(VoThuat.vn) – Muay Thái là một môn thể thao cổ xưa và hiện đang trở nên rất phổ biến trên thế giới nhưng đối với riêng người Thái, Muay Thái không đơn thuần chỉ là một môn võ, mà còn là một phong cách sống. Hôm nay, hãy cùng VoThuat.vn tìm hiểu về vai trò của Muay Thái trong văn hóa Thái Lan nhé!
Cuộc đời của một võ sĩ Muay Thái
Những võ sĩ Muay Thái chuyên nghiệp thường đều bắt đầu huấn luyện từ khi còn rất trẻ. Những đứa trẻ thường bắt đầu lúc 8 tuổi hoặc thậm chí còn sớm hơn, nhằm hình thành các thói quen hàng ngày như thức dậy sớm hay dành hàng giờ tập luyện những kỹ thuật thể thao và chiến đấu giúp ích cho việc trở thành một võ sĩ Muay Thái. Các tay đấm phải tham gia hàng trăm trận đấu trong suốt sự nghiệp và luôn khao khát trở thành nhà vô địch. Thành công nào cũng cần những sự đánh đổi tương ứng.
Muay Thái trong lịch sử và ý nghĩa với hoàng gia
Muay Thái sử dụng toàn bộ cơ thể làm vũ khí và khiên chắn. Những người lính và cả người dân địa phương được cho là đã sử dụng phong cách chiến đấu khốc liệt này để bảo vệ lãnh thổ của mình trong những cuộc chiến tranh thời cổ đại. Rất lâu trước khi trở thành một môn thể thao, Muay Thái là một công cụ sinh tồn quan trọng.
Vào thời cổ đại, các vị vua đều được đào tạo Muay Thái để chuẩn bị cho những trường hợp chiến tranh bất ngờ xảy đến. Còn trong những ngày hòa bình, Muay Thái tồn tại trong các trại huấn luyện quân sự và trên đường phố.
Sự tôn kính sâu sắc đối với hoàng gia hầu như đã ăn sâu vào xương máu bất cứ một chiến binh Muay Thái thực thụ nào. Nếu không có những nhà lãnh đạo mạnh mẽ và không biết sợ hãi trong quá khứ, sẽ không có Thái Lan (Vùng đất tự do) ngày nay. Các võ sĩ tôn trọng mối liên kết thiêng liêng giữa Muay Thai, chế độ quân chủ và đất nước Thái Lan của họ.
Muay Thái và sự tôn trọng
Theo truyền thống, các sư phụ Muay Thái sẽ nhận học sinh và truyền dạy những kỹ thuật cũng như kinh nghiệm bản thân, vậy nên những võ sĩ đều có sự tôn trọng rất cao dành cho thầy mình. Những sư phụ giúp học sinh phát triển kỹ năng chiến đấu, sức mạnh tinh thần và niềm tin vào bản thân, truyền lại sự cống hiến, ký thác niềm hy vọng và đam mê. Họ sẽ ban phước cho học sinh được an toàn, thành công và chiến đấu tốt, đổi lại các võ sĩ sẽ tôn vinh thầy mình bằng nghi thức Wai Kru trước mỗi cuộc chiến.
Nghi thức diễn ra trước trận đấu là để kêu gọi bảo vệ an toàn cho bản thân võ sĩ và cả đối thủ của họ; chiến thắng là mong muốn, nhưng danh dự là trên hết. Dù thắng hay thua, các võ sĩ đều sẽ chúc mừng lẫn nhau và thể hiện sự tôn trọng với thầy của đối thủ.
Muay Thái và tâm linh
Tôn giáo hòa quyện mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày của người Thái và cũng được kết hợp chặt chẽ vào văn hóa Muay Thái. Vòng đội đầu (Mongkorn), băng đeo tay (Prajioud) và quần ngắn đều có ý nghĩa về mặt văn hóa và tinh thần. Theo truyền thống, những món đồ này được ban phước để mang đến may mắn và sự bảo vệ cho võ sĩ.
Thái Lan là đất nước có nhiều mê tín cũng như niềm tin mãnh liệt vào tâm linh. Ram Muay, một phần của nghi lễ Muay Thái, được diễn ra với mục đích nâng cao tinh thần. Thực tế hiện nay, khi bước vào một vòng Muay Thái nỗi sợ của võ sĩ không lớn đến mức phải tổ chức một nghi lễ như thế, tuy nhiên, trong quá khứ, khi các chiến binh chuẩn bị cho chiến tranh, việc cầu mong phước lành trở nên thiêng liêng và có ý nghĩa hơn nhiều.
Trại quân sự và chùa chiền là nơi đào tạo Muay Thái trong quá khứ. Các nhà sư cũng là những bậc thầy Muay Thái, song song với việc truyền dạy các kỹ thuật chiến đấu là giảng dạy giáo lý Phật pháp.
Muay Thái và trẻ em
Có nhiều lý do để một đứa trẻ bắt đầu Muay Thái. Nhưng hiếm khi là vì ước mơ trở thành nhà vô địch. Và tất nhiên, có một thành phần tham gia tập luyện Muay Thái chỉ “cho vui”.
Trong một số trường hợp, đó là mong muốn của cha mẹ đứa trẻ. Nhiều phụ huynh hi vọng rằng con mình tham gia Muay Thái để có thể đỡ đần gia đình về mặt tài chính. Ở một số khu vực nông thôn, thậm chí người ta còn coi Muay Thái là cơ hội duy nhất để người đàn ông kiếm được tiền.
