Ngày nay, One Championship được đánh giá như giải đấu võ tổng hợp lớn nhất châu Á, đôi khi còn vượt xa giải đấu hàng đầu hành tinh UFC. Điều quan trọng nhất hình thành sự khác biệt này chính là cách One Championship làm nên một dấu ấn khác của khái niệm “Võ tổng hợp”.
UFC chính thức trừng phạt Jon Jones
Brock Lesnar sử dụng chung chất cấm với Jon Jones
QUAY VỀ THỜI “NGUYÊN THỦY” CỦA VÕ TỔNG HỢP
Không có liên đoàn mang tính chất quốc tế, luật thi đấu MMA thực chất được thay đổi tùy thuộc theo các giải đấu, và đây cũng chính là điều khác biệt lớn nhất giữa ONEC và UFC.
Với độ nổi tiếng và phổ biến, bộ luật MMA của UFC được nhiều người ngầm hiểu như bộ luật mang tính chất quốc tế. Tại thời kỳ đầu của võ tổng hợp, hầu hết các đòn tấn công đều hợp lệ (trừ một số đòn đặc biệt nguy hiểm như chọc mắt, bóp cổ…). Sau này, UFC dần dần cấm các đòn tấn công nguy hiểm như Soccer kick (đá vào đầu đối thủ khi đã ngã), đòn chỏ 12 – 6 (chỏ cắm thẳng đứng từ trên xuống), các đòn tấn công vào vùng lưng, sau đầu… Tất cả những thay đổi này đều có chung một lý do: giúp MMA an toàn và dễ dàng được chấp nhận hơn trên phạm vi quốc tế.
Bộ luật được soạn thảo riêng cho giải đấu ONEC có phần tàn khốc hơn rất nhiều. Để đảm bảo an toàn và công bằng, các đòn nguy hiểm như nắm tóc, chọc mắt, đạp đầu đối thủ đã ngã, nắm giữ lồng sắt… đều bị cấm. Tuy nhiên, khác với UFC, ONEC vẫn cho phép các đòn chỏ 12 – 6, những cú Soccer kick tàn khốc vào đầu hoặc thân người khi đối thủ đã nngười xuống. Theo Victor Cui, những đòn tấn công này vẫn có thể được chấp nhận vì không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng võ sĩ, đồng thời giúp các môn võ truyền thống của châu Á có thể phát huy hoàn toàn sức mạnh trên đấu trường MMA. Nếu như UFC ngày nay đi theo con đường thể thao hóa thì ONEC như một tấm gương phản chiếu lại thời kỳ đầu tiên của thể thức thi đấu võ thuật tổng hợp.
NƠI SẢN SINH NHỮNG NIỀM KIÊU HÃNH CHÂU Á
Một trong những lý do khiến ONEC được ưa chuộng tại châu Á đó là sự tôn trọng và đề cao yếu tố truyền thống. Theo Chatri Sityodting, châu Á là quê hương của hàng chục môn võ lừng danh thế giới với những tinh hoa kỹ thuật hàng ngàn năm tuổi. Trong khi các giải MMA khác là nơi tung hoành của võ thuật hiện đại hoặc các kỹ thuật mang tính đồng hóa thì tại ONEC, người ta vẫn thấy hình bóng thân quen của Jiujitsu cổ điển, vật Mông Cổ, Silat, Karate…
Tại các giải đấu MMA phương Tây như UFC, Bellator, Invicta FC… các võ sĩ châu Á gặp rất nhiều khó khăn như chênh lệch thể chất và trình độ tập luyện. Tuy nhiên, “sân nhà” ONEC đã tạo điều kiện cho những niềm kiêu hãnh châu Á thể hiện bản lĩnh.
Ngày nay, ONEC chào đón các võ sĩ trên toàn thế giới đến đăng ký thi đấu. Trên bảng tên những võ sĩ hàng đầu ONEC, chúng ta có thể thấy những lá cờ Brazil (Roger Gracie, Bibiano Fernandes), Mỹ (Ben Askren). Bên cạnh đó, vẫn có những cái tên, những màu cờ châu Á kiêu hãnh được vinh danh với tư cách nhà vô địch như Angela Lee (Singapore), Shinya Aoki (Nhật Bản), Brandon Vera (Philippines). Cả đất nước tưởng chừng không có tên trên bản đồ MMA thế giới là Mông Cổ cũng góp mặt tại ONEC với tên tuổi võ sĩ Jadamba Narantungalag.
Những nhà vô địch da vàng không chỉ giúp ONEC thực hiện tâm nguyện chắp cánh tài năng võ thuật phương Đông địa mà còn đem lại một nguồn khán giả trung thành và ổn định từ chính sân nhà châu Á.
Những cú knock-out tàn khốc trên sàn One Championship.
https://www.youtube.com/watch?v=nr6QPy4LUZg
Phạm Vũ