Mài kiếm – công đoạn để thể hiện tinh thần của một thanh Katana

Để tạo ra một thanh Katana tốt thì, rèn kiếm mới chỉ là một chặng đường, tuy quan trọng nhưng không phải là tất cả mà còn nhiều công việc khác cũng cam go không kém.

Bí ẩn về các thanh kiếm Katana
Thanh Katana huyền thoại đã được chế tạo như thế nào?

Công việc hoàn chỉnh thanh kiếm, không chỉ là mài cho sắc mà phải gọi là “chà láng” hay đánh bóng. Đánh bóng một thanh kiếm phải qua đến tận 13 giai đoạn, dùng 13 loại đá mài khác nhau và 13 động tác khác nhau và mất trung bình khoảng 120 giờ.

Để mài một lưỡi kiếm, kiếm sư dùng sáu cục đá mài khác nhau, từ loại nhám xuống dần loại mịn hơn và sau cùng để đánh bóng. Trước khi mài, phải nghiên cứu kỹ càng “thớ” và “mẫu” của thanh kiếm, không phải cùng một lúc mà chỉ từng khoảng 3 cm một. Việc giữ sao cho tay phải và tay trái gần như cân bằng tuyệt đối là một công tác sinh tử vì nếu hai tay chỉ lệch đi một khoảnh khắc thì có thể hỏng luôn cả lưỡi kiếm.

Sau khi mài xong, kiếm sư kẹp hai hòn đá mài mỏng dính trên đầu ngón tay và vuốt theo lưỡi kiếm để đánh bóng. Người nghệ sĩ cầm ngang lưỡi kiếm để cho ánh nắng soi lên từng milimet kiểm soát công trình của mình lần cuối cùng. Không có hai thanh kiếm nào giống hệt nhau, mỗi thanh kiếm có hình dáng khác nhau và có những đặc tính khác nhau. Mài kiếm chính là làm sao cho thanh kiếm thể hiện được tối ưu cái “tinh thần” của nó, để hiển lộ cái “tận mỹ” của nó, để thoát ra cái “huy hoàng” của lưỡi thép đã hoàn thành. Kiếm mài đúng cách mới có thể hiển hiện được hết tài năng của người rèn kiếm.

Tô Thiện (tổng hợp)