CPVT Kì 16 – Lá thư từ người thầy gửi đến người “thầy”

 Sau nhiều kì Cà phê võ thuật xoay quanh các vấn đề về người thầy võ thuật như Lời nói của kẻ mạnh, Tội của người “thầy” và tội ăn cướp6 tiêu chuẩn của một người thầy dạy võ, đã có nhiều độc giả, đặc biệt là các bậc võ sư, HLV ở các môn võ gửi thư đến tòa soạn cùng những dòng chia sẻ đầy xúc cảm. Trong số đó, chúng tôi đặc biệt chú ý đến bức thư từ một HLV (xin phép được giấu tên) cùng tựa đề: Lá thư từ người thầy gửi đến người “thầy”. 

Khi nói ra những điều này, tôi biết sẽ phải đụng chạm đến nhiều người, chỉ trích nhiều việc. Napoléon từng nói: “Thế giới này phải chìm đắm trong đau khổ, không phải vì hành động của kẻ ác, mà là vì sự im lặng của người tốt”. Tôi không phải một vĩ nhân, nhưng những gì tôi đang bức xúc ngay đây là những điều có thể tạo nên, và phá hoại những vĩ nhân của tương lai – những người trẻ luyện võ bây giờ. Vậy nên tôi không thể tiếp tục im lặng. Lá thư này, tôi xin đặc biệt gửi đến những người đang làm công tác huấn luyện võ thuật, những HLV chân chính và những người đang tự phong chữ thầy lên hai vai mình – đôi vai mà chính họ còn chưa ý thức được yêu cầu và trách nhiệm bản thân.

Một võ sư thực thụ là một võ sinh đã, đang và sẽ còn bước đi trên con đường gian khổ, những khó khăn đau đớn THỰC SỰ của võ thuật
Một võ sư thực thụ là một võ sinh đã, đang và sẽ còn bước đi trên con đường gian khổ, những khó khăn đau đớn THỰC SỰ của võ thuật

“Dù ở bất cứ lĩnh vực nào thì những người đứng ở vị trí giảng dạy đều luôn được tôn quý – những điều họ nói ra, những gì họ thị phạm được gọi là “khuôn vàng thước ngọc”. Nhưng khi những người thầy không phải thước ngọc khuôn vàng thì những gì họ tạo ra có thể là một thế hệ trẻ đã bị làm hư hại – bất kể chúng đã xuất phát với một khởi đầu tiềm năng như thế nào.

Trong võ thuật, điều này cũng không hề thay đổi.

Người thầy có nhiều yêu cầu khắt khe: chuyên môn cao, cái tâm, đam mê nghề và đạo đức. Có nhiều người “thầy” dùng yếu tố cuối cùng – “đạo đức” để lấp liếm che đậy những điều còn lại : chuyên môn yếu kém, tấm lòng yêu võ không đến nơi đến chốn, “đam mê” với cái danh “thầy” chứ không phải đam mê võ thuật.

Tôi nói ra những điều này vì tôi đã gặp và từng chứng kiến rất nhiều người thậm chí chưa từng trải qua 1 ngày tập luyện bài bản chuyên nghiệp môn võ nào đó nhưng lại tự mở lớp dạy trong khi kiến thức về môn võ đó họ có được chủ yếu qua sách báo, Internet… nói chung là tự tập. Vâng! Tự tập cũng tốt thôi nhưng đó là cho bản thân còn khi truyền dạy lại cho người khác nó đòi hỏi nhiều hơn là chỉ kiến thức. Bạn chưa từng tập và cảm nhận được sự giáo huấn của 1 người thầy thực thụ thì làm sao bạn biết làm cách nào truyền thụ lại cho học trò mình. Những kiến thức, kỹ thuật bạn tự tập liệu có đúng chăng? Có thể nó đúng với bản thân bạn nhưng với người khác thì không? Khi bạn mở lớp dạy lại dùng tên môn võ nào đó  bạn chưa từng đổ mồ hôi, nước mắt và máu thực sự cho nó ra để chiêu sinh thì thật nực cười.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
Mỗi người tham gia giảng dạy võ thuật nên ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận và yêu cầu của một người thầy võ. Những ai bỏ qua điều đó sẽ dễ trở thành những diễn viên – với cátxê là danh dự, vinh quang ảo vọng.

Tôi sẽ không bận tâm lắm nếu bạn tự thành lập một môn võ riêng và giảng dạy. Môn võ mang tên bạn có được chấp nhận, có tồn tại được hay không phụ thuộc vào nhiều thứ – đặc biệt là quy luật thải loại tự nhiên. Đó là điều vẫn diễn ra trên quả đất này – một cộng đồng khổng lồ với hàng trăm ngàn môn võ. Khi bạn yếu, không đủ bản lĩnh, bạn sẽ bị cạnh tranh, thua thiệt, lãng quên và rồi biến mất. Nhưng tôi sẽ vẫn nhớ đến bạn (nếu có dịp được quen biết) – nhớ về một con người đã từng đủ bản lĩnh tạo nên trường phái của mình, xây dựng nó, bảo vệ nó, bất kể có thành công hay không.

Điều tôi muốn, cần, và cảm thấy nên phê phán đó là đừng mượn tên một môn võ nào đó để mở lớp, để gắn chữ “thầy” lên trán mình khi trong đầu bạn lại chẳng có gì, hay để đánh bóng tên tuổi mình trên mạng xã hội. Khi người khác nhìn vào bạn và nhận ra những điều lố bịch, đó cũng là một sự sỉ nhục gián tiếp vào môn võ mà các vị sáng tổ đã dày công nghiên cứu sáng tạo và các vị chưởng môn thừa kế tiếp nối đã tốn hàng trăm, hàng chục năm hoàn thiện và phát triển. Bạn sẽ là tội nhân của điều đó chỉ vì lợi ích riêng của mình. Và chính bạn cũng trở thành thằng hề khi đứng trước một người thầy thực thụ – với chiếc đai đen được nhuộm bởi mồ hôi và máu, bằng tháng tháng năm năm lăn lộn trên sân tập nắng gió.

Hoặc nếu may mắn hơn, thì bạn vẫn chỉ là một kẻ lừa gạt chuyên nghiệp trước đám học trò ngây ngô.

Kí tên: Một người thầy vẫn còn đang tự hổ thẹn về bản thân.”

P/s: Cà Phê Võ Thuật chào đón mọi bài viết, mọi tâm tư của độc giả mong muốn được chia sẻ đến cộng đồng bạn đọc yêu võ. Hãy cùng chia sẻ qua email caphevothuat@gmail.com những dòng suy nghĩ của bạn về Võ Thuật!

Biên tập: Hồ Võ