Tấm lòng người thượng võ

Đã gần 70 tuổi, nhưng hằng ngày, nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan ở TP Hồ Chí Minh vẫn miệt mài dạy võ Aikido miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Mong ước lớn nhất của bà là giúp các em tự tin hòa nhập với xã hội.

Trận solo kinh điển giữa Cung Lê vs Chân Tử Đan
Thú vị với bức ảnh Cung Le tập wrestling thời…trung học

Trong căn phòng tập rộng rãi tại CLB Năng khiếu thể dục thể thao 193/1C đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh), nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan trong bộ võ phục trắng của môn Aikido đang kiên nhẫn hướng dẫn từng động tác cho các em khuyết tật. Đây thật sự là công việc vô cùng khó khăn, nhất là với các học viên bị khiếm thị, thiểu năng trí tuệ. Đang tập, một vài võ sinh bất chợt lăn đùng ra sàn, nằm lì chờ cô giáo phải năn nỉ… đã trở thành chuyện thường ngày ở đây.

Đã từ lâu, bà Loan được mọi người biết đến là một nữ võ sư của những thân phận kém may mắn, bởi bà và chồng – võ sư Aikido Đặng Văn Phát – là những võ sư đầu tiên “dám liều” nhận các võ sinh bị thiểu năng trí tuệ, trong đó có những em mắc hội chứng Down. Hiện bà là trưởng bộ môn Aikido thuộc Hội Võ thuật người khiếm thị TP Hồ Chí Minh, đồng thời là huấn luyện viên trưởng Bộ môn Aikido tại Trung tâm thể thao Quận 3.

Thanh Loan cũng chính là một trong hai phụ nữ Việt Nam đầu tiên được phong đai đen quốc tế (nhất đẳng) do đích thân vị Sáng tổ môn phái Aikido – võ sư Morihei Ueyshiba phong vào năm 1967 khi bà mới 20 tuổi. Đến giờ, vợ chồng bà đều đã có đai đen 6 đẳng môn Aikido.

Bà Thanh Loan tâm niệm sẽ luôn là chỗ dựa cho trẻ em khuyết tật.
Bà Thanh Loan tâm niệm sẽ luôn là chỗ dựa cho trẻ em khuyết tật.

Bên cạnh phòng tập, còn là phòng sinh hoạt cộng đồng nơi bà Loan và các tình nguyện viên dạy tiếng Anh, dạy múa hát, làm ấm lại những phận đời bất hạnh, nhỏ nhoi. Bà còn thành lập Chi hội Tâm lý giáo dục Aikido “Thế giới là yêu thương” (thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP Hồ Chí Minh) dành cho trẻ em mắc bệnh Down, khiếm thị, khiếm thính… với tôn chỉ “lấy tình yêu và hòa bình là cách thức hội nhập xã hội”. Hiện chi hội đang dạy cho khoảng 150 học viên.

Mới đầu, nhiều em sợ không dám ra thảm tập. Nhưng bằng nụ cười hiền từ, giọng nói và thái độ nhẹ nhàng, bà đã động viên, khuyến khích các em để chúng bắt chước dần từng động tác.

Nhìn các em khuyết tật có thể nhào lộn, thực hiện các động tác khó chẳng khác gì những trẻ bình thường khác, bà Loan tâm sự đã rất ngạc nhiên khi thấy các em tiến bộ nhanh như vậy. “Ban đầu mục tiêu của tôi chỉ là giúp các em cải thiện sức khỏe và tìm niềm vui trong cuộc sống. Nhưng bây giờ các em có thể đứng trên đôi chân của mình và thực hiện các đòn thế Aikido chuẩn xác, vì vậy tôi rất hạnh phúc!”.

Nữ võ sư Thanh Loan sinh ra và lớn lên trong gia đình Nguyễn Hữu, một gia đình có truyền thống võ thuật ở tỉnh Long An và được học võ từ thuở bé. Chồng bà, ba người con và một người con rể cũng là những võ sư huấn luyện Aikido. “May là tất cả mọi người trong gia đình tôi đều dạy Aikido nên đều thông cảm và hỗ trợ tôi về thời gian dành cho các môn sinh”.

