Rắn là động vật máu lạnh thuộc loài bò sát, thân dài, có vảy, thường có nọc độc ở miệng. Các nhà khoa học thống nhất qua nghiên cứu hình thái học là sự tiến hoá của rắn từ tổ tiên của loài thằn lằn, nhờ vào công nghệ gen và sinh hoá trên cơ sở rắn tạo ra nọc độc có chung nguồn gốc với một vài họ thằn lằn.
Roda và Capoeira – nét văn hóa võ thuật Nam Mỹ
Bản sắc văn hóa Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Rắn có hằng trăm chủng loại với nhiều tên gọi khác nhau như rắn hổ mang, hổ lửa, hổ đất, hổ trâu, rắn hoa câu (rắn xe điếu), rắn lục, rắn mai gầm, rắn cạp nong, rắn cạp nia, rắn đẹn vàng, đẹn cơm, đuôi gai, đẹn khoanh, đẹn mỏ, đẹn sọc dưa, rắn ráo, rắn giun (trun), rắn gió, rắn vú nàng…Trong dân gian có nhiều câu thành ngữ, tục ngữ nói đến rắn như: Rắn con lăm nuốt cả voi; rắn đổ nọc cho lươn; rắn đói lại chê nhái què; rắn già rắn lột người già người tuột vào săng; rắn khôn giấu đầu… Trong mười hai con giáp, rắn có tên gọi là “tỵ”, xếp hàng thứ sáu sau rồng.
Rắn không có chân, da rắn phủ kín vảy và di chuyển nhờ vào lớp vảy. Mi mắt rắn trong suốt không khép. Rắn lột da để lớn theo chu kỳ và cũng để loại bỏ ký sinh trùng bám vào da rắn. Sự phục hồi coi như sự tái sinh mà biểu tượng của y khoa thể hiện bằng bức tranh “Cái gậy của Thần y thuật” (Rod of Asclepius).
Tất cả loài rắn đều ăn thịt, chúng dùng nọc độc để giết chết con mồi, hoặc quấn xiết con mồi đến chết, có khi nuốt sống cả con mồi. Loài rắn thường không cắn người kể cả những loài rắn độc, chỉ trừ những trường hợp bị khiêu khích hoặc giật mình trong tình huống tự vệ nên rắn mới phải tấn công, thường thì bò lảng đi nơi khác.
Dù được coi là độc vì nọc rắn có khả năng giết chết người và các loài động vật khác nhưng rắn sống không xa lạ với con người ở những vùng rừng núi, đồng ruộng, nơi có nhiều cây cối rậm rạp. Chính vì vậy rắn đã đi vào cuộc sống con người qua một số lãnh vực văn chương, y học, quân sự, võ thuật.
Rắn trong văn chương.
Tam Nguyên Lê Quý Đôn (1726 – 1784), tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, quê xã Duyên Hà, Hưng Yên nay thuộc tỉnh Thái Bình, thông minh lanh lợi, nổi tiếng thần đồng, Thuở nhỏ ham chơi trốn học, cha mắng và đánh roi: “Đồ rắn đầu rắn cổ”. Ông đã làm bài thơ Đường luật về rắn, mỗi câu có tên một loài rắn, truyền tụng trong văn học và được giảng dạy ở chương trình giáo dục. Ý nghĩa bài thơ cao diệu vừa mang tính văn chương chữ nghĩa vừa mang tính giáo dục răn đe, tự mình giác ngộ sự học:
Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà;
Rắn đầu biếng học, lẽ không tha!
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ;
Nay thét mai gầm, rát cổ cha;
Ráo mép chỉ quen tuồng dối trá;
Lằn lưng cam chịu vết roi tra;
Từ rày trâu lỗ xin chăm học,
Keo hổ mang danh tiếng thế gia!
Rắn trong y học.
Nọc rắn giết người và nọc rắn cũng cứu người. Biểu tượng của y khoa thế giới và Việt Nam là hình con rắn quấn quanh một cái cây hoặc quấn quanh một cái cốc có đế, thân rắn vươn lên, đầu rắn cúi xuống miệng cốc như nhả nọc. Nguồn gốc ý nghĩa hình tượng này đến nay vẫn còn nhiều quan niệm và ý kiến khác nhau.
