Võ nhạc có thực sự “mới”?

Trong những năm gần đây, võ nhạc trở thành một trong những hình thức võ thuật mới và được đặc biệt chú ý không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, đội tuyển quyền Taekwondo quốc gia vẫn đang là đơn vị tiên phong trong việc nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm võ nhạc.

Võ nhạc Taekwondo Việt Nam tung MV cực chất chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập

Gặp gỡ hai nhân vật “thổi hồn” cho võ nhạc Taekwondo

Taekwondo tuy là bộ môn có lịch sử lâu đời nhưng vẫn luôn là môn “trẻ”. Có môi trường thi đấu chuyên nghiệp, cộng đồng lớn mạnh, luôn cải tiến và cập nhật lý thuyết kỹ thuật, Taekwondo luôn tồn tại một dòng chảy sinh khí mạnh mẽ, luôn trẻ mãi cùng mọi bối cảnh thời đại.

Võ nhạc Taekwondo Việt Nam.

Và “võ nhạc” chính là một phần của Taekwondo Việt Nam thời đại mới – một thời đại mà chúng ta cũng cần những điều mới mẻ, gần gũi với người trẻ để kiến tạo và duy trì niềm đam mê. Những bài nhạc tưởng chừng không hề liên quan đến võ thuật lại trở thành môi trường, cách thức lý tưởng để tập luyện kỹ thuật, thể lực và tinh thần. Dĩ nhiên, không gì tuyệt vời hơn là tập luyện trong sự yêu thích, thoải mái và hưng phấn. Rõ ràng, giá trị biểu diễn của võ nhạc chỉ là sự đúc kết của một quá trình dài võ nhạc đem lại lợi ích lớn lao trong tập luyện. Ngoài ra, “võ nhạc” còn gánh vác sứ mệnh đưa hình ảnh bộ môn đến với cộng đồng, khiến nhiều người yêu mến và tìm hiểu Taekwondo hơn nữa.

Thế nhưng, đó là câu chuyện của Taekwondo. Trên thực tế, liệu việc kết hợp giữa âm nhạc và võ thuật có thực sự “mới”? Hãy điểm qua một số ví dụ sau đây:

CAPOEIRA – ÂM NHẠC LÀ VĂN HÓA VÕ THUẬT

Nhắc đến sự kết hợp âm nhạc – võ thuật, ta không thể quên ví dụ nổi tiếng nhất: Capoeira. Những chàng vũ công võ thuật Nam Mỹ là bậc thầy về việc sử dụng âm nhạc để kích thích cảm xúc, nhịp điệu chuyển động trong các kỹ thuật võ thuật, biến Capoeira thành một trong những bộ môn độc đáo nhất từng có. Những buổi Roda (đấu tập) của các Capoeirista không thể thiếu đi tiếng nhạc.

Nhiều sử liệu cho thấy các Capoeirista (người tập Capoeira) từ thế kỷ 16 ở Brazil đã tổ chức Roda giữa tiếng đàn Berimbau. Nhìn ngược về thủy tổ của Capoeira Brazil, các dòng võ cội nguồn ở Angola (châu Phi) cũng đã có tục tập luyện trong tiếng nhạc trước cả thời người da màu bị bắt sang Brazil làm nô lệ và hình thành Capoeira tại đây.

TAEKKYEON – CÂU CHUYỆN 4.000 NĂM

Taekkyeon – cội nguồn của nhiều môn võ thuật Hàn Quốc ngày nay đã có lịch sử đến hơn 5000 năm tồn tại, thất truyền rồi lại được khôi phục và phát triển. Không có nhiều sử liệu đáng tin cậy về thời kỳ đầu của Taekkyeon, nhưng những nhà nghiên cứu khẳng định rằng suốt 4000 năm qua, văn hóa Taekkyeon không có nhiều thay đối. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cách đây 40 thế kỷ, người Hàn đã cùng nhau đấu tập Taekkyeon mỗi buổi chiều nông nhàn trong tiếng nhạc và tiếng hò reo của từng nhóm người ngồi lại bên đống lửa nướng thịt uống rượu. Người Hàn đã gìn giữ một môn võ thuật như thế: đầy chân tình, thoải mái và sảng khoái.

Tiếng nhạc giúp võ thuật mang đậm tính giải trí hơn, và tồn tại xuyên sốt nhịp sống cộng đồng. Không phải tự nhiên mà Taekkyeon được đánh giá như một trong những môn võ thuật có hệ thống kỹ thuật khó và đòi hỏi thời gian tập luyện lâu nhất.

MUAY THÁI – ÂM NHẠC NGAY TRÊN SÀN ĐẤU

Với mầm mống từ khoảng thế kỷ thứ 6 và chính thức hình thành từ thế kỷ thứ 13, Muay Thái nổi tiếng như một trong những môn võ thuật đối kháng tàn khốc nhất trong lịch sử loài người. Thế nhưng, âm nhạc vẫn là điều không thể thiếu trong mỗi trận Muay Thái – ít nhất là trong suốt 400 năm qua, tính từ những bức phù điêu cổ nhất cho thấy những chiếc kèn Pi, trống Glawng Khaek và Ching (chập cheng) đã tồn tại ngay cạnh võ đài, góp vui cho từng tiếng reo hò và dẫn dắt nhịp điệu cho các võ sĩ.

Nhạc dùng trong thi đấu Muay

Như vậy, có thể thấy biểu diễn võ nhạc dù là phong trào mới, nhưng nó lại dựa trên một hành vi hết sức cổ điển của võ thuật: Để võ thuật hòa hợp với âm nhạc và trở thành món ăn tinh thần của không riêng người luyện võ.

Phạm Vũ