Unorthodox, Southpaw hay những mánh khóe cắt góc tinh tế… đó chính là những di sản to lớn mà võ thuật cổ điển Phillipines đã góp phần vào Boxing hiện đại.
Vụ cướp ngân hàng bí ẩn nhất trong lịch sử Nhật Bản
Bộ ba kỹ thuật gây “ức chế” nhất lịch sử Boxing thập kỷ qua
Trước khi Manny Pacquiao lớn lên từ quốc gia nghèo khó Philippines và trở thành huyền thoại trên võ đài, đã có rất nhiều tay đấm từ đất nước này đã thành danh trong bộ môn Boxing. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cố gắng “quên” Pacquiao đi để nhận ra một điều rằng: anh ấy không phải ví dụ duy nhất để nói về sức ảnh hưởng của người Philippines trong bộ môn Boxing. Hòa nhập với làng võ thuật đối kháng thế giới từ những năm đầu 1900, Philippines là một câu chuyện thú vị, một cộng đồng võ sĩ đã ảnh hưởng rất nhiều đến bộ mặt của Boxing hiện đại ngày nay.
Quay trở lại với câu chuyện đầu thế kỷ 20, những người Philippines đầu tiên có cơ hội tiếp cận với Boxing chính là những người công nhân Pilipino nhập cư và làm thuê tại Hawaii. Họ mang theo nhiều di sản võ thuật người Nam Đảo (Philippines, Indonesia, Malaysia ngày nay…) như Kali, Escrima… và tiếp xúc với quân đội Mỹ tại đây. Cuộc giao thoa đầu tiên giữa Boxing thuần túy phương Tây và võ thuật Nam Á bắt đầu từ đó.
Kể từ thập niên 20 thế kỷ trước cho đến trước thời đại Manny Pacquiao, đã có hàng loạt tay đấm Philippines (hoặc có quan hệ huyết thống Philippines) tung hoành ngang dọc ở những giải đấu quốc tế. Nếu loại ra những tên tuổi “xa xưa” đến mức không có sử liệu nào ghi chép chính xác, chúng ta vẫn còn đó những “Pancho Villa” Francisco Guilledo, Ceferina Garcia, Dado Marinom, Gabriel “Flash” Elorde, hay Joseph Bernard Docusen. Nếu bạn là người hâm mộ của huyền thoại “Sugar” Ray Robinson, hẳn bạn còn nhớ vào năm 1948, ông đã phải chiến đấu vất vả như thế nào để tranh đoạt ngôi vương Welterweight với Bernard Docusen.
Người Philippines đã tạo nên cả một thời đại mà tâm điểm của làng Boxing thế giới bị lệch hẳn về Nam Á. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu thời kỳ hoàng kim ấy với rất nhiều thiệt thòi về mặt kỹ thuật.
Về cơ bản, với hệ thống kỹ thuật sẵn có vốn đã rất đầt đủ, các Pinoy (võ sĩ Philippines) phải làm quen với bài học đầu tiên đó là “Những điều không được làm”. Những miếng chỏ, cú húc đầu, đánh bằng cẳng tay vốn quá quen thuộc với văn hóa võ thuật Nam Á đều bị xếp vào danh sách đòn cấm trong Boxing. Các kỹ thuật parry (đánh gạt đòn) phức tạp lắt léo vốn là “đặc sản” của võ thuật Phillippines cũng cực kỳ khó áp dụng trong Boxing – bộ môn sở hữu những cú đấm với tốc độ và uy lực kinh hoàng. Đổi lại, họ mang đến một nét đặc trưng đã trở thành một nửa linh hồn của kỹ thuật Boxing ngày nay: lối đánh unorthodox.
