũng chỉ dám dự đoán Tuấn Học lọt vào đến tứ kết sau trận thắng đầu tiên của anh, bởi giải vô địch Judo toàn quốc năm nay là dịp rà soát đánh giá lực lượng trước thềm SEA Games 29 và do đó quy tụ hầu hết VĐV mạnh nhất trong thành phần đội tuyển quốc gia.

Với bạn bè, Tuấn Học vẫn nói đây chỉ là cuộc chơi. Ở góc độ nào đó, điều ấy đúng, một cuộc chơi mang theo không ít chi tiết lãng tử, bởi “nhân thể” đưa VĐV đội tuyển Judo Hà Nội đi Đài Loan tập huấn 1 tháng trước giải vô địch Judo toàn quốc 2017, chàng HLV bèn lẳng lặng tập luyện để… thi đấu. Không mấy người biết mục đích của vụ tập luyện vỏn vẹn 1 tháng nói trên kể cả vợ Tuấn Học vì bản thân anh còn đang trong quá trình điều trị chứng bệnh phình đĩa đệm lưng, còn chị thì quá hiểu những chấn thương của chồng cứ sau mỗi đợt tập luyện và thi đấu giải. Có điều ở một góc nhìn khác, tôi tin rằng đó không hẳn chỉ là cuộc “dạo chơi”. Máu nghề nghiệp, tính nghiêm túc cộng thêm sự trở lại bản năng của một VĐV từng thi đấu đỉnh cao chính là những yếu tố quan trọng làm cuộc chơi của Tuấn Học trở thành câu chuyện thực sự mang lại nhiều cảm xúc thú vị.

Trận nào cũng là chung kết

Không phải câu hô khẩu hiệu mang tính động viên thường thấy mà quả thật những trận đánh của Tuấn Học tại giải vô địch Judo toàn quốc năm nay đều giống “trận đánh cuối cùng”, ít nhất là đối với chàng võ sỹ tuổi băm này. Đánh ở hạng cân dưới 81kg, Tuấn Học rơi vào bảng đấu với các đối thủ mạnh nhất gồm những VĐV đã và đang trong thành phần đội tuyển quốc gia. Trận đầu tiên Tuấn Học gặp Minh Quân (TPHCM, đội tuyển quốc gia), hạt giống số 1 của hạng cân dưới 81kg. Trận đánh khởi đi chậm rãi, cả hai đều giữ thủ chắc chờ cơ hội nên 4 phút hiệp chính trôi qua mà không bên nào ghi điểm. Ở phút 3.20 của hiệp phụ trong thế giằng co vì cả hai đã thấm mệt, Học nắm lưng Minh Quân và bất ngờ ra đòn Tani Otoshi xoạc chặn chân sau đối phương ăn điểm Ippon thắng tuyệt đối, kết thúc trận đấu gần 8 phút cực kỳ khó khăn.

Trận kế tiếp Tuấn Học gặp đối thủ Cần Thơ, từng nhiều năm được gọi vào đội tuyển quốc gia. Mới vào trận, Học đã bị đối thủ trẻ hơn đánh ngã bằng đòn vai Seoi-Nage thấp ăn điểm Wazari. Anh lấy lại bình tĩnh để ra đòn nhưng đối phương ăn miếng trả miếng rất khó chịu. Ở 2 phút còn lại, rốt cuộc Học cũng dụ được đối phương vào thế để ra đòn sở trường Tani Otoshi, tưởng đã ăn điểm tuyệt đối Ippon nhưng rồi trọng tài quyết định sửa lại điểm thành Wazari và một lần nữa Học phải thi đấu ở hiệp phụ trong thế bất lợi vì thể lực đi xuống do tuổi tác. Đối thủ của Học dĩ nhiên biết điều đó và đã đúng khi liên tục tấn công áp đảo, nhưng lại quên rằng đằng sau võ sỹ đang chấp nhận thủ kỹ chịu đòn kia là cả một kho kinh nghiệm chinh chiến dày dạn. Mải ra đòn móc chân O-Uchi-Gari khiến Tuấn Học đã nghiêng về sau mất thăng bằng thua đến nơi, võ sỹ Cần Thơ lộ sơ hở và chỉ chờ có thế, Học lập tức xoay úp người lại lật đối thủ ngửa lưng xuống thảm ăn điểm Wazari kết thúc trận đấu hết sức kịch tính theo cái cách “tìm được cơ sinh ngay cửa tử”.

