Những sai lầm mà người dạy võ không nên mắc phải

(Vothuat.vn) – Đôi khi do quá bận rộn hoặc bạn vô tình tạo thói quen không tốt, khiến việc luyện tập và dạy võ thuật kém hiệu quả và mắc những sai lầm không đáng có. Hãy xem thử bạn có mắc những sai lầm dưới đây hay không ?

1. Lo đi dạy mà quên phát triển võ thuật cho bản thân

Luyện tập thể lực rất quan trọng

Nhiều thầy võ quên luyện tập hay trao dồi kiến thức võ học vì họ tốn quá nhiều thời gian trong việc dạy võ. Để kiếm nhiều tiền hơn, thầy dạy võ sẽ thu nhận càng nhiều đệ tử càng tốt, đồng nghĩa với việc sẽ tốn thời gian cho việc dạy và mất giờ luyện tập. Đây là một trong những sai lầm thường thấy nhất trong các thầy võ ngày nay.

Ai cũng cho mình đã ở tầm cao và chểnh mảng trong việc phát triển bản thân, trong khi đó võ thuật cũng thay đổi từng ngày và bạn dần tụt hậu khi cứ chăm chăm vào những kiến thức đã học cách đây hơn chục năm về trước.

2. “Tám” trong giờ dạy võ

Đã luyện võ thì nên tập trung cao độ

Đôi khi võ sinh sẽ cảm thấy khó chịu khi võ sư nói nên tập thế này thế kia rồi làm việc riêng, hay đang giữa lúc dạy có một cuộc gọi từ người bạn và luyên thuyên trong khi học trò đang chờ đợi sự hướng dẫn. Tốt nhất bạn nên gạt qua những chuyện riêng và tập trung vào việc dạy học.

Thực tế thời gian dạy học võ cũng không quá nhiều, mỗi buổi tầm hơn 1 tiếng 30 phút. Thử nghĩ xem, nếu bạn bỏ hết đa số thời gian để làm việc riêng thì bản thân các võ sinh sẽ dần rời xa bạn vì cho rằng bạn cũng chẳng muốn dạy họ.

3. Cách sống thiếu văn hóa

Là người thầy bạn phải là tấm gương cho học trò

Bạn mặc đồ võ để luyện tập, bạn đổ mồ hôi, bạn bỏ tất cả vào trong túi, bạn quá mệt và quên mất đống đồ chưa giặt, rồi sáng sớm ngày mai bạn lại mặc bộ đồ bốc mùi từ ngày hôm qua. Mặc một bộ áo bốc mùi sẽ ảnh hưởng tới những người xung quanh, vì thế đừng quên vệ sinh dụng cụ tập luyện hàng ngày.

Bạn là thầy nhưng hành xử hay lối sống không tốt sẽ bị đánh giá ngay lập tức. Nên nhớ giá trị của chữ “thầy” nó không chỉ bao hàm trong vấn đề kiến thức giảng dạy mà còn về vấn đề văn hóa và ứng xử.

Quang Lữ