Với biệt danh “vua sư tử”, không một ai biết quyền Anh mà không biết đến tay đấm Lennox Lewis, trở thành nhà vô địch thế giới tuyệt đối là điều mà rất ít võ sĩ đấm bốc có khả năng thực hiện được. Chưa thể sánh ngang với những huyền thoại như Muhammad Ali hay Joe Luis, nhưng Lennox Lewis là bá chủ trên đỉnh cao của môn thể thao đầy sức mạnh này.
Lennox Lewis sinh ngày 2/9/1965, trong sự nghiệp của mình, võ sĩ người Anh đến nay võ sĩ người Anh đã 44 lần thượng đài có một bảng thành tích khủng với thắng 41 trận (32 lần hạ knock-out đối thủ), thua 2 và hoà 1. Thể hình hoàn hảo với chiều cao 1m95 và cân nặng 113 kg, Lewis luôn thi đấu với sự tự tin, tập trung trước mọi đối thủ. Anh là một pháo đài gần như bất khả xâm phạm, là vua của các sàn đấu.
Lúc mới bước vào nghiệp Boxing, ít người đánh giá Lewis có khả năng đạt tới thành tích này. Anh bắt đầu chuyển sang thi đấu nhà nghề vào năm 1989, với thành tích trước đó là giành HC vàng Auyền Anh tại Thế vận hội Seoul 1988 sau khi đánh bại tương lai của Auyền Anh hạng nặng, võ sĩ người Mỹ Riddick Bowe.
Giới hâm mộ chờ đợi liệu Lewis có thích hợp với sự khắc nghiệt của các võ đài. Ngày 31/10/1990, danh hiệu đầu tiên – vô địch châu Âu hạng nặng – được trao cho tay đấm có biệt danh “Sư tử” sau khi anh hạ knock-out kỹ thuật (TKO) Jean Chanet ở hiệp 6. Liên tục đánh bại các đối thủ nhưng tới sau trận đấu chuyên nghiệp thứ 22, danh tiếng của Lewis nổi như cồn. Vào ngày 31/12/1992 đó, anh chỉ cần chưa đầy 2 hiệp để hạ knock-out (KO) Ruddock “Dao cạo”. Và Lewis được coi hiểm hoạ thật sự với các nhà vô địch thế giới, một đối thủ với cú đấm tay phải đáng sợ.
Chưa quên thất bại năm 1988, lại được chứng kiến chiến thắng dễ dàng của Lewis trước Ruddock, Riddick Bowe từ chối nhận lời thách đấu của tay đấm “Sư tử”. Võ sĩ người Anh đã có được đai vô địch của Hội đồng quyền anh thế giới (WBC) mà không tốn một giọt mồ hôi. Tuy nhiên, Lewis vẫn còn nhiều điều phải học hỏi. Anh không giữ được sự cân bằng cần thiết ở những trận đấu quan trọng, di chuyển chậm chạp. Ngoài ra, anh cũng không biết sử dụng những cú ra đòn chớp nhoáng bằng tay trái để bổ sung cho sức tấn công bên tay phải, dù có sải tay tới 213 cm. Lewis đã phải trả giá cho sự thiếu kinh nghiệm bằng danh hiệu vô địch WBC, khi để thua Oliver McCall năm 1994.
Quyết tâm giành lại vương miện, Lewis nhờ cậy đến tài năng của HLV Emanuel Steward, người có tên trong Tòa nhà danh vọng quyền anh, để hoàn thiện các kỹ năng chiến đấu. Steward đã biến Lewis thành một võ sĩ gần như không có điểm yếu.
Một Lennox Lewis mới với những cú đánh cực nhanh bằng tay trái, thi đấu linh hoạt hơn, ra đòn 2 tay như một. Nếu như lúc trước người ta coi Lewis là một kẻ nguy hiểm thì sau đó anh trở thành nỗi kinh hoàng thực sự trên các võ đài. Lần lượt, Lewis bước qua các đối thủ lên đỉnh cao danh vọng.
Anh nghiền nát Tommy Morrison, đè bẹp Ray Mercer, đoạt lại danh hiệu WBC ở trận tái đấu với McCall, knock-out Andrew Golota “Hoang dại” và Shannon Briggs. Nhưng chỉ đến năm 1999, khi Evander Holyfield, người đang nắm giữ danh hiệu của Hiệp hội quyền anh thế giới (WBA) và Liên đoàn quyền anh quốc tế (IBF), chấp nhận lời thách đấu, Lewis mới có cơ hội để trở thành một nhà vô địch hạng nặng tuyệt đối.
Ở trận đấu ngày 13/3/1999 đó, Lewis đã chiếm thế thượng phong suốt 12 hiệp, nhưng điều đó chưa đủ thuyết phục các trọng tài và 2 đối thủ rời sàn đấu bất phân thắng bại. Đúng 8 tháng sau, 13/11/1999, Lewis giành lại sự công bằng. Những cú đấm móc hiểm hóc cùng các đòn trực diện bằng tay phải khiến Holyfield nhiều lần phải khuỵu gối. Thắng điểm sau 12 hiệp, cuối cùng Lennox Lewis đã bước lên đỉnh cao nhất của sự nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử, một võ sĩ người Anh thống nhất được cả 3 danh hiệu cao quý nhất của làng đấm bốc thế giới.
Chiến công tiếp nối chiến công, Lewis đánh bại 2 gã khổng lồ Michael Grant và Francois Botha đều trong hiệp 2, nhờ những đòn knock-out sấm sét. Sau khi vượt qua David Tua, chuỗi trận bất bại đột ngột bị chặn đứng lại. Tháng 4/2001, chiến hạm Lennox Lewis va phải tảng đá ngầm Hasim Rahman. 7 tháng tập luyện không biết mệt mỏi, tháng 11 cùng năm, Lewis đo ván đối thủ ở hiệp 4, giành lại các danh hiệu WBC và IBF.
Trận thắng võ sĩ thép Mike Tyson có thể coi là viên kim cương sáng nhất tô điểm trên vòng hào quang của Lewis. Tháng 6/2002, tại Memphis, Mỹ, trước Lewis, “Con gấu đen” Tyson, kẻ luôn gây sự kích động trong các trường đấu bằng lối chơi áp đảo, đã hoàn toàn bị khuất phục. Choáng váng, mất phương hướng, liên tục bị dồn vào thế phải chống đỡ, máu chảy từ những vết rách ở cả 2 mắt, Tyson không thể gượng dậy sau tiếng đếm đến 10 của trọng tài ở hiệp 8.
Lewis từng nói: “Nếu bạn không đạt 110% sức lực, bạn không nên thi đấu, và tôi luôn bước lên võ đài với ít nhất 110% phong độ trong cả sự nghiệp của mình. Tôi sẽ có một cuộc sống mới và một tương lai mới”.
Vào ngày 21/6/2003, Lewis có trận thượng đài cuối cùng trong sự nghiệp khi đánh bại Vitali Klitschko (Ukraian) trong một trận đấu căng thẳng, và trọng tài phải cho dừng trận đấu tuyên bố Lewis chiến thắng do Klitschko bị rách mí mắt, máu chảy nhiều, dù rằng lúc đó Klitschko đang dẫn điểm.
Khi đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp, Lennox Lewis bất ngờ nói là giã từ sàn đấu vào năm 2004 khiến người hâm mộ Boxing vô cùng tiếc nuối. Mặc dù vậy, với nhiều chuyên gia thì đây là quyết định đúng đắn. Lennox Lewis được xem là một trong những huyền thoại của làng Quyền Anh hạng nặng thế giới.
V.Đ