Taekwondo Tây Ninh: Một góc nhìn khác về “làm võ”

Ngày 17/4 vừa qua, Giải Taekwondo mở rộng Bàu Năng lần 1 – năm 2017 đã được tổ chức thành công, đem lại sân chơi cho võ sinh Taekwondo lứa tuổi thiếu niên – nhi đồng tỉnh Tây Ninh, đồng thời mở ra nhiều vấn đề thú vị.

Quyền trẻ Taekwondo Việt Nam đứng hạng 3 châu Á
Taekwondo Việt Nam: Nhẹ gánh nỗi lo tuyển quyền trẻ

Được tổ chức với sự hỗ trợ của UBND và Trung tâm văn hóa – thể thao xã Bàu Năng cùng Cty VH-TT Khang Lê, Giải Taekwondo mở rộng Bàu Năng lần 1 – năm 2017 thu hút 110 VĐV (54 nữ) từ 8 đơn vị từ 4 huyện và Thành phố Tây Ninh. Giải bao gồm 16 nội dung tranh tài ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng.

Giải thu hút 110 VĐV từ 8 đơn vị.

Điều đáng chú ý rằng đây là một trong sốt rất ít giải đấu võ thuật Việt Nam được tổ chức theo hình thức xã hội hóa (hợp tác giữa đơn vị quản lý thể thao nhà nước – tư nhân), đồng thời cũng là giải Taekwondo đầu tiên ở tỉnh Tây Ninh hướng đến lứa tuổi thiếu niên – nhi đồng, vốn là nhóm võ sinh đặc biệt thiếu sân chơi ở các tỉnh lẻ.

Với sự quan tâm tài trợ tài chính, nhân lực của Cty VH-TT, nhiều HLV, phụ huynh VĐV, giải đã ví dụ thành công rõ ràng cho tương lai của chính sách xã hội hóa các hoạt động thể thao. Tại những tỉnh xa và có điều kiện kinh tế hạn chế như Tây Ninh, xã hội hóa hoạt động thể thao hứa hẹn sẽ là hình thức hiệu quả để giảm áp lực khó khăn lên các đơn vị quản lý thể thao nhưng vẫn tạo được nhiều sự kiện có giá trị, thúc đẩy phong trào Taekwondo nói riêng và thể thao nói chung.

Nhiều lãnh đạo địa phương, phụ huynh VĐV và HLV cũng đến tham dự giải.

Xã hội hóa thể thao là một trong những vấn đề được đặc biệt được quan tâm bởi nhiều nhà lãnh đao – hoạt động thể thao Việt Nam trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Thanh Huy (HLV trưởng tuyển quyền Taekwondo Việt Nam, Phó tổng Thư ký Liên đoàn Taekwondo Việt Nam), người đã giành rất nhiều công sức để vận động phong trào võ đường Taekwondo tư nhân cũng từng chia sẻ: “Xã hội hóa thể thao ở Việt Nam còn nhiều bất cập và khó khăn, nhưng là chuyện trước sau cũng phải làm, giúp chúng ta tận dụng nguồn lực mạnh mẽ của xã hội cũng như tạo được sự ủng hộ của xã hội đối với võ thuật, với thể thao. Người “làm võ” ngày nay phải chủ động và tích cực hơn nữa, làm được nhiều sự kiện có giá trị như những gì Bộ môn, Liên đoàn đã thực hiện”.

Y.N