TP.HCM có thể tổ chức nhiều sự kiện võ thuật tầm cỡ

Liên hoan võ thuật quốc tế TP.HCM (HCMC IMAF) 2016 do tập đoàn Number 1 tài trợ đã tạo tiếng vang với bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vị thế của một TP.HCM thân thiện, mến khách.

Sự kiện do UBND TP.HCM tổ chức dưới sự bảo trợ của Hiệp hội Võ thuật thế giới (WoMAU). Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Võ Danh Hải, Phó ban tổ chức HCMC IMAF 2016.

Với tư cách là phó chủ tịch Hiệp hội võ thuật thế giới (WoMAU), tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới, đồng thời là phó BTC, ông đánh giá thế nào về Liên hoan Võ thuật Thế giới TP.HCM 2016?

Chúng ta đã từng tổ chức thành công Liên hoan võ cổ truyền quốc tế tại Bình Định. Còn tiêu chí của liên hoan lần này khác hẳn. Nếu như sự kiện ở Bình Định chỉ tôn vinh một môn võ thì Festival võ thuật quốc tế vừa tổ chức ở TP.HCM đã được WoMAU đánh giá rất cao vì đây là nơi hội tụ của nhiều môn võ không chỉ riêng Việt Nam mà còn của nhiều bạn bè quốc tế.

Không chỉ vậy, BTC còn nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ nhiều môn phái và liên đoàn võ thuật trên thế giới vì đây là cơ hội để giao lưu văn hóa, quảng bá những gì tinh túy nhất của từng môn võ.

Ông Võ Danh Hải tại Hội nghị Đại hội đồng WoMAU lần thứ 14 - 2015 diễn ra tại TP. Chungju, Hàn Quốc
Ông Võ Danh Hải tại Hội nghị Đại hội đồng WoMAU lần thứ 14 – 2015 diễn ra tại TP. Chungju, Hàn Quốc

Với những gì tốt đẹp mà WoMAU đã nhìn nhận, liệu Liên hoan võ thuật thế giới tại TP.HCM có được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận?

Trước thềm liên hoan, lãnh đạo WoMAU cho biết nếu TP.HCM tổ chức thành công trong lần đầu tiên đăng cai thì UNESCO sẽ công nhận HCMC IMAF là hoạt động chính thức của tổ chức này nhằm bảo tồn và phát triển võ thuật như là một trong những di sản văn hóa của nhân loại.

Với thành công từ công tác chuẩn bị, cơ sở hạ tầng cho đến việc tổ chức và đặc biệt liên hoan đã thể hiện được những giá trị về văn hóa lẫn tinh thần đến khán giả trong nước, bạn bè quốc tế thông qua những màn trình diễn võ thuật ấn tượng, đặc sắc của 20 đoàn cả Việt Nam và thế giới, tôi tin rằng UNESCO sẽ sớm công nhận HCMC IMAF là hoạt động chính thức.

Lãnh đạo WoMAU cùng các đoàn quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan Võ thuật Quốc tế 2016.
Lãnh đạo WoMAU cùng các đoàn quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan Võ thuật Quốc tế 2016.

Vậy theo ông chúng ta cần làm gì để phát triển liên hoan lên một tầm cao mới và xa hơn nữa là tổ chức các sự kiện võ thuật tầm cỡ hơn?

Trong những lần đến các quốc gia xa xôi để quảng bá Vovinam và văn hóa Việt Nam, cũng giống như những anh em làm công tác phát triển võ thuật, tôi thật sự xúc động và tự hào khi thấy các môn sinh đủ mọi màu da, quốc tịch hăng say tập luyện môn võ của nước mình. Chính vì vậy, tôi càng khát khao giới thiệu Vovinam và Võ cổ truyền đến nhiều nước hơn nữa và ngược lại, có thể đưa tinh hoa võ học của nhiều môn phái trên thế giới về với Việt Nam. Đó không chỉ là võ thuật, đó chính là sự giao lưu văn hóa, là cầu nối để các quốc gia hiểu biết lẫn nhau, xích lại gần nhau hơn.

Những bài biểu diễn võ thuật đặc sắc ở Liên hoan Võ thuật Quốc tế được WoMAU đánh giá cao.
Những bài biểu diễn võ thuật đặc sắc ở Liên hoan Võ thuật Quốc tế được WoMAU đánh giá cao.

Năm nay, WoMAU không tổ chức Liên hoan võ thuật thế giới ở Chungju (Hàn Quốc) như mọi năm mà tập trung hỗ trợ TP.HCM lần đầu tiên tổ chức sự kiện này. Đó là bước đệm quan trọng tiến tới việc chúng ta tổ chức liên hoan hai năm một lần để chào đón nhiều môn võ, nhiều nền văn hóa trên thế giới đến với Việt Nam, cũng là cơ hội để quảng bá Vovinam, Võ cổ truyền đến bạn bè khắp năm châu. Nếu làm được điều này chúng ta sẽ giúp các môn sinh Vovinam và Võ cổ truyền trên khắp thế giới được trở về với nguồn cội, được thăm thành phố trẻ, năng động và cũng rất thượng võ như TP.HCM.

Tuy nhiên, để làm được điều này, chúng ta cần nhiều đến sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, đồng thời các ngành thể thao, văn hóa, du lịch cùng chung tay quảng bá để liên hoan được biết đến rộng rãi, thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều người hơn. Sự kiện này nhằm mục đích giao lưu văn hóa thông qua võ thuật và ngược lại kết nối cộng đồng võ thuật thông qua các quốc gia, nếu chúng ta quảng bá liên hoan rộng khắp thì sự giao lưu võ thuật, văn hóa sẽ được mở rộng và quy mô hơn.

Các võ sĩ cùng nhau chụp hình lưu niệm, cùng hát ca khúc “Nối vòng tay lớn”
Các võ sĩ cùng nhau chụp hình lưu niệm, cùng hát ca khúc “Nối vòng tay lớn”

Phó Chủ tịch WoMAU – TS Võ Danh Hải có nhiều năm hoạt động trong làng võ quốc tế. Năm ngoái ông Võ Danh Hải đã được đại diện của 40 quốc gia thành viên tín nhiệm bầu tiếp tục nắm giữ chức vụ phó chủ tịch WoMAU thêm một nhiệm kỳ nữa từ 2015-2018. Ngoài ra, ông còn là tổng thư ký Liên đoàn Vovinam thế giới và rất tích cực quảng bá môn võ này ra quốc tế. Cho đến nay, Vovinam có mặt ở hơn 50 quốc gia trên khắp năm châu, từng đoạt nhiều thành tích tại SEA Games 26 và 27, Indoor Games 2009 và tháng 9 này sẽ góp mặt ở giải Asian Beach Games.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ngọc Hà