Cà phê võ thuật (Kì 2) – Võ thuật và người không học võ

Cà phê võ thuật (Kì 1) – Khi nắm đấm đến từ sự quan tâm

Cà phê võ thuật hôm nay xin giới thiệu đến quý độc giả một câu chuyện khác, một dấu hỏi bỏ lửng về vai trò của người luyện võ và võ thuật trong xã hội ngày nay….

Tôi và nó – hai đứa ngồi đối diện nhau qua bàn cà phê như mọi ngày. Bình thường thì hai thằng có đủ thứ chuyện để nói, mỗi thằng làm HLV một môn võ, vốn đã có quá nhiều đề tài cho ba mươi phút cà phê sáng mỗi ngày rồi. Vậy mà hôm nay nó lại im lặng cho tới khi cả hai thằng đều sắp phải đi làm – một công việc khác để nuôi những giờ dạy trên câu lạc bộ với đồng lương ít ỏi.

– Mày nhớ thằng Vinh học trò tao hôm trước đánh giải trẻ không? – Nó mở lời trước
– Nhớ. Mấy thằng tầm mười sáu mưởi bảy tuổi bên tao mà cho qua đánh luật Taekwondo với nó chưa chắc đã ăn nổi.
– Ừ. Nó nghỉ rồi.
– Sao vậy?
– Mẹ nó bắt nghỉ rồi. Nghe đâu gia đình đang sắp xếp cho nó đi du học, cấm hết các trò võ vẽ bóng rổ, suốt ngày cắm mặt ở nhà học Anh văn.

Tôi im lặng. Vinh là thằng học trò cưng nhất của nó. Từ mấy năm nay quen biết nó – HLV Taekwondo ở cái thị xã nhỏ này, tôi chưa bao giờ nghe nó khen bất cứ đứa học trò nào bên bàn cà phê, trừ thằng Vinh. Tôi im lặng vì ái ngại cho nỗi buồn của nó, cũng như của chính tôi: bên lớp Vovinam của tôi cũng mới có vài đứa nghỉ tập vì “dành thời gian cho việc học thêm Toán Lý Hóa”.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, thế hệ trẻ sẽ phần nào quyết định tương lai của nền võ thuật

Bỗng nhiên tôi nhớ chuyện cách đây một tuần, lúc tôi xuống nhà học trò đón nó đi đánh giải – xe đạp nó hư nên không lên nhà thi đấu được. Lúc tôi đang định gõ cửa thì nghe tiếng trong nhà vọng ra, tiếng một người đàn ông có vẻ cũng lớn tuổi nên tôi đoán đó là cha nó:
– Học võ làm cái gì? Để lên trường đánh lộn hả? Mày học võ làm gì, người ta đâm sau chém lén thì mày cũng chết thôi con. Lo mà học đi
– Dẹp! Võ vẽ gì nữa. Mày học võ rồi có làm ông này bà kia được không? Có nuôi được miếng cơm nào cho cái nhà này không? – Riêng giọng nói này thì tôi nhận ra ngay là mẹ nó, đã vài lần bà ấy lên lớp bảo tôi bắt cậu học trò hoàng đai nhị nghỉ võ.
Bao nhiêu thứ nổi sùng sục lên trong đầu tôi. “Học võ là học đạo làm người, học cách đối nhân xử thế, rèn luyện thân thể, đầu óc minh mẫn mà từ đó có thể học tập tốt hơn”… nhiều câu nói đại loại như vậy. Tôi muốn đẩy cửa bước vào nói hết tất cả những điều đó.
Rồi… tôi chợt nhớ lại bao nhiêu lần thất bại khi làm điều tương tự. Những lời dạy vô giá đó của thầy tôi để lại, có lẽ bây giờ cũng vô giá, nhưng mà là vô giá trị trong đầu những người cha mẹ thực dụng này.
Tôi quay đầu bỏ đi. Tôi không muốn làm cậu học trò của tôi khó xử, và chính tôi cũng khó xử.