Theo lối đánh Orthodox (chính thống), các võ sĩ Boxing sẽ đặt tay – chân trái về phía trước để tạo ưu thế lớn nhất về lực và góc độ cho các đòn tay thuận (thường là bên phải). Nguyên tắc “Tay thuận đặt sau” tưởng chừng là “chân lý” trong hầu hết các môn võ thuật đối kháng có đòn tay lại là điều không đúng trong võ thuật Philippines nói riêng và Nam Á nói chung.
Với kinh nghiệm hàng trăm năm phát triển kỹ thuật sử dụng vũ khí, người Philippines có thói quen đặt tay thuận (ở đây mặc định là tay phải) về phía trước để tăng tối đa khả năng kiểm soát khoảng cách cũng như kiểm soát vũ khí. Các thế hệ Boxer Philippines đầu tiên (hầu hết sinh trưởng từ nền văn hóa võ thuật vũ khí) chính là minh chứng rõ ràng nhất cho việc chính người Philippines đã đi tiên phong trong lối đánh Unorthodox (phi chính thống) và hình thành thế thủ Southpaw (tay – chân phải ở phía trước).
Một video clip cho thấy lợi thế rõ ràng khi đặt tay cầm vũ khí (tay thuận) về phía trước cơ thể, khác với thế đứng bình thường của Boxing cổ điển.
Trên thực tế, với sự tập luyện bài bản, bất cứ người bình thường nào (với tay phải thuận) đều có thể tập chuyển về lối đánh Orthodox. Tuy nhiên, với thể hình thấp bé, người Philippines lại không ham những đòn tay sau với uy lực kiểu “chém đinh chặt sắt” vốn phát huy tối đa bằng thể hình người Âu – Mỹ. Họ tiếp tục để tay phải về phía trước để tạo lợi thế khoảng cách cũng như kiểm soát điểm số bằng những pha đòn “cấu rỉa” cực kỳ khó chịu. Điều đó giống hệt như tinh hoa võ thuật vũ khí cổ điển của người Nam Đảo: “nhảy múa” ngoài tầm với của đối thủ và gây sát thương khi kiểm soát được khoảng cách.
Việc đặt tay thuận về phía trước cũng khiến các võ sĩ Philippines tận dụng được kinh nghiệm xử lý các góc độ, kiểm soát khoảng không gian khi đối đầu (vốn là những phần kỹ thuật đặc trưng của võ thuật vũ khí). Kể từ khi có sự tham gia của người Philippines, làng quyền Anh thế giới bắt đầu học cách chấp nhận rằng những cuộc đối đầu kiểu “xe tăng húc xe tăng” của Boxing Tây Âu cổ điển hay lối di chuyển tịnh tiến không còn hợp thời. Những trận Boxing trở nên phức tạp và tinh tế hơn, các tay đấm bắt đầu học cách kiểm soát góc độ, vờn bắt nhau thay vì lao vào đối đầu trực diện.
Trên thực tế, từ trước thời kỳ Philippines bắt đầu gây ảnh hưởng đến làng Boxing thế giới, lối đánh đặt tay phải về phía trước đã tồn tại (dù với số ít) ở Âu Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các võ sĩ dạng này đều là người thuận tay trái nên mới cần đổi thế đứng, còn việc đưa lối chơi Unorthodox lên ngôi vẫn là công lao không thể chối bỏ của các thế hệ tay đấm Pinoy. Pacquiao là một trong những ví dụ tiêu biểu nhất, một người thuận tay phải nhưng vẫn đặt tay phải về phía trước.
Nói cách khác, người Philippines – thông qua việc kiến tạo lối chơi Unorthodox – đã dự phần to lớn vào công cuộc hình thành hình ảnh của làng quyền Anh hiện đại.
Dan Inosanto – một trong những võ sư Pinoy nổi tiếng nhất và sống vào thời kỳ giao thoa giữa võ thuật Âu Mỹ – Nam Á. Video clip: Inosanto dạy huyền thoại MMA Anderson Silva các kỹ thuật parry và cắt góc trong võ thuật Philippines cũng như cách áp dụng đòn thế.
Hồ Võ