Theo một số tài liệu y khoa thì biểu tượng hai con rắn quấn quanh đôi cánh được gọi là y hiệu (caduceus) mang nhiều ý nghĩa, có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại do các thần Hermes mang theo bên mình như biểu tượng của hoà bình. Thần Asclepius (Thần y thuật) luôn mang bên mình cây gậy có hình con rắn quấn quanh. Người xưa quan niệm hai con rắn là biểu tượng của sự khôn khéo, thận trọng, duy trì sự cân bằng về tinh thần và thể chất, nói lên tình trạng sức khoẻ của các nhà hiền triết cổ đại.
Con rắn quấn quanh cái cốc có chân đế là biểu tượng của vị thần y học người La Mã Esculape, được tôn thờ từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Thần Esculape có tài chữa bệnh, cải tử hoàn sinh. Cái cốc dùng đựng thần dược để cứu người. Làm thầy thuốc là để cứu người.
Dân gian cho rằng rắn ngâm rượu được dùng chữa trị một số bệnh nhức mỏi, tê thấp, tăng cường sinh lực nhưng vì chưa có một công bố kiểm nghiệm y học chính thức nào cho sự lợi ích của rượu rắn nên có nhiều thông tin trái ngược nhau về tác dụng. Rượu rắn ngâm theo số lẻ, một con thường là rắn hổ mang hoặc hổ mang chúa (xà vương), rồi đến 3 con gọi là tam xà, 5 con là ngũ xà, 7 con là thất xà nhưng phải là những loại rắn khác nhau. Ăn thịt rắn cũng được cho là có khả năng chữa trị một số bệnh tật.
Rắn trong quân sự.
Vùng Thường Sơn có một loài rắn tên là Suất Nhiên, loài rắn này có khả năng tự cứu đặc biệt, khi bị tấn công vào đầu thì đuôi lên tiếp ứng, khi bị tấn công phần đuôi thì đầu về tiếp ứng, khi bị tấn công phần giữa thì cả đầu lẫn đuôi đều quay về tiếp ứng. Những nhà quân sự nghiên cứu khả năng của Suất Nhiên áp dụng vào chiến thuật hành quân tác chiến tiếp cứu rất thành công. Trong trận mạc, phục kích là một chiến thuật có nhiều ưu thế nhưng cũng lại có chiến thuật phản phục kích để hoá giải khi bị phục kích và cũng lại có chiến thuật phản phản phục kích.
Chiến tranh xưa, khi vũ khí còn thô sơ, chiến thuật tối ưu là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi, nổi tiếng có “Nhất tự trường xà trận – Trận rắn dài như chữ nhất”. Trận nhất tự trường xà là trận đồ chuyên về tấn công, khả năng đánh trả rất cao. Sự biến hoá của trận pháp chia làm 3 giai đoạn: “Đánh phần đầu và đuôi, cuộn tròn; Đánh phần đuôi đến phần đầu, cắn; Đánh ngang phần thân cả đầu và đuôi gọi là cắt. Sự di chuyển của con rắn dài không khác gì con trăn lớn xuất kích mạnh, đối phương không địch nổi. Lấy nhân chống lại bất nhân; lấy nghĩa chống lại bất nghĩa. Ai thu phục được lòng người, kẻ đó có thể lấy được thiên hạ. Bậc kỳ tài trong thiên hạ như con thần long, thấy đầu mà không thấy đuôi.
Trong Bát Trận của Khổng Minh Gia Cát Lượng có hai trận gọi là Xà Bàn Trận Tán và Thường Sơn Xà Trận, chủ dạy về cách bày binh bố trận, dò xét tình hình, dùng người no “chờ” kẻ đói, dùng người khoẻ “đãi” kẻ mệt. (Hữu dĩ Thường Sơn trận bộ tốt ngũ bộ phàm tứ thiên nhân, cư trung tiền hậu tả hữu đẳng quân. Lượng sơn xuyên thổ địa chi hình, an trận nhi cư, khả dĩ dật đãi lao).
