3/6/2016, đúng một năm trước (theo giờ Mỹ), cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin huyền thoại Muhammad Ali một lần nữa lại nhận cái lắc đầu của bác sĩ bên giường bệnh. Cũng đúng tối hôm đó (khoảng trưa ngày 4/6 theo giờ Việt Nam), ông dừng chân và đặt dấu chấm hết cho cuộc đời 74 năm đậm chất sử thi của mình.
Phim tài liệu về huyền thoại Muhammad Ali sẽ lên sóng vào năm 2021
Những cú nhả Straight phản đòn thần thánh của Muhammad Ali
Cả cuộc đời của con người huyền thoại mang tên Cassius Marcellus Clay – hay cái tên sau này mà chúng ta biết đến là Muhammad Ali – luôn đầy rẫy những cuộc chiến. Đó là cuộc chiến chống lại cơn đói của một con người bình thường, cơn tủi nhục của cả một giai cấp nô lệ, và cơn khát vinh quang của một thế hệ võ sĩ. Trong cuộc đời 74 năm bận rộn đó, người đàn ông da màu đến từ Kentucky đã làm được những điều mà nhiều người khác không thể hoàn thành trong một đời người, để lại một di sản đủ lớn để khiến cả thế giới phải bừng tỉnh trong thời khắc người chủ của nó chính thức để nó lại cho lịch sử.
Hàng chục năm bị dày vò với tư cách một người mang màu da nô lệ, 61 trận quyền Anh chuyên nghiệp, một lần ngồi tù, thêm 30 năm gánh chịu hội chứng Parkinson – cái giá của sự nghiệp võ sĩ,… khi tất cả những thứ đó qua đi, rồi một ngày huyền thoại cũng phải đối đầu với cuộc chiến vĩ đại, đáng sợ và bất khả thi nhất cuộc đời mình như bao người khác: cái chết. Bản án tử hình của số phận với bệnh án bao gồm cả hội chứng Parkinson và suy phổi thực ra cũng có gì hơn nếu so sánh với những cú sốc khác của cuộc đời ông như 5 trận thua trong sự nghiệp hay 1 bản án tù vì phản đối chiến tranh Việt Nam. Tay đấm Muhammmad Ali đã vùng lên sau những trận thua, đã ngẩng cao đầu trong khoảnh khắc nhận án tù thì ngày này cách đây cũng tầm một năm, trong những bức ảnh cuối cùng của đời mình, Ali vẫn ném lại cho đời một ánh mắt đanh thép như thế. Ánh mắt của người đã dùng cả đời để thách thức khó khăn.
Bắt đầu sự nghiệp quyền Anh nhà nghề từ năm 18 tuổi, Ali bắt đầu cuộc đời không ngừng nghỉ giữa những trận đấu. Nhưng Ali sẽ không làm nên một huyền thoại nếu như ông chỉ đấm và đấm. Giới võ sĩ là những người đậm chất “tôi”, Ali cũng vậy – ông có một cái tôi rất lớn. “Hãy cứ nghĩ mình là huyền thoại, và hành xử như một huyền thoại cho tới ngày điều đó thành sự thật”. Ông khẳng định vị thế của bản thân trong tim mình trước, rồi đến trong tim mọi người.
Nhưng những gì thực sự khiến ông trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế kỷ lại là những gì ông làm cho người khác. Ali ý thức được sự thành công và vĩ đại của mình trên võ đài quyền Anh sẽ là cú đấm khủng khiếp nhất đập tan định kiến của thế giới về người da màu, và ông đã đúng. Khoảnh khắc ông đốn gục Sonny Liston (một huyền thoại Boxing da màu khác) và giơ nắm đấm tuyên bố chiến thắng cuộc chuyển giao thời đại ngoạn mục nhất lịch sử quyền Anh đã trở thành khoảnh khắc cả thế giới phải thừa nhận sức mạnh ý chí của những người họ từng gọi là “nô lệ”, và đó cũng chính là bức ảnh mà Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ Barrack Obama treo trong phòng làm việc của mình.
Và nói những điều này, chúng ta không thể không nhắc đến câu nói đã đưa Ali đến với trái tim của người Việt Nam, câu ông đã tuyên bố trong khoảnh khắc từ chối lệnh nhập ngũ ở Mỹ để rồi phải nhận án tù 5 năm:
“Tôi không gây hấn với người Việt Nam. Tại sao tôi phải đi 10.000 dặm để thả bom lên đầu người Việt vô tội trong khi những người da đen ở Louisville vẫn bị đối xử tệ bạc và không thể nhận quyền con người cơ bản?”
Kể cả khi bị tước đai vô địch, giấy tờ cá nhân cũng như giấy phép thi đấu quyền Anh, cộng thêm án tù 5 năm vì chống lại chiến tranh Việt Nam của Mỹ, Ali vẫn khiến cả thế giới lạnh người trước những lời tuyên bố đanh thép này:
“Tôi giành được đai vô địch thế giới vì nó thuộc về tôi, không phải tôn giáo hay sắc tộc. Tôi giành được đai vô địch nhờ chiến thắng trên sàn đấu. Nếu ai muốn tước danh hiệu của tôi vì sự bất tuân nhập ngũ thì đó có lẽ là điều hổ thẹn nhất…”
Ngày này năm trước, Ali khiến cả thế giới bừng tỉnh. Người ta giật mình khi nghe tin ông một lần nữa rơi vào cơn nguy kịch, không phải vì ông đối mặt với sinh tử, mà vì họ nhận ra sao mình có thể vô tâm đến thế. Thật vậy, trong những tháng năm mà Mike Tyson lụn bại ở sự nghiệp quyền Anh và dần tìm lại tiếng nói khi lấn sân làng giải trí, khi cả thế giới quay cuồng với những lời “châm lửa” truyền thông của David Haye hay Floyd Mayweather, người ta quên mất rằng Ali đang ở đâu, làm gì. Người ta quên mất rằng con người đã làm nên một thứ “quyền Anh” rất khác – một “quyền Anh” dùng để phục vụ và giáo dục xã hội đã âm thầm lui về chịu đựng những tháng ngày cuối đời ở thành phố Phoenix, bang Arizona (Mỹ). Những cú đấm mà ngày xưa Ali đã dùng để hoán cải thời đại, truyền cảm hứng cho nhân loại và xây dựng tên tuổi mình như một người có tiếng nói đủ sức nặng để nói về những điều tốt đẹp của cuộc sống… tất cả những thứ giá trị đó dần mờ nhạt trong thời đại mà các tay đấm phải học cách kiếm tiền. Người ta bắt đầu quên Ali như cái cách mà người ta đã quên những giá trị Ali để lại.
Người ta chỉ nhớ lại nó, hay nói đúng hơn là giật mình nhớ lại nó trong thời khắc mà người đã khai sinh ra các khái niệm đó phải đối mặt với cuộc chiến cuối cùng của đời mình. Hôm nay, trong ngày mà cả thế giới tưởng nhớ lại ngày chúng ta mất đi một con người vĩ đại này, mong rằng những điều đó sẽ một lần được gợi nhớ. Một lần thôi!
Hồ Võ