Học võ rèn văn

Tôi may mắn được học Karate với võ sư Nguyễn Văn Dũng ở võ đường Nghĩa Dũng, số 8 Trương Định, Huế. Như nhiều đồng môn khác, đến đây học võ, nhưng tôi lại học được nhiều bài học về nhân cách sống, rất võ và rất văn.

10 lý do nên yêu một chàng trai giỏi võ
8 lợi ích nên cho con đi học võ

Trong 3 năm học THPT, cũng là 3 năm tôi làm võ sinh của võ sư Nguyễn Văn Dũng. Tôi còn nhớ như in năm tôi sắp bước vào kỳ thi đại học, cũng là lúc tôi sắp hoàn thành chương trình cơ bản của Karatedo. Ở võ đường Nghĩa Dũng, trước khi thi lên huyền đai, các môn sinh phải vượt qua một một cuộc thử thách “leo núi Bạch Mã”. Mỗi người chúng tôi phải mang một ba lô gồm các vật dụng nặng khoảng 15kg để có thể “sống sót” trên rừng. Chúng tôi phải leo núi cùng với thầy chặng đường 20km. Hành trình Bạch Mã đó ghi lại dấu ấn khó quên trong tôi.

mon sinh 2_CLZC

Trải qua chặng đường rừng vất vả và nguy hiểm, tất cả môn sinh đều mệt lả người. Khi chúng tôi đến Ngũ Hồ, trời đã xế chiều, ở đó có rất nhiều khách du lịch vui chơi và đang gom đồ đạc ra. Khi họ đi, đã để lại những đống rác lớn. Chúng tôi dự định nghỉ chân rồi tiếp tục cuộc hành trình, nhưng thầy gọi dừng lại và nói: “Dù các em có đi đâu, làm gì, thì cũng phải biết bảo vệ môi trường. Các em thu gom hết những rác thải đang vương vãi khắp nơi lại một điểm”.

Buổi tối, chúng tôi dựng lều, nấu ăn ở trên các mỏm đá trên đỉnh thác Đỗ Quyên. Sáng hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị trở về, thầy tập trung chúng tôi lại và dặn dò: “Các em phải dọn hết không còn một cọng rác. Trên các mỏm đá bị vết bẩn do nấu ăn, phải dội nước chà thật sạch”. Khi mọi việc xong xuôi, thầy còn đi một vòng để kiểm tra. Thấy còn vài mẩu rác, lập tức thầy bảo chúng tôi phải xử lý, thầy nói: “Chúng ta tới đây để viết bài thu hoạch cho quá trình 3 năm học võ. Vui chơi, sinh hoạt nhưng không được làm ảnh hưởng tới nơi này. Khi ra đi, phải trả lại nguyên trạng, đó chính là thái độ ứng xử văn minh với môi trường”.

Đỉnh núi Bạch Mã ở quê tôi cũng là khu du lịch, suốt chặng đường đi, chúng tôi thấy rất nhiều hoa đẹp mọc ven đường. Nhiều bạn đồng môn thuận tay bứt một vài cành hoa. Thầy ôn tồn nói: “Mỗi bông hoa nơi đây góp phần làm cho khu du lịch Bạch Mã đẹp hơn, nếu chúng ta bứt đi một nhành hoa, thì làm cho Bạch Mã xấu đi một chút”. Từ đó, tôi để ý thấy không còn ai bứt hoa bên đường nữa.

Những bài học nhỏ nhưng dã có tác động rất lớn đến suy nghĩ và hành vi của tôi sau này. Cho đến nay, tôi không bao giờ ngắt một nhành hoa dù là hoa dại ven đường. Tôi cũng hình thành thói quen mỗi khi thấy rác ở trong lớp học, ở xung quanh, tôi đều tìm cách nhặt bỏ vào thùng rác. Chuyến đi Bạch Mã đầy ý nghĩa đã cho tôi bài thu hoạch mà tôi xài cả đời.

Theo Lao Động