Rắn hổ mang chúa (Cobra) là tên gọi một loại máy bay trực thăng chiến đấu hiện đại của Không quân Hoa Kỳ, vũ trang hạng nặng (gunship) có khả năng tác chiến cao như “rắn hổ mang chúa – xà vương”. Có trực thăng chiến đấu AH-1 Cobra, AH-1 Super Cobra, đến mô hình biến thể của trực thăng “rắn hổ mang – Cobra” như AH-1G Huey Cobra, Jah-1G Huey Cobra, Z14 Huey Cobra. Tên gọi Cobra – rắn hổ mang, biểu thị khả năng chiến đấu của loài rắn vua này.
Rắn trong võ thuật.
Rắn trong võ thuật là một kho tàng để khai thác dưới tên gọi Xà quyền. “Long hình linh hoạt tại thần; Xà hình thanh độc tại tâm”.
Xà hình quyền chủ vào khí lực, tập trung sức mạnh, tốc độ vào đòn tấn công để bù lấp những khiếm khuyết là rắn không có chân di chuyển mà phải trườn, bò. Các động tác uốn vòng, cuốn khúc mang tính phòng thủ, hoá giải rồi bất ngờ xuất kích tấn công. Kỹ thuật sử dụng thủ chỉ (ngón tay) nhắm vào các điểm yếu (huyệt đạo) trên cơ thể đối phương, hai ngón hình lưỡi rắn, năm ngón hình đầu rắn được dùng nhiều trong kỹ thuật xà quyền, đặc biệt hình tượng xà quyền biểu thị rắn hổ mang vươn cao đầu phóng tới trước mổ tấn công.
Thế đánh xà quyền có tên trong các bài võ quy định Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam như: “Phát bản linh thủ; Xà vương khai môn…”(Bát quái côn). “Vân tôn tam tảo: Hổ, xà thành” (Lão mai quyền). “Hồi tả toạ, bạch xà lang lộ” (Ngọc trản quyền). “Đăng sơn tả, hữu quy hình; Thôi sơn tấn tiếp, cước ngang trảm xà” (Bạch hạc sơn quyền). “Xà hành nghịch thuỷ cho hay” (Huỳnh long độc kiếm). “Tầm xà sát thích vân phi liền kề” (Thanh long độc kiếm). “Bạch xà môn trận, đơn phụng triều dương” (Bát quái côn).
Sách Miền Đất Võ có bài Thanh xà quyền với các thế: Thanh xà xuất động, tả mã tung phong; Cường long xuất hải, tấn đả song khai; Ngọc trản ngân đài, hắc ngưu khai giác; Hồi mã tướng quân, chuyển thân nghinh cước.
Một số thế võ mang tên rắn: Độc xà cuốn khúc (The twining venomous snake). Bạch xà thổ vụ (The white snake putting out its tongue). Thần xà xuất động (The spiritual snake coming out of its cave). Độc xà thượng thủ (The head-up venomous snake). Lưỡng đầu xà (The double-headed snake). Thanh xà quyển thụ (The green snake twining the tree) và Xà tấn (Snake stance) được dùng nhiều trong các bài võ.
Rắn với người, xa mà gần, độc mà thân thiện. Xem ra độc hay không độc là hai mặt của một vấn đề, hai mặt của cuộc sống đầy dẫy những trái ngang, nghiệt ngã mà những gì thuộc về tội ác, xảo quyệt con người đều trút lên đầu rắn như chuyện con rắn dẫn đường ma quỷ, xúi dục Eva và Adam ăn trái cấm trong sách Sáng Thế Ký. Có thật vậy không? Hay ăn trái cấm là do chính lòng mình ham muốn mà ăn chứ nào phải do rắn xúi dục!
Video: Xà quyền Tây Sơn Bình Định
[jwplayer player=”1″ mediaid=”68520″]
Võ sư Trương Văn Bảo