Trong dân gian có câu “Thiên hạ võ công xuất Thiếu Lâm” (Võ công trong thiên hạ có nguồn gốc từ Thiếu Lâm), tuy có hơi khoa trương nhưng đại thể là như vậy. Thiếu Lâm là cội nguồn của nhiều môn võ khác, hơn nữa còn được tôn xưng là Ngôi Sao Bắc Đẩu trong nền võ học.
Ngoài những đường quyền, ngọn cước và sử dụng đủ loại binh khí (thập bát ban võ nghệ), Thiếu Lâm còn có những phương pháp rèn luyện công phu đặc dị, như luyện nội công, luyện ngoại công, khinh công, ngạch công, nhuyễn công, điểm huyệt và giải huyệt, y dược trị thương.
Năm Thái Hòa thứ 19 đời Bắc Ngụy (năm 495), vua Hiếu Văn Đế xây dựng chùa Thiếu Lâm, ban tặng cho vị cao tăng nước Thiên Trúc (Ấn Độ) tên là Bạt Đà, dùng để cư trú mà hành đạo, người đến học Phật lên đến hàng vạn người. Để tăng cường sức khỏe, rèn luyện ý chí và tự vệ, Ngài có truyền thụ võ công cho các đệ tử. Bạt Đà chính là bậc tông sư đầu tiên của Thiếu Lâm.
Nhưng phải đến khi Bồ Đề Đạt Ma đến Thiếu Lâm Tự thì võ thuật Thiếu Lâm mới thực sự vang danh thiên hạ. Bồ Đề Đạt Ma là con trai thứ ba của vua Nam Thiên Trúc, ngày đi tu và được Tổ Bát Nhã Đa La, đời thứ 27 của Phật giáo Thiên Trúc truyền y bát làm Tổ đời 28. Năm 518 Ngài vượt biển sang Trung Hoa, tới Quảng Châu. Vua Lương Võ Đế hay tin liền mời Ngài về Kim Lăng để hội kiến, nhưng vì ý không hợp nhau nên chia tay. Sau khi Đạt Ma Tổ Sư bỏ đi, Lương Võ Đế vô cùng hối hận, sai người đuổi theo. Đạt Ma Tổ Sư đến bờ sông Trường Giang, không có thuyền, lại thấy nhóm người ngựa đang đuổi theo sau lưng, bèn bứt một cọng lau ném xuống sông, rồi đứng trên đó mà vượt Trường Giang. Tích “Nhất vĩ độ giang” có nguồn gốc từ đó. Hiện nay ở Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn còn có lập một tượng đá, tạc cảnh Ngài đạp cọng lau qua sông.
Công phu Đạt Ma Sư Tổ phi phàm, “Nhất vỹ độ giang” đủ nói rõ công phu khinh công của Ngài. Sau khi qua sông, Ngài lên núi Tung Sơn “Diện bích cửu niên” (ngồi đả tọa quay mặt vào vách đá 9 năm liền), cho thấy định lực phi phàm thế nào. Sau đó Ngài bắt đầu nhận đồ đệ, truyền bá Pháp môn Thiền. Hậu thế coi Đạt Ma là Tổ sư của Thiền phái, người đến theo học rất đông. Ngài thấy nhiều đệ tử thể trạng yếu ớt, không chịu được thời tiết khắc nghiệt trong núi, nhiều người hay ngủ gật khi tham thiền, nên Ngài đã truyền thụ cho đệ tử một chút chiêu thức để tăng cường sức khỏe, ý chí và tinh thần.
Tương truyền Nhị tổ Huệ Khả có được hai bộ kinh là “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh” từ Đạt Ma Sư Tổ, Ngài đem hai bộ kinh này truyền ra cho đồ đệ, võ công Thiếu Lâm thực thụ mới bắt đầu từ đây. “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh” rèn luyện khí công, khiến sức khỏe tăng tiến, cơ thể mạnh mẽ mà tinh thần càng phấn chấn, trầm tĩnh, có thể chống lại khí hậu lạnh của núi rừng, bệnh tật, mệt mỏi sau khi ngồi thiền và có thể dũng cảm vượt qua những khó khăn nguy hiểm trong lúc đi hành đạo. Võ công Thiếu Lâm dần dần vang danh thiên hạ, Thiếu Lâm cũng được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất tự”.
Hiện nay lưu truyền 72 tuyệt kỹ võ công Thiếu Lâm, trong đó có các tuyệt kỹ rất ít người luyện được như Nhất dương chỉ (nhất chỉ thiền), Phi thiềm tẩu bích, Kim chung tráo, Thiết bố sam… nhưng không ai đạt được “Nhất vỹ độ giang” như Đạt Ma Sư Tổ. Có lẽ ngài Đạt Ma không lấy truyền thụ võ công làm mục đích nên chỉ dạy một số chiêu thức và để lại hai bộ kinh rèn luyện khí công tầng thấp, giúp các tăng nhân tăng cường sức khỏe, tinh thần và định lực để tinh tiến trong tu Phật, thiền định mà thôi. Hơn nữa Ngài cũng không hiển lộ các tuyệt học võ thuật của mình, mà chỉ sử dụng một lần duy nhất “Nhất vỹ độ giang” khi vào tình thế bất đắc dĩ. Các đại sư phái Thiếu Lâm xưa nay cũng coi võ là phụ giúp cho tham thiền, chỉ truyền thụ võ thuật cho các đệ tử đức độ. Mãi cho đến đời nhà Thanh, công phu Thiếu Lâm mới được truyền xuất ra dân gian.
Có thể thấy Đạt Ma Sư Tổ chỉ truyền võ thuật cho người tu luyện có đức cao để giúp đệ tử tinh tấn trong tu luyện, nghĩa là truyền ở tầng võ đức mà thôi. Hai bộ kinh “Dịch cân kinh” và “Tẩy tủy kinh” cũng chỉ là tương truyền chứ chưa thấy sử sách nào ghi chép là do Đạt Ma Sư Tổ để lại. Trên thực tế nó cũng chỉ là phương pháp luyện khí công trừ bệnh khỏe người, hỗ trợ cho tu luyện, tham thiền để đạt đến ngộ Đạo. Các thiền sư Thiếu Lâm truyền võ công cho môn đệ, và đến đời Thanh truyền ra dân gian cũng chỉ truyền thụ cho người có đức, tức là dừng lại ở võ đức.
Nhưng càng về sau, đạo đức càng sa sút, nhiều người luyện võ đã không coi trọng đức nữa, coi công phu là bản sự để mưu cầu danh tiếng, phát tài, nên họ chỉ coi trọng võ thuật. Nhất là thời hiện đại, người luyện võ còn rất ít người coi trọng võ đức, mà coi là nghề nghiệp để có chỗ đứng trong xã hội. Thậm chí còn có nhiều người còn coi nó như môn thể thao rèn luyện sức khỏe, là môn thi đấu, biểu diễn kiếm tiền. Điều đó cho thấy võ thuật hiện đại đã tụt dốc ghê gớm như thế nào.
Sưu tầm