Võ sư Ngô Xuân Bính xác lập kỷ lục Việt Nam

Ngày 22/11/2014, tại Hội trường Thành Ủy TP.HCM, chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 29 đã xác lập thêm 11 kỷ lục mới, trong đó có kỷ lục “Bộ sách châm cứu nhiều trang nhất” của Giáo sư – Võ sư – Kỷ lục gia Ngô Xuân Bính.IMG

Bộ sách châm cứu “Huyết áp cao – các chứng liên đới” (Chuyên khoa châm cứu) với 1578 trang đề cập tới các nội dung về châm cứu như: Các đường kinh và huyệt đạo trên cơ thể có sự dịch chuyển tùy thuộc vào các tạng bệnh khác nhau; Đề xuất phương thức châm cứu theo các sơ đồ dưới dạng Angten; Tìm ra phương pháp mới xác định phối hợp bộ huyệt; Phương thức châm mới có thể ứng dụng 2-3 lần châm trong một buổi điều trị; Tìm ra hệ thông đảo bộ huyệt cho từng ngày châm cứu… Công trình là kết quả của Giáo sư Ngô Xuân Bính trong nhiều năm nghiên cứu khoa học và thực hành chữa trị căn bệnh tăng huyết áp dựa trên những am hiểu về võ thuật và y học dân tộc.IMG_2062

Là người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực y học dân tộc để chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, ông đã được Hiệp hội Y học dân tộc Nga (RANM) trao tặng danh hiệu “Giáo sư y học dân tộc” và Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Châu Âu phong hàm Viện sĩ. Người thầy thuốc Ngô Xuân Bính ngoài tài châm cứu, bắt mạch, kê toa… còn là một Võ sư danh tiếng có công tâm trong việc phục hưng và bảo tồn môn phái võ Nhất Nam.

Võ sư Ngô Xuân Bình – người khai sinh môn phái võ “Nhất Nam” lừng lẫy

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống luyện võ ở huyện Hưng Nguyên (Nghệ An),  từ nhỏ võ sư Ngô Xuân Bính đã sớm được thân phụ và các võ sư vùng Thanh Hoá – Nghệ An truyền thụ cho võ công. Ở tuổi 24, võ sư chưởng môn Ngô Xuân Bính đã làm được điều phi thường: thống nhất các gia phái, hệ phái võ “Hét” vùng Thanh Nghệ thành môn phái võ “Nhất Nam” (cái tên với ý quy tụ bầu đoàn võ cổ miền bắc trung bộ, thành một điểm võ riêng dưới trời Nam, là một đứa con của làng võ Việt Nam). Cùng năm ông cho ra đời hai tập sách đồ sộ: “Nhất Nam căn bản” tập 1 – 2. Ông biên soạn nội dung và trực tiếp vẽ hình minh hoạ, bởi thời gian này ông đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, trở thành giảng viên môn Lý luận hội hoạ tại trường Cao đẳng Nhạc Hoạ TW. Từ đó cho đến năm 1990, phái võ Nhất Nam của võ sư Ngô Xuân Bính đã phát triển nhanh tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Phái võ đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia, nhiều thế hệ học trò xuất sắc đã kế tục sứ mệnh của võ sư, đưa môn phái phát triển ở khắp các nơi. Họ yêu thích võ Nhất Nam vì nhận thấy môn võ này không chỉ giúp họ trở nên can đảm mà còn giúp tăng cường thể lực, cảm thấy tự tin, điềm tĩnh và hướng thiện hơn.IMG_2062 20141122_192459 20141122_192709 IMG_2060

Điều đặc biệt nhất của Nhất Nam là môn võ này đã phát triển được cả 3 định hướng trên nước bạn: thể thao quần chúng, võ dưỡng sinh và thực hành chiến đấu. Hiện nay thày Bính đã và đang soạn thảo các giáo trình có những luận điểm riêng về giáo học pháp để phổ cập Nhất Nam trong hệ thống nhà trường: mẫu giáo, phổ thông và cả đại học, được dịch ra tiếng Nga và tiếng Anh.

