Bí quyết luyện khí công của võ thuật Nhật Bản

Nếu đã có lần xem các màn biểu diễn võ thuật Nhật Bản, hoặc những màn thi đấu đối kháng, hẳn đã đôi lần bạn đã nghe đến tiếng hô “Kiai”.  Được xem như một trong những bí thuật khí công Nhật Bản, Kiai và những ý nghĩa thực thụ của nó là những kiến thức rất đáng lưu ý ghi nhớ.

Các võ sĩ Samurai “luyện công” ở Việt Nam

Khí công dưới mắt một số võ sư và nhà nghiên cứu

“Kiai” là nghĩa gì? “Ki” có nghĩa là ý thức hoặc tinh thần. “Ai”, là đọc ngắn động từ “Awasu” nghĩa là “tổ hợp”.

“Kiai” nghĩa là tổ hợp tinh thần, hoặc là tập trung tinh thần.

Trước kia, bí thuật này được áp dụng trong ngành võ bị. Các quân nhân đã dùng nó để chống cự với địch thủ có khí giới dù mình tay không, hoặc đơn độc chống một số đông.

Cách tập

Trước khi nói đến cách tập luyện để được thành công, ta nên hiểu “Kiai” là cái gì?

“Kiai” được tượng trưng bằng tiếng thét quái gở mà người ta cho là tự trong bụng vang ra.

Người ta nói rằng nguồn sinh lực đã được luyện thành và chất chứa trong bụng, nơi mà người Nhật gọi là “Saika Tanden”, ở dưới rún lối vài phân.

Các quyền sư chánh tông Nhật Bản đều đồng ý cho rằng muốn đạt được đến quyền năng kỳ bí này, phải là người thật bền chí, có công tập luyện theo phương pháp hết sức khó khăn và lâu dài. Theo họ, thân hình lực sĩ đầy gân cốt, ngực nở nang, mà thường thường được người Âu Tây mê thích là một điều kiện phụ thuộc. Họ chỉ cần một cái dạ dưới rắn chắc với nhiều bắp thịt dẻo dai.

Nguyên tắc này đã được mọi nhà quyền thuật cao siêu đồng ý, nên mới có câu truyền tụng như sau: “Tanden ni Chikara wor tenu” nghĩa là “tập trung toàn lực vào bụng”.

Người ta cũng không phủ nhận công việc của trí óc, tập trung ý chí để chỉ huy hoạt động vật chất, cơ thể của con người, để cho các bắp thịt bên ngoài được nở nang. Vì nhờ được nở nang, nên bắp thịt mới mạnh mẽ và dẻo dai có thể tăng thêm sinh lực cho người. Nhưng nếu người ta khôn khéo hơn, biết tập trung ý chí, tinh thần một cách quả quyết, thì nó sẽ ảnh hưởng đến cái “thần” của ta và tăng gia cường lực mà người ta chắc rằng nhờ sự gia tăng này, những hoạt động cao cả nào cũng có kết quả tốt đẹp.

Nhờ cái “Thần” được huấn luyện chín chắn, nhờ một ý chí cứng cỏi điều khiển ta có thể làm khiếp một địch thủ, dù to lớn, khỏe mạnh hơn ta, mà tinh thần yếu kém hơn.

Một phát ngôn viên của phái quân nhân Nhật không ngại lời khi tuyên bố với tôi như vầy:

“Trong trận giặc Nga-Nhật 1904-1905, mặc dù quân Nga vóc có lớn và nặng cân và quân khí có ngang ngửa nhau, cũng phải lui binh trước quân đội Nhật, nhỏ thó, yếu sức hơn, từ trận đánh trường giang đến lúc đánh giáp lá cà, vì quân dân Nhật được một cái “Thần” điêu luyện nhất là các sĩ quan dòng Samourai hiện giờ cũng gọi là Shizoku”.

Và nhiều yếu nhân Nhật cũng bày tỏ ý kiến rằng những người nào tự tử bằng cách rạch bụng mà ta thường được nghe nói “Harakiri” hay gọi khiêm nhường hơn là “Seppuku” luôn luôn là người có luyện “Thần” rất chắc chắn.

