Các đời vua Thái Lan phong kiến yêu chuộng Muay Thái đến mức nào

Muay Thái là một trong số những môn võ đặc biệt trên thế giới được cả giới quý tộc – hoàng gia lẫn dân thường tập luyện. Nhiều đời vua của các triều đại Thái Lan là các võ sĩ giỏi, có nhiều chính sách hoặc hành động thể hiện sự quan tâm đến bộ môn Quốc võ của người Xiêm này.

Muay Thai Fight Night: Võ sĩ Việt Nam đại thắng trên sân nhà

2 tuyệt kỹ thần sầu làm nên tên tuổi “Vua Muay Thai” Saenchai

Muay Thái gìn giữ vị trí của mình trong tất cả các triều đại phong kiến của Hoàng gia Thái Lan kể từ khi nó được hình thành vào đầu thế kỷ 13 cho đến tận ngày hôm nay. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ chỉ nhắc đến những câu chuyện đặc biệt nổi tiếng và bỏ qua một số giai đoạn lịch sử.

THỜI SUKHOTHAI (1238 – 1408)

Theo sử sách, đây là giai đoạn đầu tiên trong lịch sử dân tộc Xiêm có nhắc đến Muay Thái – với tính chất như một môn võ “đầy đủ kỹ thuật, bao gồm cả gối chỏ và cả nghệ thuật sử dụng vũ khí.Phokhun Sri In Tharatit  – người khai sinh triều đại Sukhothai đã cho cả 2 hoàng tử tập luyện Muay Thái để chuẩn bị cho cuộc tuyển chọn người kế vị.

VUA NARESUNAN

Vua Naresunan (1590-1604) tập luyện Muay Thái cùng các thanh niên thường dân và nhanh chóng trở thành võ sĩ giỏi. Ông trực tiếp chọn dùng Muay Thái để đào tạo các lực lương dân binh chiến đấu du kích chống lại người Miến Điện.

VUA “HỔ VƯƠNG” PRACHAO SUA

Vua Prachao Sua, còn được biết đến với một biệt danh là Hổ Vương là người rất yêu thích Muay Thái. Có một lần, ông mặc thường phục, cùng với 4 vệ sĩ Hoàng gia cũng ăn mặc thường phục đến quận Tam bol Talad-guad. Tại đây, ông xin phép được tham gia thi đấu Muay Thái. Những người chủ võ đài không biết đó là vua, và để cho đức vua đấu với những võ sĩ giỏi nhất trong thị trấn, bao gồm những cái tên như Nai Klan Madtai (tiếng Thái dịch nghĩa là “Nắm đấm sát thủ”), Nai Yai Madlek (nắm đấm thép) và Nai Lek Madnak (cú đấm cứng). Kết quả là, vua Prachao đã đánh thắng cả 3 người. Thường ngày, ông vẫn cùng hai người con là Hoàng tử Petch và Hoàng tử Pon luyện tập Muay, đao kiếm và đấu vật.

VUA RAMA I

Vua Rama I mở đầu cho thời đại Ratanakosin (kéo dài 4 đời vua Rama), là một trong những thời kỳ thịnh trị nhất của Muay Thái.

Vua Rama I đã tự giác luyện tập võ thuật từ khi còn bé. Ông luôn tỏ ra vô cùng thích thú khi xem những trận đấu. Năm 1788,  có 2 anh em thương nhân người nước ngoài đã đến Băng Cốc, một phần của chuyến đi vòng quanh thế giới. Người em trai đã tuyên bố rằng, ông ta là một võ sĩ đã chiến thắng nhiều giải thưởng trên toàn thế giới, và ông ta bày tỏ ý định tham gia một giải đấu với những võ sĩ Thái. Lời thỉnh cầu này đến tai vua Rama I. Sau khi hỏi ý kiến Pra Raja Wangboworn – người đứng đầu Võ đường Hoàng gia lúc bấy giờ, vua Rama quyết định đặt ra giải thưởng 50 chang (khoảng 4,000 Baht bây giờ). Pra Raja Wangboworn chọn một võ sĩ tên là Muen Han để thi đấu với võ sĩ nước ngoài.

