Cộng đồng MMA Việt Nam từ lâu chỉ biết đến các võ sĩ “máu Việt cơm Tây” nhưng Cung Le, Nam Phan, Ben Nguyen… Gần đây, các võ sĩ “Fighting out of Vietnam” dần dần nổi lên như một làn gió mới, một lối rẽ định mệnh cho sự phát triển võ tổng hợp nước nhà.
Trestle Tan – võ sĩ MMA kế tiếp thi đấu “Fighting out of Vietnam”
Hàng loạt võ sĩ MMA chuyên nghiệp chuyển đến Việt Nam sinh sống
Từ trước đến nay, cộng đồng MMA Việt Nam – vốn là một cộng đồng đầy đam mê nhưng vẫn còn thiếu nhiều điều kiện tập luyện, sự kiện MMA, luôn dõi theo hành trình thi đấu của những ngôi sao gốc Việt như Cung Le, Ben Nguyen, Nam Phan… Một điều dễ hiểu rằng sự thành công của những võ sĩ này tại các giải đấu MMA lớn (trong đó có cả UFC – giải MMA khắc nghiệt nhất hành tinh), chính là minh chứng mãnh liệt cho việc thể chất người Việt hoàn toàn có khả tham gia thi đấu võ tổng hợp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, đứng giữa một cộng đồng, những luồng ý kiến trái chiều là điều luôn tồn tại. Trong khi nhiều fan MMA gọi tên Cung Le như một ngôi sao MMA, một niềm tự hào thực thụ của Việt Nam, nhiều người cũng đồng thời bày tỏ quan điểm rằng cái mác “gốc Việt” của những võ sĩ này chỉ có thể xem như một bằng chứng khẳng định thể chất và dòng máu Việt Nam., ngoài ra không có gì đáng để tự hào. Bởi lẽ, tất cả những võ sĩ như Cung Le, Nam Phan, Ben Nguyen… đều có chung một đặc điểm: mang dòng máu Việt, nhưng được tập luyện hoàn toàn tại nước ngoài. Nói cách khác, ngoài “dòng máu Việt” trong người, họ hoàn toàn là sản phẩm của quá trình trưởng thành, đào tạo tại nước ngoài. Thậm chí, chính thể chất họ đang có cũng được xây dựng bởi kiến thức huấn luyện, dinh dưỡng và khoa học thể chất tiên tiến của nước ngoài. Nhiều fan MMA chia sẻ: “Cung Le là người gốc Việt, nhưng thành quả của Cung Le không có gì đáng tự hào đối với người Việt. Đó là một Cung Le lớn lên, tập luyện, và thi đấu tại nước ngoài. Việt Nam hoàn toàn không có chút ảnh hưởng nào khác đến sự thành công đó.”
“Máu Việt cơm Tây” trở thành một thuật ngữ để chỉ chung các võ sĩ gốc Việt lớn lên và thành danh tại nước ngoài. Và trong khi cộng đồng người hâm mộ vẫn đang tranh cãi việc “tự hào – hay không tự hào về các võ sĩ gốc Việt” thì một làn gió mới đã xuất hiện: các võ sĩ “máu Tây cơm Việt”, những người đang thi đấu với dòng chữ “Fighting out of Vietnam” (Võ sĩ đến từ Việt Nam).
Theo nhiều con đường truyền thông, MMA được giới trẻ Việt Nam biết đến khoảng đầu những năm 2005, nhưng chỉ bắt đầu thực sự bùng nổ từ 2010. Những trung tâm huấn luyện đầu tiên bắt đầu được thành lập và đi vào hoạt động, dần dần thu hút nhiều chuyên gia, HLV MMA hoặc các bộ môn bổ trợ. Điều kiện tập luyện MMA tại Việt Nam dần dần được cải thiện, và nhanh chóng được các võ sĩ nước ngoài để mắt đến.
Arnaud “TheGame” Lepont là võ sĩ ngoại quốc đầu tiên trở thành tay đấm “máu Tây cơm Việt” khi anh chính thức định cư tập luyện tại Việt Nam từ 2012. Rời khỏi Pháp – mảnh đất quê hương anh luôn yêu quý nhưng vốn không phải là nơi để phát triển niềm đam mê MMA (Pháp có các đạo luật về võ thuật còn nhiều bất cập, cũng như nghiêm cấm MMA), Arnaud Lepont từng sinh sống tại nhiều quốc gia trước khi quyết định dừng chân tại Việt Nam – nơi mà anh hoàn toàn tin tưởng và điều kiện tập luyện cũng như liên tục mời gọi các võ sĩ từ nhiều nước Đông Nam Á cùng đến Việt Nam “an cư lạc nghiệp”.
Mới đây, Trestle Tan – một võ sĩ MMA người Philippines hiện đang thi đấu tại One Championship cũng đã dời đến Việt Nam trước ngày thi đấu. Xuất hiện trên nhiều kênh truyền hình trực tiếp toàn thế giới, Trestle cùng dòng chữ “Fighting out of Vietnam” nhanh chóng gây ấn tượng đặc biệt với chiến thắng khuất phục đối thủ chủ nhà.
Sau nhiều năm liền cộng đồng MMA Việt Nam trông đợi vào những tên tuổi “máu Việt cơm Tây”, những người đã gây nên nhiều tranh cãi, giờ đây thế hệ võ sĩ “máu Tây cơm Việt” đầu tiên đã xuất hiện và thành danh. Họ là những minh chứng sống động cho việc Việt Nam giờ đây hoàn toàn đáp ứng đủ mọi điều kiện huấn luyện, dinh dưỡng, khí hậu để một võ sĩ MMA chuyên nghiệp có thể yên tâm sinh sống và tập luyện. Sự tin tưởng và thành công của họ, những võ sĩ “Fighting out of Vietname”, cùng với những dòng máu Việt đã từng chiến thắng tại UFC sẽ là niềm tin chắc chắn vào một tương lai không xa, khi những tài năng MMA người Việt vẫn còn đang ở đâu đó chưa được phát hiện, họ hoàn toàn có thể được đào tạo và thành tài ngay tại mảnh đất hình chữ S.
Có thể nói, thế hệ võ sĩ “máu Tây cơm Việt” chính là bước đệm tuyệt vời để cộng đồng MMA Việt Nam vững lòng hơn vào một tương lai không xa, một tương lai MMA Việt Nam thực sự thuộc về người Việt.
Arnaud “TheGame” Lepont và những khoảnh khắc đáng chú ý
[jwplayer player=”1″ mediaid=”98112″]
Y.N