Taekkyeon – môn võ thuật 5.000 năm tuổi của người Hàn vẫn còn là cái tên hết sức xa lạ đối với người yêu võ Việt Nam. Dẫu vậy, với những nỗ lực nghiêm túc của Hàn Quốc trong công tác truyền bá bộ môn, trong một tương lai rất rần Taekkyeon sánh vai các môn võ Việt trong nhiều sự kiện trình diễn và kể cả phong trào tập luyện. Hãy cùng VoThuat.VN khám phá môn võ này với 9 điều thú vị sau:
Hàn Quốc lên lộ trình đưa môn võ Taekkyeon vào Olympic
Du lịch võ thuật: Taekkyeon – tìm bình yên giữa đại ngàn Chungju
TAEKKYEON ĐƯỢC XEM NHƯ TỔ TIÊN CỦA TAEKWONDO
Có nhiều tài liệu lịch sử cho rằng Taekwondo có một phần nguồn gốc từ Karate. Trên thực tế, tại thời điểm mà Taekwondo ra đời, việc võ thuật Nhật Bản ảnh hưởng đến các dân tộc và vùng lãnh thổ xung quanh là điều tất yếu. Dẫu vậy, người Hàn vẫn có những di sản kỹ thuật riêng, và hầu hết đều xuất phát từ Taekkyeon – môn võ truyền thống đã có đến hơn 5.000 năm lịch sử. Trên thực tế, Taekwondo và Taekkyeon ngày nay có mối quan hệ rất đặc biệt. Hầu hết kỹ thuật đòn chân của Taekwondo thời kỳ đầu có phần gần gũi với Taekkyeon hơn là Karate. Sự thành công và tiến bộ của Taekwondo trên phương diện môn thể thao chuyên nghiệp cũng được ứng dụng và góp phần cải tiến những kỹ thuật cũ của Taekkyeon. Đối với những nhà lãnh đạo võ thuật Hàn Quốc, hai môn võ này nắm giữ nhiệm vụ như cánh tay trái và phải vậy: Taekkyeon là môn “văn hóa”, còn Taekwondo được phát triển như thể thao chuyên nghiệp.
ĐỐI VỚI UNESO, TAEKKYEON QUAN TRỌNG HƠN TAEKWONDO
Taekwondo là môn võ thuật chủ lực của người Hàn trên con đường khẳng định vị thế trong làng thể thao chuyên nghiệp thế giới. Tuy vậy, các giá trị nhân văn, lịch sử và văn hóa của Taekwondo vẫn chưa đủ để so sánh với bộ môn “tiền bối” Taekkyeon. Kể từ cuối năm 2011, Taekkyeon được Tổ chức văn hóa thế giới UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, và cũng là môn võ thuật đầu tiên trên thế giới nhận được vinh dự này.
TAEKKYEON THỰC TẾ “CHẾT CHÓC” HƠN VẺ BỀ NGOÀI
Taekkyeon có bề ngoài rất nhẹ nhàng, thậm chí nhiều người so sánh nó với Thái cực quyền của nền võ thuật Trung Hoa. Sự tao nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát cũng là những yếu tố đầu tiên mà một người tập luyện Taekkyeon phải học cách thể hiện trong từng chuyển động của mình. Tuy vậy, kỹ thuật của Taekkyeon thực tế đáng sợ hơn rất nhiều với hàng loạt kỹ thuật đạp – phá đầu gối đối thủ (có thể để lại nhiều chấn thương trầm trọng và không có khả năng tự phục hồi), các đòn tay đập mạnh vào cổ và hàm đối thủ đủ để gây chấn động và dẫn đến knock out như những cú đấm trên sàn Boxing. Taekkyeon vốn xuất phát từ những vùng cao nguyên của người Triều Tiên cổ (Triều Tiên và Hàn Quốc ngày nay) nên đặc biệt chú trọng các kỹ năng kéo – quét – quật ngã. Hãy tưởng tượng bạn sẽ “te tua” đến mức nào khi té ngã trên những con dốc đất đá vùng núi?
TAEKKYEON ĐƯỢC NGƯỜI HÀN XEM NHƯ… TRÒ CHƠI
Người Hàn không thích nghiêm trọng hóa những vấn đề như võ thuật. Với họ, các môn võ cổ như Ssireum, Subakhi và Taekkyeon cũng như những môn thể thao hay trò chơi dân gian vậy. Không gian võ thuật của người Hàn cổ rất bình dân và có phần lãng mạn. Mỗi chiều tối, họ ngừng công việc và quây quần với đống lửa, nướng thịt uống rượu, ca hát và đấu tập Taekkyeon. Những môn võ khác như Ssireum cũng nắm một vai trò quan trọng trong các ngày lễ lớn như Choseok (Trung thu).
Môn sinh Taekkyeon cổ có thể đấu tập với nhau bất cứ đâu, bất cứ khi nào miễn là thấy thoải mái. Do Taekkyeon có hệ thống kỹ thuật tương đối phức tạp và không dễ áp dụng nhanh nên việc tập luyện liên tục của các môn sinh giúp môn võ này luôn gìn giữ được chỗ đứng của mình suốt nhiều giai đoạn lịch sử đầy biến cố và khó khăn.
