Những nét văn hóa thú vị của Brazilian Jiujitsu

Brazilian Jiujitsu là một trong những môn võ thú vị nhất từng có khi vừa giữ được nét văn hóa truyền thống vừa phát triển theo chiều hướng hiện đại. Thậm chí, nhiều nét văn hóa ngày nay của BJJ hoàn toàn được hình thành từ giai đoạn hiện đại.

Vụ hành khách gốc Việt bị đuổi khỏi máy bay khiến cao thủ BJJ lên tiếng

Thán phục trước tài năng phi thường của võ sĩ BJJ bị mù từ nhỏ

BELT GAUNTLET (QUẤT ĐAI)

Đây là một trong những “phong tục” phi chính chống ấn tượng nhất của BJJ. Các môn sinh khi lên đai sẽ phải cởi trần đi một vòng (hoặc một hàng) giữa phòng tập và để mọi người quất đai vào lưng. Cho đến nay, vẫn chưa có nhiều bằng chứng chính xác để khẳng định “phong tục” này đến từ đâu. Nhiều người cho rằng nó xuất xứ từ quan niệm chiếc đai của người Nhật, một số khác tin rằng nó xuất phát từ lối chơi mạnh bạo của người Nam Mỹ trong các môn thể thao.

Trò belt gauntlet không để lại chấn thương quá nặng nề trừ một vài vết bầm và cơn đau tương đối khó chịu. Tuy nhiên bạn vẫn có quyền từ chối trò này, và không phải phòng tập nào cũng thực hiện nghi thức này. Nhiều HLV thậm chí còn thừa nhận họ không có cảm tình và không tổ chức trò này, trong khi một số khác vẫn vui vẻ thực hiện. Trên hết, belt gauntlet phải được tổ chức trên sự tôn trọng giữa mọi thành viên trong phòng tập.

Theo võ sư Vũ Nguyễn Hoàng Thọ (Đai đen BJJ, Kimura Việt Nam), một trong những lý do lớn nhất khiến belt gauntlet không được phổ biến tuyệt đối là vì sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội trong bộ môn BJJ. Rất nhiều môn sinh BJJ ngày nay đến từ tầng lớp trí thức, thậm chí là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, và hành động quất đai vào người dễ gây liên tưởng tới hình tượng loài thú đang chịu thuần hóa. Vì sự tôn trọng với từng môn sinh, các phòng tập phải cân nhắc kỹ việc có nên tổ chức belt gauntlet hay không.

LINEAGE (PHẢ HỆ)

Lineage (phả hệ) là một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất của Brazilian Jiujitsu, theo đó, mỗi võ sinh Brazilian Jiujitsu sẽ ghi nhớ các thế hệ võ sư đã từng dạy cho mình giống như gia phả của một gia đình. Lấy ví dụ như lineage của Marcelo Garcia (một huyền thoại BJJ hiện nay): Mitsuyo “Count Koma” Maeda → Carlos Gracie, Sr. → Helio Gracie → Rolls Gracie → Romero “Jacare” Cavalcanti → Fabio Gurgel → Marcelo Garcia. Điều đó có nghĩa là ông được chân truyền kỹ thuật từ Maeda (người đã mang Judo đến Brazil và góp phần tạo nên BJJ); Maeda dạy cho Carlos Gracie (thế hệ đầu tiên của BJJ)… và cứ thế dạy đến đời Fabio Gurgel – người đã dạy lại cho Marcelo Garcie.

Đối với những võ sinh tập luyện qua nhiều HLV (vì hoàn cảnh bắt buộc như chuyển chỗ ở chẳng hạn), họ sẽ theo lineage của người đã trao đai đen cho họ.

Việc ghi nhớ lineage mang nhiều ý nghĩa trong Brazilian Jiujitsu. Trước hết, đó là sự tôn trọng đến các thế hệ võ sư đã lưu truyền và phát triển kỹ thuật BJJ cho đến đời của các võ sinh hiện tại. Kế đến, lineage là thông tin đơn giản nhất để xác nhận một võ sinh có được chân truyền kỹ thuật từ các đời võ sư chính thống hay không, hoặc có nói dối về việc họ tập luyện từ ai hay không? Ngoài ra, lineage còn giúp các môn sinh khi trò chuyện với nhau dễ dàng nhận ra họ có cùng gốc gác truyền dạy kỹ thuật hay không, hoặc có cùng dòng phái hay không? (BJJ hiện đại có một số dòng khác nhau như Gracie Barra, Kimura…)

“NHƯỜNG KÈO”

Thứ quan trọng nhất của Brazilian Jiujitsu là kỹ thuật, và nó ảnh hưởng tới mọi vấn đề còn lại. Trong văn hóa phi chính thống của Brazilian Jiujitsu, một người đai thấp hơn không được quyền mời người có đai cao hơn đấu (dù là đấu tập). Một trận đấu lệch kèo thường chỉ xảy ra khi người có đai cao hơn đồng ý, bởi lẽ giữa các cấp đai trong BJJ (dù là 2 cấp đai sát nhau như trắng – xanh) đã có trình độ rất khác nhau.

Khi trận đấu “lệch kèo” diễn ra, người có trình độ cao hơn thường cố gắng “nhả” cho đối thủ. Cách này giúp cho người yếu hơn có thể trụ được trong trận đấu lâu hơn, học được nhiều điều hơn, đồng thời người kia có thể chứng minh một cách thuyết phục rằng kỹ thuật của anh ta có thể kiểm soát được trận đấu, dù anh đã thả cho đối thủ của mình tự do một chút.

Đây cũng là một trong những tinh thần cơ bản của môn sinh BJJ, luôn giúp đỡ người khác tiến bộ và không dùng khoảng cách trình độ của mình để bắt nạt người tập cùng (không phải đối thủ thực sự).

OSS

“Oss” là một từ gốc tiếng Nhật, đôi khi được gọi là “Osu”. Từ “Oss” thường được dùng để thể hiện ý vâng lệnh, hoặc để hồi đáp câu nói của người khác. Xét về sắc thái nghĩa, từ “Oss” mang ý trang trọng và tôn kính.

Trong văn hóa BJJ, từ “Oss” được dùng như một cách chào hỏi, kết lời những câu nói trang trọng khi chia sẻ kiến thức hoặc quan điểm. Tuy Brazilian Jiujitsu được biết đến như một môn võ Brazil (và đã thành một bộ môn quốc tế hóa ngày nay), nhưng nguồn gốc kỹ thuật vẫn là nhu thuật Nhật Bản nên những khái niệm như “Oss” (một từ tiếng Nhật) vẫn luôn được bảo toàn như một cách giữ gìn văn hóa truyền thống.

Y.N