Cao thủ “Miêu tẩy diện”và tuyệt kỹ công phu trong võ mèo

Khoảng 300 lần thượng đài ở trong nước cũng như quốc tế, võ sư Lý Xuân Hỷ chỉ một lần thất bại. Không chỉ ám ảnh các đối phương bằng thủ pháp nhanh gọn, ông còn khiến họ phải tâm phục khẩu phục…

Clip hot Lý Liên Kiệt lộ body, phô diễn quyền cước thời trai trẻ.
Chân Tử Đan khoe võ công, bắt chước thần tượng Lý Tiểu Long.

Khoảng 300 lần thượng đài ở trong nước cũng như quốc tế, võ sư Lý Xuân Hỷ chỉ một lần thất bại. Không chỉ ám ảnh các đối phương bằng thủ pháp nhanh gọn, ông còn khiến họ phải tâm phục khẩu phục bởi tuyệt chiêu miêu tẩy diện. Được biết, ngoài giỏi võ, võ sư Hỷ còn là người giàu lòng nhân ái.

Học võ mèo…

Ở đất võ Bình Định, Lý Gia không chỉ là môn phái nổi tiếng, có lịch sử lâu đời mà còn là mảnh đất ươm mầm nhiều tài năng võ thuật xuất chúng. Chia sẻ với PV, võ sư Lý Xuân Hỷ (76 tuổi, ngụ thôn Tây Phương Danh, phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định), truyền nhân đời thứ năm của Lý Gia cho hay, thời trước, cao tổ của Lý Gia ở đất Bắc, sau đó vào Nam khai hoang mở đất. Đến vùng đất mới, các thế hệ đều sinh sống rất đoàn kết, ưa chuộng võ học.

Mỗi khi có giặc ngoại xâm, nhà vua tuyển quân, con cháu dòng họ Lý Gia đều xung phong lên đường ra chiến trận. Cao tổ của dòng họ từng tham gia đội quân của Quang Trung – Nguyễn Huệ, góp công không nhỏ trong những chiến thắng như chẻ tre của đại quân Tây Sơn. Sau này, ở bất kỳ thời nào, Lý Gia võ đạo cũng thịnh vượng và phát huy tinh thần võ học, tương thân tương ái.

Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn tuyệt chiêu miêu tẩy diện.
Võ sư Lý Xuân Hỷ biểu diễn tuyệt chiêu miêu tẩy diện.

Nói về nguồn gốc tuyệt kỹ công phu miêu tẩy diện (mèo rửa mặt-PV), võ sư Hỷ cho biết, bài quyền được ông tổ của dòng họ là Lý Thế mô phỏng theo sự linh hoạt, nhanh nhẹn của con mèo. Tính đến nay, chiêu thức này đã tồn tại hơn 150 năm.

Vừa mô phỏng theo động tác của con mèo đang rửa mặt, võ sư Hỷ hào hứng nói: “Miêu tẩy diện tha thướt, nhẹ nhàng, ít gây tiếng động… nhưng cũng rất mạnh mẽ. Chúng ta để ý con mèo khi ngủ dậy, nó “rửa mặt” bằng cách lấy đôi chân trước vuốt mặt thật điêu luyện. Trong mắt của cao tổ dòng họ tôi, đó cũng là một trong những tuyệt chiêu võ học”.

Nói rồi võ sư Hỷ dẫn tôi ra sau vườn biểu diễn tuyệt chiêu miêu tẩy diện. Theo ông, học thuộc tuyệt kỹ này chỉ khoảng một tháng nhưng để đánh bài bản thì phải mất rất nhiều thời gian. Nếu ai có khiếu võ, nhập tâm có thể đánh thuần thục trong hai năm, nhưng có người cố cả đời cũng không thể được. Tập miêu tẩy diện là phải tập đôi tay sao cho linh hoạt. Bởi thế trong võ học, người ta vẫn thừa thận rằng cách đánh nhanh nhẹn và nguy hiểm nhất là cặp tay con cọp và mèo. Tuy không thiên về dùng lực mạnh mẽ như hổ quyền, nhưng miêu quyền xoay trở linh hoạt, tấn pháp thấp, thủ pháp gọn và hiểm hơn. Đôi tay cực kỳ ảo diệu khi vừa sử dụng hổ trảo vừa sử dụng kiếm chỉ điểm vào tử huyệt đối phương.