Luôn luôn trong lúc luyện cách “tập trung ý chí” đều có một tiếng thét từ trong bụng vang ra. Tiếng thét này, đã làm kinh khủng địch thủ và ta muốn thao túng cách nào tùy ý. Chúng ta phải nhớ để ý rằng không phải tiếng thét đó là nguy hiểm mà chính là cái “khí lực” từ trong bụng tung ra đó mới là lợi hại.

Ta có thể nói khi lấy hơi vào bụng là vận khí, và khi thét và tung hơi ra để lung lạc địch thủ là đề khí.

Những chuyện kể trên không phải là không khoa học. Vì như các bạn đã được hiểu biết là khi nào một tiếng chát chúa vang lên trên không, phát ra nhiều âm ba dao động không khí có thể làm cho ta mất thần, hốt hoảng. Thí dụ: tiếng còi hụ hoặc tiếng súng nổ.

Trong các Nhu đạo trường ở Nhật, “Kiai” là một trong những phương pháp hồi dương chánh thức được dùng để cứu chữa cho những người bị nghẹt thở vì siết cổ, bị ngợp nước, hoặc các tai nạn khác. Nhiều khi những nạn nhân đã nín thở mà vẫn có thể cứu tỉnh được.

Người Nhật từ ngàn xưa, đã nhìn nhận rằng “Kiai”, là tiềm lực đã ngự trị đời sống con người và nó cũng là những nguồn sinh lực cần thiết cho nhân loại hay nói rộng hơn chút nữa là: đó là nguồn sinh lực của tất cả nguồn sinh lực của người.

Trên thế giới, từ Âu sang Á, quan niệm “tập trung tinh thần” đã được áp dụng trên các phương diện: từ chính trị đến tiêu khiển như đánh cờ.

Nhưng làm sao để luyện được nó?

Như trên đã giải nghĩa, “Kiai” có nghĩa là tập trung ý thức hay tinh thần. Đây có nghĩa rộng thêm hơn là: trong cuộc tập trung tinh thần thì tự nhiên, tinh thần mạnh lấn áp, điều khiển tinh thần yếu hơn.

Luận xa thêm một chút nó là một nghệ thuật tập trung tất cả sinh lực, tinh thần vào một vật nhất định với ý chí kiên quyết tiêu trừ hoặc cưỡng chế vật đó: đây là phần nói về tâm lý.

Về phần thực tế, nó vốn là phương pháp hô hấp thật sâu và dài hơi.

Tập bí thuật “Kiai” gần giống như tập “Thiền định” theo Phật pháp. Luôn luôn khổ luyện, cách nào cho tâm trí không xao lãng. Khẩu hiệu của “Kiai” là tập cho ý chí luôn luôn là “một” và “không phân tán”. Một người nào đạt được kết quả này, thì trước hoàn cảnh nào họ cũng bình thản, không vội vàng cũng không chậm trễ nhất là không bối rối. Lúc nào họ cũng tự tin và đủ sáng suốt để ứng phó với thời cơ.

Tóm lại sự “duy nhất” ý chí và giữ nó “không phân tán” có nghĩa là tổ hợp năng lực tinh thần vào một mục tiêu nhất định.

Ta phải tập luyện ý thức, lúc nào cũng kiên quyết ứng phó với mọi hoàn cảnh, mọi thời cơ và nhất là lúc nào cũng tập cho nó luôn luôn ứng đối thắng lợi trước khả năng tinh thần của địch thủ. Muốn thắng lợi hoặc nắm luôn luôn phần chủ động, ta phải làm cho địch thủ mất tự chủ, nghĩa là làm cho lòng họ xao xuyến bị động mà ta nắm phần chủ động.