Các giá trị nhân văn của võ thuật liệu đã được coi trọng trong xã hội ngày nay?

………

Bẵng đi một thời gian, tôi có dịp tiếp chuyện cũng một người bạn làm ăn ở Thái Lan về – một người cũng mê võ. Anh ấy kể về người Thái và cách họ nuôi dưỡng võ thuật, nhất là bộ môn quốc võ Muay Thái. Ở đó, anh ấy đã thấy những quán cà phê, những lễ hội, người ta vẫn dựng đài lên tổ chức thi đấu Muay Thái. Trẻ em được khuyến khích luyện tập Muay từ bé. Muay tồn tại trong lòng dân tộc Thái như một phần văn hóa, một phần linh hồn dân tộc, một niềm tự hào đặc biệt. Kể cả những người phụ nữ Thái làm nội trợ dù không luyện tập Muay nhưng vẫn nói được, hiểu được rõ ràng, đầy đủ chính xác về các giá trị của võ thuật. Phải nói rằng chưa bao giờ tôi được ngồi bên bàn cà phê và nói chuyện võ một cách hào hứng đến vậy!
Nhìn lại những gì tôi đang cảm nhận…
Từng đứa học trò tài năng rời bỏ võ thuật vì định kiến từ gia đình, bạn bè, xã hội. Từng đứa nghỉ tập vì không đủ điều kiện học tiếp….

…………..

Tôi lại ngồi cà phê với anh bạn thân. Gã vẫn đăm chiêu như mọi ngày.
– Hôm qua tao mới vô tình gặp một người. Hỏi ra mới biết người đó từng là… thầy của thầy tao. Ổng từng đánh giải, từng bất bại…
Nó bỗng nhiên ngừng lại. Tôi biết rằng trái tim yêu võ của nó lại vướng thêm một khúc mắc nào đó.
– Rồi sao?
– Ổng nói với tao câu này.
– Câu gì?
– “Trong số HLV Taekwondo của cả cái tỉnh này, ai cũng biết tôi, nể tôi. Nhưng có một người tôi rất cần ổng biết mà ổng lại không biết”.
– Rồi….
– “Ông chủ của cái hãng xe này. Kể từ khi tôi nghỉ võ, ổng mới là người cầm chén cơm của tôi. Ở đây, tôi cũng chỉ là người tài xế bình thường thôi”.
Tôi im lặng. Những gì các độc giả đang nghĩ có lẽ cũng chính là những điều tôi đã từng và vẫn còn đang nhức nhối.

Những người luyện võ sau giờ tập cũng là môt phần của xã hội lao động – trong vòng xoáy bận rộn của cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nơi võ thuật không còn niềm kiêu hãnh lớn nhất.

– Mày nghĩ tương lai võ thuật nằm trong tay ai?
Bất ngờ nó quay sang hỏi tôi như vậy. Tôi trả lời, câu trả lời mà tôi nghĩ rằng tôi giống nó:
– Trong tay những người làm lãnh đạo thể thao, trong tay các vận động viên tài năng, huấn luyện viên giỏi…
Nó cười, lắc đầu.
– Tao thì nghĩ tương lai của võ thuật nằm trong tay những người không tập võ. Phần còn lại của cái xã hội này. Cách họ tôn vinh hay khinh rẻ võ thuật. Cách họ tin. Cách họ nghĩ về võ thuật và những người luyện võ. Những thứ đó quyết định tao với mày là ai. Những gì tao với mày đang làm…
Bỗng dưng nó khựng lại, dốc li cà phê.
– … có giá trị gì.
Gã đứng dậy, bỏ đi. Nhưng những suy tư gã để lại thì còn đó.
Phai chăng tương lai võ thuật không nằm trong tay những người như tôi? Mà nằm trong tay phụ huynh những học trò tôi đang có bây giờ?
Dấu chấm hỏi bỏ lửng này, có lẽ, tôi nên nhường lại cho độc giả.

Biên tập: Hồ Võ