Cậu bé thiểu năng và phép màu đến từ Aikido

Những chuyển biến đến không ngờ từ một cậu bé mắc chứng thiểu năng trí tuệ đến một chàng “cao thủ”Aikido  từ khi tiếp xúc với võ thuật được hình dung bằng hai chữ phép màu.

Dàn võ sĩ Wushu nhí múa võ “cực chất” tại Indonesia Got Talent
Choáng trước sức mạnh lan tỏa của Wushu ở Trung Quốc

Phép màu võ thuật

Đến thăm lớp võ Aikido của võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan vào một buổi chiều muộn nhưng không khí tập luyện khá sôi nổi.

Hàng chục võ sinh đều là những trẻ bị khuyết tật với đủ các chứng bệnh khác nhau như khiếm thị, khiếm thính, Down (thiểu năng trí tuệ)  hay tự kỷ… hội ngộ với một niềm say mê thể thao, say mê võ thuật đáng khâm phục.

Nổi bật trong số ấy, có một chàng trai mang trên mình chiếc đai nâu 3 gạch (đai cao thứ hai sau đai đen) luôn là người đi đầu trong các động tác. Lâu lâu chàng trai ấy lại đưa tay giúp các bạn khác tập những pha ngã người, lộn vòng.

“Cao thủ” đó là Bùi Tất Thành. Nhìn Thành dạn dĩ tươi cười với khách đến hay “chỉ giáo” nhiệt tình cho các bạn xung quanh, ít ai tưởng tượng được chàng trai trẻ đang mắc phải căn bệnh Down và phải mang khay hứng nước dãi những ngày đầu đến lớp.

Nghĩ lại thời gian đó, võ sư Thanh Loan bồi hồi: “Lúc ấy mẹ cháu Thành đưa em đến lớp, tôi nhìn thấy một đứa trẻ vô cùng nhút nhát, tay phải chân phải rất yếu và còn phải đeo một chiếc khay hứng nước dãi chảy ra liên tục”.

“Thành bước vào lớp với sự rụt rè, liên tục đòi mẹ đi về. Qua trao đổi, tôi biết ngoài mắc bệnh Down, Thành còn bị chứng tự kỷ”, cô Loan cho biết thêm.

"Cao thủ" đó là Bùi Tất Thành xuất chiêu
“Cao thủ” đó là Bùi Tất Thành xuất chiêu

Ấy vậy mà chỉ sau một thời gian tập võ, Thành như “thay da đổi thịt” đến ngay chính võ sư Thanh Loan và cô Lê Thị Hằng – mẹ của Thành cũng phải bất ngờ.

“Thể trạng của Thành được cải thiện rõ rệt, các căn bệnh như cảm, sổ mũi trước em gặp thường xuyên gần như dứt hẳn. Đặc biệt, sau một thời gian nước dãi của em cũng không còn chảy nữa. Em dạn dĩ hẳn lên, hòa đồng với các bạn vô cùng”, mẹ của Thành nghẹn ngào cho biết.

Một điều bất ngờ nữa là dần dần tay phải, chân phải của Thành bắt đầu có sức hơn. Hai ba năm nay, em đã có thể tự mình đạp xe đạp đến lớp trong sự thán phục và ngỡ ngàng của những người xung quanh.
Chứng kiến những thay đổi của con trai mình, cô Hằng chỉ biết hình dung bằng từ phép màu võ thuật. Bị chinh phục, cô Hằng cũng trở thành một thành viên tích cực tham gia vào các hoạt động của lớp võ Aikido từ đó đến bây giờ.

Tất Thành (giữa) tập cùng các đồng môn.
Tất Thành (giữa) tập cùng các đồng môn.

“Cao thủ” chốn đời thường

“Tôi nhớ có một lần người bác là công an của Thành đến chơi biết cháu có tập võ nên thử làm động tác đánh. Vậy mà bị Thành trả đòn thế nào khiến người bác này liêu xiêu muốn ngã khiến cả nhà bất ngờ“, cô Hằng chia sẻ kỷ niệm ấn tượng của cô về cậu con trai “đai nâu” của mình.