THÁNH ĐỊA TAEKKYEON HÀN QUỐC CÓ THỂ XEM NHƯ THIÊN ĐƯỜNG
Nếu như mỗi người tập luyện Taekwondo đều mong ước được một lần đến thung lũng Muju thăm Taekwondowon – nơi được xem như thiên đường của bộ môn với cảnh quan thiên nhiên và các khu tập luyện hiện đại hàng đầu thế giới thì đối với Taekkyeon, nơi đó là thành phố Chungju. Dẫu chưa xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng quy mô và chuyên nghiệp như Taekwondo nhưng Taekkyeon dường như được chính phủ Hàn ưu ái tặng riêng một thành phố. Tại Chungju, các môn sinh Taekkyeon có thể thường xuyên leo núi Gyemyeng tập thể lực, dạo hồ Hoamji (hồ nhân tạo lớn nhất vùng), tập luyện những bài trình diễn ở Công viên võ thuật thế giới nằm ngay cạnh thượng nguồn sông Hán. Dẫu ở cao nguyên nhưng Chungju cũng là một thành phố tương đối đáng sống với kinh tế – dịch vụ phát triển đầy đủ, thậm chí có thể xem như một Seoul thu nhỏ giữa đại ngàn.
CHÍNH PHỦ HÀN ĐANG CHI TIỀN TỈ CHO TAEKKYEON
Taekkyeon là một trong những trọng tâm phát triển mới của chính phủ Hàn, sau khi họ đã xây dựng thành công một bộ môn Taekwondo với sức ảnh hưởng toàn cầu. Không chỉ đầu tư vào việc xây dựng Tổ đường Taekkyeon tại thành phố Chungju cùng hàng loạt công trình xung quanh để xây dựng nên một “thiên đường” cho người luyện võ, các hoạt động tiền tỉ khác như tổ chức Festival quốc tế, xây dựng viện bảo tàng, tổ chức Đại hội Taekkyeon thế giới… đều được chính phủ Hàn rộng tay chi tiền thực hiện. Nếu số tiền đó có thể dùng làm thước đo cho sự quyết tâm thì rõ ràng người Hàn hết sức nghiêm túc về việc biến Taekkyeon thành tượng đài văn hóa mới của làng võ thuật thế giới – sau khi Taekwondo đã hoàn thành sứ mệnh trở thành mũi nhọn thể thao chuyên nghiệp.
TAEKKYEON TỪNG SUÝT TUYỆT CHỦNG
Vì nhiều biến cố lịch sử, các hoạt động thi đấu và giảng dạy Taekkyeon bị suy giảm trầm trọng suốt thế kỷ 19. Đến thế kỷ 20, Taekkyeon một lần nữa suýt bị tuyệt diệt vì sự ảnh hưởng của Chiến tranh thế giới lần thứ 2. Đầu thế kỷ 19, chỉ còn cư dân xung quanh những vùng sầm uất như Seoul tập luyện Taekkyeon thường xuyên. Tổ sư Song Duk-ki (snh năm 1893, mất năm 1987) tập luyện Taekkyeon từ năm 12 tuổi với các võ sư tại quê nhà Seoul và đã gìn giữ các tinh hoa kỹ thuật này qua thời cai trị của Nhật Bản (thời kỳ này đế quốc Nhật cấm người Hàn tập luyện võ thuật). Hòa bình lập tại, Song Duk-ki được vinh danh như Tổ sư của Taekkyeon – người đã mở ra trang sử đầu tiên của bộ môn trong thời hiện đại. Ông tiếp tục các hoạt động truyền bá Taekkyeon (từng trình diễn tại Olympic 1960) và truyền dạy lại cho các đời chưởng môn kế tiếp là Sing Han Song và hiện nay là Jung Gyeong Hwa. Cả ba người đều được chính phủ Hàn Quốc công nhận là Danh nhân văn hóa – nghệ thuật quốc gia.
BẠN KHÔNG THỂ DỊCH TỪ “TAEKKYEON”
Từ Taekkyeon (택견) trong tiếng Hàn (chính xác là cách phiên âm Hangul) hiện nay không thể được dịch ra bất cứ nghĩa nào, bởi tuổi đời của cách gọi này còn lớn hơn cả tuổi đời của mẫu tự Hangul mà ngày nay người Hàn đang sử dụng. Theo nghiên cứu của giới ngôn ngữ học, từ Taekkyeon trong văn tự cổ có thể được dịch ra “đẩy vai” hoặc “chuyển động từ vai”, gần đúng với đặc trưng kỹ thuật của Taekkyeon.
TAEKKYEON CŨNG DÙNG VŨ KHÍ
Taekkyeon không dùng vũ khí khi đấu tập hoặc giao lưu trong các buổi lễ hội. Dẫu vậy, Taekkyeon là một môn võ cổ và gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Hàn cổ nên việc Taekkyeon chịu ảnh hưởng từ các môn vũ khí là điều không quá khó hiểu. Bản thân Chưởng môn đầu tiên Song Duk-ki cũng là một bậc thầy kiếm thuật Hàn quốc bên cạnh việc tập luyện Taekkyeon. Ngày nay, Tổ đường và các võ đường trực thuộc tổ đường vẫn tập luyện gậy ngắn, cũng như khuyến khích môn sinh tìm hiểu thêm về cung thuật, kiếm thuật… Trong khi đó, các phòng tập Taekkyeon phong trào trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc chỉ tập trung vào kỹ thuật tay – chân.
Phạm Vũ