Sư cụ Takuan đã dạy: “Lý trí dùng ý thức là một chiếc xe có thể mang nó đi bao la rộng rãi vừa với tầm hoạt động của nó”. Lý trí kiểm soát ý thức, nhưng lắm khi ý thức cũng chi phối được lý trí vậy. Khi nào ý thức yên ổn, lý trí cũng được yên ổn theo. Lý trí nằm kín trong tâm hồn con người, ý chí tích cực hoạt động đúng theo chỉ thị của lý trí.

Trong sự tập luyện bí thuật “Kiai”, ý thức cần phải được huấn luyện hết sức cần mẫn.

Trong kiếm thuật và giới quân sự, thường thường người ta thích luyện cho ý thức và sức mạnh cùng đi chung. Thí dụ, như ta muốn lấy vật gì ta đẹp ý. Ta cho rằng đây là do trong tâm hoặc lý trí ta mà có. Muốn lấy được vật kia, ta đưa tay ra và ta vớ được nó, theo mệnh lệnh của lý trí. Hành động này người Nhật kêu là “Ki”. Khi tay ta với được món nọ và nắm lại đem về cho ta, thế là ta đã dùng đến sức mạnh, Nhật kêu là Chikara. Nếu không có hai khả năng này, ta không làm gì được cả.

Như thế Tâm hoặc lý trí ra mệnh lệnh cho ý thức và sức lực lại do ý thức sai khiến.

Sở dĩ nói dài dòng về lý trí, tâm, ý thức là để cho quí bạn ý thức được rõ sự liên lạc giữa các yếu tố ấy, vì nó liên hệ đến bí thuật “Kiai”.

Bí thuật “Kiai” nằm trong sự huấn luyện ý thức. Nếu một khi ý thức yếu kém, nó không đủ khả năng để nhận được mạng lịnh của lý trí. Người Âu Tây thường nói: Một tinh thần mạnh, trong một thể xác mạnh. “Kiai” cương quyết cho rằng, muốn được một tinh thần mạnh, phải do nơi một tinh thần cứng cỏi. “Kiai” là sự sinh tồn của con người, theo lý thuyết, thì “Kiai” có thể làm cho con người ta đạt tới chỗ “không giống gì làm hại được”.

Ông Senno Rikiu, là nhà chuyên môn về khoa “Trà đạo”, trong đời Hideyoshi, là một bậc kỳ tài về bí thuật “Kiai”. Lãnh chúa Hideyoshi, có thói quen dạy bầy tôi: “Bá quan hãy xem Rikiu pha trà, và nhìn xem khắp thân mình ông ta toàn là “Kiai”, không có chỗ nào công kích được”.

Đại tướng Kato Kiyomasa, một thượng tướng của lãnh chúa Hideyoshi, người đã có công to nhất trong cuộc thôn tính Cao Ly quốc, lại được hân hạnh nghe câu khen tặng của lãnh chúa về Rikiu và định bụng bẽ mặt ông này cho đã nư. Một bữa kia, ông ta được “phụng giá” sang viếng nhà Rikiu, và nhất định, đây là dịp mà ông ta có thể thi hành ý xấu của mình. Khi vào nhà, ông ta lại nhận thấy nơi ông Rikiu một chỗ yếu, mà nhờ đó, ông ta có thể hạ thủ: ông ta nắm lấy cây quạt, định bụng dùng nó để đánh địch thủ. Nhưng ông ta chưa kịp giơ quạt lên thì Rikiu day qua ngó lãnh chúa và tâu một cách thản nhiên rằng: “Tướng quân có một bầy tôi rất đáng quý là Kiyomasa vậy”, và day lại nhìn Kiyomasa làm cho ông này tắt thở.

Bàn về chuyện này, giới thẩm quyền về bí thuật này quả quyết rằng Kiyomasa nhận thấy ra chỗ trống trong người của địch thủ, nhưng khi ông ta nghĩ đến phần thắng nắm chắc trong tay mình, thì lúc ấy, tinh thần ông lại không tập trung làm một, lúc ấy Rikiu đã lấp chỗ hỡ của mình kín đáo và dùng “Kiai” để thắng địch thủ.

Theo Thư viện võ thuật

https://www.youtube.com/watch?v=tFPEiupRrak&t=4s