Ngày Thành ra đời, em đã không khóc. Rồi bầu trời của ba mẹ em như sụp đổ khi biết cậu con trai của mình phải đối mặt với hàng loạt khó khăn như mắc hội chứng bệnh Down, yếu tay chân phải…Càng lớn lên, Thành tỏ ra nhút nhát sợ cả những đồ vật nhỏ nhắn, tới mức bình thường như búp bê lại hay chảy nước dãi.

Nhớ lại thời gian đó, cô Hằng không khỏi xúc động: “Biết con mình ốm yếu lại mắc bệnh, tôi đưa con đi học bơi chỉ cầu xui rủi con bị ngã xuống sông có thể nổi được chờ người đến cứu chứ không cầu bơi ấy vậy mà không thầy nào dám nhận”.

“Tình cờ một lần được xem một VĐV khiếm thị biểu diễn võ thuật, tôi nhận ra đây là ánh sáng duy nhất giúp con mình đến với thể thao. Qua tìm hiểu và được giới thiệu, tôi đến với lớp võ Aikido của cô Loan. Ngày đầu đến tôi lo lắng không biết con mình được nhận không chứ đừng nói gì mơ tưởng con nó được đai nâu như bây giờ”, cô Hằng kể.

Có lẽ bởi niềm tin yêu mãnh liệt của người mẹ muốn con mình tập luyện thể thao ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho Thành được như bây giờ.

Hằng ngày, Thành tự dậy sớm chuẩn bị mọi thứ để đi học, đi tập võ. Chàng trai sinh năm 1994 đã có thể tự mình đạp xe suốt quảng đường gần 3km để đến lớp võ. Không những thế, Thành còn dành 3 buổi chiều trong tuần để làm công việc đóng gói bao bì ở một Trung tâm Bảo trợ NKT (quận 3). Tuy con mình chỉ được chừng chưa đến 100 ngàn mỗi tháng nhưng với ba mẹ Thành, những đồng tiền ấy quý hơn vàng.

“Mỗi lúc ba mẹ đi công tác xa, Thành còn có thể tự lập, tự nấu cơm hay mì gói để ăn rồi biết khóa cửa nhờ hàng xóm để ý nữa. Thành còn đánh máy vi tính được. Hôm trước tham gia đi đá bóng cho Trung tâm còn được huy chương nữa…”. Nghe người mẹ kể về những điều con mình làm được bằng một ánh mắt chứa chan tình cảm mới nhận ra rằng những việc tưởng chừng bình thường ấy của cậu con trai mắc bệnh làm người mẹ hạnh phúc đến nhường nào.

Nhờ Akido, Tất Thành đã tự mình đạp xe đạp đến lớp trong sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.
Nhờ Akido, Tất Thành đã tự mình đạp xe đạp đến lớp trong sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.

“Các bậc phụ huynh nếu có con em khuyết tật đừng nên mặc cảm mà giấu tụi trẻ ở nhà. Chỉ có ra xã hội giao tiếp, gặp gỡ thêm những bạn mới, tham gia các hoạt động thể dục thể thao mới giúp các em khá lên”, cô Hằng chia sẻ.

Những ngày cuối năm, Thành cùng các bạn trong lớp võ Aikido thường xuyên nhận các lời mời đi biểu diễn võ thuật tại các giải thể thao hay các sự kiện văn hóa. Các em chính là những bằng chứng sống về sức mạnh mà nghị lực, mà thể thao có thể mang lại được.

Nhìn Thành hăng say giúp đỡ các bạn trong các buổi tập, nụ cười rạng rỡ vỗ đôi tay vào nhau mỗi khi thầy công bố một bạn được “qua ải” kỳ thi lên đai mới biết chỉ cần phụ huynh có niềm tin chắp cho con em mình một đôi cánh thì không điều gì là không thể.

Hết tết này, Thành sẽ tích cực luyện tập và chờ đợi cơ hội để bước thêm một bước trong cuộc đời đầy “phép màu” của mình, đó là thi lên đai đen. Hy vọng và chúc cho chàng trai tuyệt vời này sẽ thành công.

Theo Thế Hiển/SGGP