Được biết, giới võ thuật vẫn truyền tai nhau rằng, cái hay của bài quyền miêu tẩy diện là ở những bộ trửu (chỏ) thuộc bộ thủ (tay), phát huy thế mạnh khi cận chiến. Miêu tẩy diện sử dụng trong lúc đánh chỏ, lấy thế của mèo để né tránh rồi nhanh nhẹn phản công, phát huy được thế mạnh ở sự kết hợp nhuần nhuyễn trong bộ tấn pháp, thủ pháp, cước pháp, bông pháp (tay múa-PV)… để có được sự tập trung cao độ. Đồng thời, võ sỹ phải kết hợp nhẹ nhàng, linh động, mạnh mẽ tạo nên phản xạ tự nhiên, từ đó có được sự công phá bằng nắm đấm và đòn chỉ (điểm huyệt). Ưu điểm của bài quyền này là luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, gài đòn phản công…

3 phút hạ đối thủ hơn mình 30kg

Người sử dụng thuần thục nhất bài quyền miêu tẩy diện của dòng họ Lý Gia hiện nay là võ sư Lý Xuân Hỷ. Từ năm 8 tuổi, võ sư Hỷ theo cha là võ sư Lý Tường học võ. Tuy nhiên, phải mất rất nhiều thời gian, ông mới được cha truyền lại bài miêu tẩy diện. Chính nhờ sự khổ luyện và năng khiếu võ thuật, những đòn thế trong tuyệt kỹ này đã được ông Hỷ khai triển tuyệt đối, đặc biệt là đòn đánh chỏ.

Võ sư Hỷ đang chăm sóc vườn mai chơi Tết.
Võ sư Hỷ đang chăm sóc vườn mai chơi Tết.

Trong khoảng 300 lần thượng đài từ Bắc chí Nam, từ thuở thanh niên 18 cho đến năm 35 tuổi, ông Hỷ chỉ thua một lần. Thời còn so găng trên võ đài, ông chỉ vỏn vẹn 55kg. Nhưng lạ thay, ông được đặc cách đấu với những võ sỹ có hạng cân từ 65 – 70kg. Mỗi khi ông ra đòn miêu tẩy diện thì đối phương bao giờ cũng bị hạ gục. Tiếng tăm của ông khiến nhiều võ sư, võ sỹ ở khắp nơi ngưỡng mộ, lặn lội tìm đến thách đấu.

Chia sẻ với chúng tôi về cái tên “hùm xám cao nguyên”, võ sư Hỷ cười bảo: “Cái biệt danh này là báo chí phong cho tôi đấy. Năm 1968, ở Gia Lai, tôi đoạt HCV tại giải vô địch Cao nguyên Trung phần. Sáng hôm sau, báo chí đăng tin gắn cho tôi biệt danh “hùm xám cao nguyên”. Từ đó, cứ nhắc đến “hùm xám cao nguyên”, người ta lại nghĩ ngay đến tôi”.

Có lẽ một trong những trận đấu nổi tiếng nhất của “hùm xám cao nguyên” Lý Xuân Hỷ là vào năm 1969 tại Gia Lai. Khi đó, ông nhận lời thách đấu với một võ sư tên Long, 68kg, tứ đẳng huyền đai Taekwondo. Vào trận, với thể chất vượt trội, võ sư Long liên tục tung ra những đòn sấm sét. Đến giữa hiệp, khi võ sư Hỷ thoái lui tránh đòn, võ sư Long liền lao tới đánh tung đòn nhằm mặt đối thủ để kết thúc trận đấu. Nhưng không ngờ ông Hỷ lại luồn người áp sát chặn đòn rồi thuận thế tung hai chỏ vào chấn thủy (xương ức-PV) đối thủ. Võ sư Long bị trọng thương, gãy răng, gục ngay tại chỗ.