Trận đấu bắt đầu, Muen Han nhận ra mình yếu thế khi tên võ sĩ nước ngoài cao hơn, nặng hơn, to con và khỏe hơn mình rất nhiều. Hắn liên tục tìm cách áp sát và sử dụng kĩ vật vật ngã hòng tìm cách bẻ gãy cổ và xương đòn của võ sĩ người Thái. Với kĩ thuật di chuyển nhuần nhuyễn và đôi chân nhanh nhẹn,  Muen Han khôn ngoan chống lại chiến thuật áp sát của võ sĩ nước ngoài bằng cách đá teep quen thuộc của Muay Thái. Khi tay võ sĩ người nước ngoài bắt đầu thấm mệt, Muen Han mới bắt đầu tiếp cận và sử dụng sở trường cận chiến vốn có của Muay Thái. Chứng kiến cảnh đó, anh trai của tay võ sĩ nhảy lên võ đài và tham gia trận chiến 2 đánh 1. Điều này khiến đám đông trở nên giận dữ. Trong số những người xem cũng có rất nhiều người nước ngoài và họ bắt đầu ẩu đả với người Thái. Sau khi vụ lộn xộn được dẹp yên, hai tay thương nhân băng bó các vết thương và lên tàu rời Thái Lan.

Theo tấm gương của vua Rama I, các đời vua Thái Lan đến tận ngày nay vẫn thường đích thân mình ra lệnh tổ chức các giải đấu Muay cho người Thái với người nước ngoài cùng tham dự.

VUA RAMA II

Ngay từ khi còn trẻ, vua đã luyện tập ở võ đường Bang Wa Yai (trong Chùa Rakangkositaram, địa danh này vẫn còn) với những võ sư giỏi nhất, trong đó có cả đại tướng của quân đội Hoàng gia, đó là Somdet Prawanarat. Ở tuổi 16, ông tiếp tục học Muay ở Võ đường Hoàng gia. Và chính ông cũng là người đầu tiên đổi tên cho bộ môn võ thuật này, từ cái tên cổ Ram Mad Ram Muay thành “Muay Thai”. Đây là lần đầu tiên trên thế giới, từ “MuayThai” chính thức được sử dụng.

VUA RAMA IV

Từ nhỏ, vua Rama IV đã muốn mình trở thành một võ sĩ, cũng như yêu thích các kĩ thuật chiến đấu bằng kiếm và gậy. Thỉnh thoảng, ông cũng tham gia đấu kiếm và gậy ở những cuộc thi trong các lễ hội xung quanh chùa Ngọc Phật. Thời gian này, Thái Lan tiếp nhận sự phát triển của thể thao và văn hóa phương Tây. Tuy nhiên, Muay Thái vẫn là bộ môn phổ biến và là biểu tượng lớn của nền văn hóa Thái Lan.

VUA RAMA V

Vua Rama V học võ tại Võ đường Hoàng gia với võ sư Luang Pola Yotanuyoke. Cũng như các đời vua trước, ông rất thích Muay Thái và thích xem các trận đấu. Ngày qua ngày, ông nuôi ý định rèn luyện mọi quan viên, binh lính trong Hoàng gia thành võ sĩ để họ có thể chiến đấu vì ông. Ông tổ chức nhiều cuộc thi để tuyển chọn đội Vệ binh Hoàng gia, nhằm phục vụ cho việc bảo vệ hoàng cung và chính quyền.

Vua Rama V đích thân công khai thừa nhận các giá trị của Muay Thái. Ông nâng tầm quan trọng của Muay Thái và khuyến khích các cuộc thi đấu được tổ chức. Ông cũng khuyến khích phát triển Muay Luang (Võ đường Hoàng gia) để huấn luyện các đấu sĩ trẻ, cũng như quản lý trật tự của những cuộc thi đấu Muay. Những bộ, viện của chính phủ phong kiến Thái Lan thường gửi người của mình đến Muay Luang để tham gia các trận đấu như một cách để thể hiện uy quyền và bản lĩnh thực sự. Người thắng cuộc sẽ được đích thân Vua thăng chức lên “Muen”, có nghĩa là quan nhất phẩm.

Vào năm 1887, vua Rama V thành vập Học viện (tương đương với Bộ Giáo Dục trong các chính quyền hiện nay). Muay Thái được con như một môn học bắt buộc của giáo dục thể chất, được dạy tại các trường học và tại Học viện quân đội Hoàng gia Prachufachomktao. Đây được coi là thời kì hoàng kim của Muay Thái cận đại.

Kể từ đời vua Rama V trở đi, các đời vua Thái Lan vẫn yêu thích, tập luyện Muay Thái nhưng không còn trực tiếp xuất hiện trong những câu chuyện đậm tính sử thi. Sự phát triển của Muay Thái từ thời  kỳ này trở đi chủ yếu phụ thuộc vào Quân đội Hoàng gia Thái Lan và các ông bầu tư sản. Dẫu vậy, các đời vua vẫn hết mực ủng hộ sự phát triển của Muay Thái.

https://www.youtube.com/watch?v=8moRQPJQdAg&t=57s

Y.N