Đối thủ Sóc Trăng của Học ở trận chung kết cao to hơn hẳn với sải tay và chân dài hơn, đồng nghĩa với thế thủ tốt hơn. Trong khi đó, Tuấn Học cũng đã lộ diện là võ sỹ nguy hiểm chứ không còn là chú ngựa ô của giải. Học bị tấn công dồn dập bằng đòn chân, liên tục bị đẩy vào hiểm cảnh do rất khó phòng thủ khi sức lực đã bị bào mòn ở các trận trước. Nhưng đúng là gừng già thì cay, trong một tình huống có thể nắm hai tay đối phương để kéo xuống thấp, Học lập tức ngả lưng ra đòn hy sinh Tomoe-Nage trong nhóm đòn sở trường của mình. Đối phương bị Học đánh lộn một vòng nhưng tiếp thảm bằng phần vai và nửa lưng nên chỉ bị thua điểm Wazari. Đòn đánh của Học khiến anh chịu những đợt tấn công mạnh mẽ hơn vì đối phương buộc phải gỡ điểm. Học dính đòn bẻ tay khi đánh đòn dưới đất và đã suýt thua nếu không kịp phản ứng co tay lại. Thế nhưng khi quay về đòn đứng, con cáo già Tuấn Học phát hiện ngay sơ hở phần thấp của đối phương và thế là Học thêm được 1 điểm Wazari nữa từ đòn vai Ippon Seoi-Nage thấp. Do luật mới ( 2 điểm Wazari không được tính là Ippon) nên Học chấp nhận phòng thủ chờ hết giờ với “vốn dắt lưng” là 2 điểm Wazari và phải trả giá bị trọng tài phạt 1 điểm vì không tấn công. Trong khi đó, đối thủ của Học tấn công như vũ bão và một lần nữa thực hiện được đòn bẻ tay ở 7 giây cuối cùng, song không đủ để lật ngược tình thế. Tấm HCV của Tuấn Học đã góp vào bảng thành tích 4 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ và giúp đoàn Judo Hà Nội lần đầu tiên trong lịch sử lên ngôi ở giải vô địch toàn quốc.

Đoạn kết

Ở giải vô địch Judo toàn quốc năm nay còn có một số trận đấu hay khác nhưng tôi chọn Nguyễn Tuấn Học không chỉ vì tấm HCV của anh. Thể thao đối kháng chẳng đơn giản là những phép tính cộng trừ hay các số liệu thống kê khô khan bởi nếu vậy thì người ta không cần phải đi xem hoặc thấp thỏm dự đoán, hy vọng làm gì. Điều cơ bản nhất là tôi tìm thấy sự lãng mạn trong suốt hành trình của Học ở giải đấu. Sự lãng mạn ấy nó như thế nào, thú thực là tôi khó thể giải thích rành rẽ được. Nó có một chút liều lĩnh, sự tự tin, những pha tinh quái khó ngờ…, dĩ nhiên có cả nghị lực hay những gì đó tương tự dù tôi không thích lắm khi nói đến mấy phẩm chất to tát ấy. Tôi luôn tin rằng chính nhờ có sự lãng mạn mà chúng ta mới nhìn thấy vẻ đẹp của thể thao và lắm khi chúng ta để nó dẫn dắt mọi cung bậc cảm xúc đến tận sâu thẳm trong tâm hồn. Xin chúc mừng Tuấn Học và đoàn Judo Hà Nội và hy vọng các anh sẽ lại đào tạo ra những lứa học trò giỏi chuyên môn nhưng cũng có thể “vượt khung” để lãng mạn vào một lúc nào đó, để có thêm những hạt ngọc lấp lánh tô điểm thêm cho vẻ đẹp của môn Judo nói riêng và thể thao nói chung.

Nguyễn Anh