Đến năm 1990, ông cùng Liên đoàn Võ thuật Việt Nam sang Liên Xô (cũ) hơn hai tháng dự Festival võ thuật quốc tế gồm 16 nước tham gia. Lúc đó, ông đã gần 50 tuổi. Đối thủ của ông là một võ sư người Ba Lan, nặng hơn ông gần 10kg. Lúc thượng đài, thấy võ sư Hỷ người nhỏ thó, gầy gò, võ sư kia tỏ thái độ coi thường. Vừa vào trận, võ sư Ba Lan lập tức xông vào tấn công. Bằng một chiêu điêu luyện của miêu tẩy diện, ông Hỷ nghiêng người tiếp đòn rồi đảo tay đánh một chỏ, đối thủ ngã lăn quay. Khi mọi người còn chưa hết ngỡ ngàng thì võ sư Ba Lan lồm cồm bò dậy. Sau đó, vị võ sư này tiến đến chỗ ông Hỷ muốn bái ông làm sư phụ.

Năm 2007, ông Hỷ ngạc nhiên khi có một võ sư người Ý đến tìm mình để thách đấu. Hỏi ra mới biết, vị võ sư ngoại quốc này ngưỡng mộ võ sư Hỷ từ lần chứng kiến ông hạ đo ván võ sư người Ba Lan. Võ sư người Ý khi đó 42 tuổi, nặng 120kg, từng nhiều năm học võ bài bản. Thấy đối thủ cao to, trẻ khỏe, nặng hơn ông gần 30kg, nhiều người khuyên võ sư Hỷ nên từ chối.

Ông Hỷ cười nói: “Mọi người cứ yên tâm, không ai có thể đánh chết tôi được đâu”. Vào trận, vị võ sư kia ra đòn đá liên tục. Ông Hỷ chỉ né mà không phản công. Đến phút thứ ba, khi võ sư người Ý tung cú đá ngang mặt, ông Hỷ tiếp đòn rồi đá quét phá chân trụ làm đối phương ngã chúi xuống đất và thua.

Chỉ tay lên bức ảnh đại gia đình treo trên tường, võ sư Hỷ hồ hởi khoe: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đã có những học trò thành danh đúng nghĩa trong nghiệp võ. Các học trò của tôi không chỉ thấm nhuần sự tinh túy mà còn hiểu đúng mục đích, ý nghĩa của những đường võ. Năm người con trai của tôi cũng đã được phong võ sư”.

Hiện, võ sư Hỷ không còn luyện võ thường xuyên như xưa nữa bởi vấn đề sức khỏe. Ông giao võ đường lại cho con trai là võ sư Lý Xuân Vân (50 tuổi) trông coi và đào tạo các thế hệ trẻ.

Võ sư giàu lòng nhân ái

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND phường Đập Đá nhận xét: Ông Lý Xuân Hỷ không chỉ là võ sư lừng danh của võ thuật Việt Nam mà còn có tấm lòng bao dung, nhân ái. Bà con trong phường ai cũng quý mến và tôn trọng ông. Nhiều năm qua, ông thường xuyên giúp đỡ bà con nghèo trị các bệnh về xương khớp như bó tay, chân vì trật khớp, dạy cách xoa bóp bằng rượu thuốc khi nhức mỏi…

Có thể bạn quan tâm: Chuẩn hóa 13 bài quyền của Võ cổ truyền Việt Nam

[jwplayer player=”1″ mediaid=”86034″]

Theo Dương Kha/Nguoiduatin.vn