Công việc dạy võ của bà bắt đầu từ năm 1967. Nhưng như bà tâm sự, cuộc sống của nữ võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan đã bước sang một trang mới từ khi bà bắt đầu dạy Aikido cho trẻ em khuyết tật năm 2005, khi Hội Võ thuật TP Hồ Chí Minh thành lập Hội Võ thuật cho trẻ em khiếm thị. Bà Loan là giáo viên võ thuật được mời dạy cho lứa học viên đầu tiên khoảng 20 em. Bà chia sẻ: “Thoạt đầu, tôi thấy lo liệu mình có hoàn thành nhiệm vụ này không bởi dạy Aikido cho trẻ em bình thường còn là điều khó. Khi lớp học mới thành lập, hầu hết các em còn e ngại, nhưng giờ thì nhiều em đã giành được đai nâu”.

Trẻ mắc bệnh Down thường tiếp thu khá chậm nên bà phải kiên nhẫn thực hiện mỗi động tác rất nhiều lần để các em nắm bắt kỹ thuật. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, bà tiết lộ cách truyền dạy những đòn thế khó: “Tôi sáng tác một số bài hát để mô tả những động tác kỹ thuật khó nhớ”. Đối với các em khiếm thị, bà Loan chọn cách miêu tả các đòn thế một cách thật chi tiết, cho đến khi các em có thể hình dung được phải làm thế nào.

Cùng với kỹ năng võ thuật, người nữ võ sư cao tuổi còn cung cấp cho học viên của mình những bài học về ứng xử xã hội, chẳng hạn như phép lịch sự, cư xử với mọi người một cách tôn trọng, khuyến khích các em hướng tới những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.

Cô bé Yến Linh, một trong những bệnh nhi Down, đã thể hiện được niềm đam mê võ thuật khi tìm đến câu lạc bộ, một môi trường lý tưởng để rèn luyện và giao tiếp. Mẹ của Linh, chị Tôn Kim Diên, cho biết, từ khi Linh bắt đầu sinh hoạt tại Câu lạc bộ cách đây một năm, cô bé đã trở nên vui vẻ hoạt bát hơn nhiều. “Cô Loan là một cô giáo tâm lý rất giỏi. Ngoài việc dạy võ thuật, bác còn dạy học viên hát múa và giao tiếp. Linh đã có nhiều tiến bộ. Cháu đã học được rất nhiều và có cơ hội gặp gỡ với các bạn khác. Bây giờ nó đã biết múa khá tốt, về nhà biết chào hỏi bố mẹ rất chu đáo. Cháu bảo tôi rằng nó rất vui thích khi ở CLB vì nó có thể gặp nhiều bè bạn” – chị cho biết.

Nhiều thế hệ học trò của bà Loan đã thành công trong việc học tập tại các trường đại học và các trường đào tạo nghề, hoặc đã có việc làm. Bà Loan vui vẻ cho tôi biết, gần đây đã có hai học trò khiếm thị, một khiếm thính đạt được đai đen nhị đẳng Aikido và trở thành huấn luyện viên.

“Nguyện vọng của tôi là mở thêm được nhiều lớp võ thuật, kết hợp dạy kiến thức văn hóa và đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em đường phố để giúp các em hòa nhập cộng đồng, có kiến thức và tìm được việc làm để ổn định cuộc sống. Tôi đã dành toàn bộ cuộc đời mình cho Aikido, môn võ thuật của tình yêu thương, môn võ coi sự hài hòa là tinh thần chính yếu… Trong cuộc sống, nếu tất cả mọi người mỉm cười, thế giới sẽ bớt khổ đau. Khi tôi thấy học trò của mình hạnh phúc, yêu đời và đủ tự tin để hòa nhập xã hội, tôi cảm thấy rất hạnh phúc!”, bà Loan chia sẻ.

Nụ cười hồn hậu, ánh mắt người nữ võ sĩ lấp lánh niềm vui.

Với những đóng góp và nỗ lực không mệt mỏi, bà Loan và chồng vừa cùng vinh dự được nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thể thao do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng. Với bà, hạnh phúc lớn nhất là thấy các em khuyết tật cải thiện sức khỏe, trưởng thành và đóng góp cho gia đình và xã hội.

Theo Trung Hiếu/Báo Nhân Dân