Có thể nói, tính hệ thống về lý thuyết của Nhất Nam chính là điểm đáng chú ý nhất của phái võ này. Ngô Xuân Bính đã bỏ nhiều công sức cho công trình tâm huyết của mình: các tập “Nhất Nam căn bản” lần lượt ra đời, bắt đầu từ cuốn I (xuất bản năm 1985, NXB Thể dục thể thao), được tái bản 5 lần! Cho đến nay đã có “Nhất Nam căn bản V” và dự định của thày Bính là có được một tuyển tập gồm 10 cuốn. Đây có lẽ cũng là một công trình đồ sộ về võ thuật, y võ, dưỡng sinh, đúc kết được tư tưởng sâu xa của ông cha, là di sản tinh thần quý báu của nền văn hóa Việt.

Giáo sư y học dân tộc Ngô Xuân Bính tài hoa

Có thể nói Ngô Xuân Bính đã nổi lên ở nước Nga như một đại diện – một nhà bác học của nền học vấn phương Đông. Anh đã tích hợp nền học vấn của phương Đông và phương Tây, đã dùng phương Tây làm nơi trắc nghiệm những lý thuyết và thực hành của mình, thu phục được nhân dân và chính quyền Nga, đem lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam.

Giáo sư Ngô Xuân Bính nổi tiếng ở Nga và châu Âu qua hàng nghìn ca khám chữa bệnh, qua các công trình nghiên cứu về y thuật dân gian, trong đó có các luận điểm làm thay đổi cả những quan niệm lâu nay về đánh giá bệnh lý, chẳng hạn như vấn đề huyệt đạo là lưu động chứ không cố định; huyết áp tại mỗi vị trí trên cơ thể là khác nhau; điều chỉnh khí nội dịch có thể tự chữa bệnh.v.v. Ông chính là người đã ký bản hợp đồng chữa bệnh lịch sử – điều trị bệnh tim cho tổng thống Nga Boris En-xin, khi mà các danh y hàng đầu thế giới đã… chào về! Kết quả ông đã duy trì sự sống đến… 10 năm cho bệnh nhân đặc biệt này. Chính vì vậy mà ngày 24/01/2010, Hiệp hội y học dân gian Nga đã phong hàm: “Giáo sư chuyên môn”; Liên hiệp quốc trao tặng ông huân chương cao quý “Nhicolai Peregov” vì những đóng góp “lớn lao và đặc biệt” (từ trong nguyên văn) vào nền y tế thế giới. Ông là một trong số 55 người trên thế giới được tặng thưởng huân chương cao quý này. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban Liên bang Nga về chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong ông hội tụ sự tài hoa, tinh tế của một nhà thơ, hoạ sĩ, võ sư… và sâu nặng là tấm lòng của một người Việt dành trọn tâm huyết truyền bá võ cổ truyền Nhất Nam đến với bạn bè quốc tế, ông đang góp phần làm toả sáng võ cổ truyền Việt Nam tại Nga, Belarus, Litva… và tiến tới thành lập Liên đoàn võ thuật Nhất Nam quốc tế. Ở địa hạt hội hoạ, ông đã có 7 triển lãm quốc tế, được các tạp chí mỹ thuật danh tiếng của Mỹ, Nga bình chọn là hoạ sỹ xuất sắc, giật nhiều giải thưởng cao nhất. Ngày 19/01/ 2010 Viện hàn lâm nghệ thuật Liên bang Nga trao tặng ông danh hiệu: “Viện sỹ danh dự”. Ông đã trở thành người Việt Nam đầu tiên thành danh và được ghi nhận tại cái nôi hàn lâm bác học là đất nước Nga.

Hy vọng rằng, với những thành quả đã đạt được, Giáo sư – Võ sư –  Kỷ lục gia Ngô Xuân Bính – một sứ giả đặc biệt của tình hữu nghị Quốc tế sẽ tiếp tục hiến trọn đời mình nhằm nâng cao và phát huy giá trị nhân bản của nền y thuật, võ thuật Nhất Nam trong cả nước và cộng đồng năm châu.

Theo Khánh Ly – Phật Giáo và Doanh Nhân