Một vài đứa trẻ từ các gia đình đổ vỡ hoặc đang gặp khủng hoảng về tài chính đôi khi sẽ tìm nơi ẩn náu tại những trại Muay Thái. Trại này có thể cung cấp một môi trường ổn định và an toàn cho những đứa trẻ “cùng đường lạc lối”, chỉ cho chúng con đường để tự thay đổi cuộc sống của mình.
Nhưng để theo kịp lịch trình đào tạo dày đặc, những đứa trẻ có thể sẽ phải nghỉ học, bởi để đáp ứng nhu cầu tập luyện bên cạnh việc học là quá khó khăn. Khi một người đã quyết định theo “nghiệp” Muay Thái thì thường họ sẽ phải theo đến cùng, có rất ít “phương án dự phòng” nào khác cho họ chọn lựa.
Muay Thái và các vấn đề xã hội
Cha mẹ có đủ khả năng tài chính thường sẽ cho con hướng đến môi trường đại học. Muay Thái lại mở ra một con đường khác cho các gia đình nghèo. Mặc dù những người giàu ở Thái có thể tập Muay Thái như một hình thức thể dục và vui chơi, nhưng rất hiếm khi một chiến binh chuyên nghiệp đến từ tầng lớp này.
Ở phía Đông Bắc Thái Lan, có một vùng được gọi là Isan, là khu vực nghèo nhất cả nước. Nhiều võ sĩ Muay Thái hàng đầu đến từ đây, họ hầu hết đều bắt đầu tại các trại tập luyện khiêm tốn với ít thiết bị tiên tiến.
Những võ sĩ mong cầu được thành công chủ yếu là để có thể kiếm tiền, cho cả bản thân họ và gia đình. Dù hiện nay đã trở thành một môn thể thao chiến đấu, Muay Thái vẫn là phương tiện sinh tồn của rất nhiều người.
Muay Thái và Tiền
Hầu hết những võ sĩ Muay Thái đều có thu nhập rất khiêm tốn. Một võ sĩ trung bình chỉ có thể kiếm được khoảng 5.000 Baht (gần 4 triệu VND), tối đa cũng chỉ khoảng 10.000 Baht (gần 8 triệu VND) mỗi tháng.
Thu nhập tăng theo số lần thượng đài nên những tay đấm đều cố gắng chiến đấu nhiều nhất có thể, những trận đấu diễn ra liên tục và không có thời gian dành cho việc phục hồi. Nghe có vẻ sẽ gây sốc nhưng điều này là bình thường đối với một võ sĩ Muay Thái, họ cần phải chiến đấu thường xuyên để kiếm sống, mặc cho những mệt mỏi, chấn thương hay bệnh tật.
Hậu quả của việc bị thua
Nếu một võ sĩ liên tục thua thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Không những thu nhập bị giảm, họ còn có thể bị yêu cầu rời khỏi phòng tập. Đối với những người sống ở trại tập luyện, điều này sẽ gây ra khó khăn thực sự cho họ. Thậm chí có khả năng họ sẽ bị gia đình bỏ rơi và xa lánh vì không hỗ trợ nổi về mặt tài chính. Bởi thế, về lý do muốn trở thành nhà vô địch thì sự nổi tiếng thường chỉ chiếm một phần nhỏ, đối với nhiều người, nhu cầu sinh tồn thúc đẩy họ chiến thắng còn hơn cả vinh quang nhất thời.
Muay Thái và vấn đề “nghỉ hưu”
Có nhiều võ sĩ Muay Thái giải nghệ khi tuổi đời còn trẻ, điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi họ đã bắt đầu tập luyện từ khi còn rất nhỏ, số lần đánh nhau mà họ đã trải qua trong suốt sự nghiệp là không thể đếm xuể. Trước đây, việc nghỉ hưu thường dẫn đến nhiều khó khăn cho võ sĩ bởi họ hầu như chỉ gắn bó với Muay Thái và không có kỹ năng nào khác ngoài việc đánh đấm, do vậy các cựu chiến binh thường rất chật vật trong việc tìm kiếm công việc thay thế. Ngày nay, cùng với sự quan tâm ngày càng tăng đối với môn thể thao này, nhiều cựu tay đấm đã có thể làm việc bằng cách đào tạo những người khác.
Muay Thái và cờ bạc
Muay Thái làm hình thành nên hình thức đánh bạc hợp pháp duy nhất (ngoại trừ xổ số) ở Thái Lan. Cờ bạc không chỉ còn là một trò chơi mạo hiểm mà đã trở thành nghề nghiệp chính đối với vài người, họ muốn đánh cược tất cả vận may và tiền bạc của mình vào một lần duy nhất nhằm tìm kiếm cơ hội phát tài. Đối với một số người Thái, cờ bạc có thể là một nguồn thu nhập chính, mặc dù tỉ lệ rủi ro vô cùng cao.
Không có cờ bạc, Muay Thái sẽ phần nào mất đi sự nổi tiếng. Cờ bạc thậm chí trở thành một tính năng không thể thiếu của Muay Thái ở Thái Lan ngày nay, thiếu nó thì khả năng nhiều võ sĩ sẽ thất nghiệp.
Trên sàn đấu, võ sĩ chính là những cỗ máy chiến đấu. Tuy nhiên, bên ngoài võ đài, Muay Thái còn dạy về sự khiêm nhường, tôn trọng, lòng trắc ẩn và sự tự chủ. Đối với nhiều võ sĩ, gãy xương, bị bầm tím, gãy mũi hay các chấn thương khác chỉ đơn giản là một phần của việc kiếm sống tại một quốc gia đang phát triển với một lượng lớn người dân vẫn còn sống trong nghèo đói.
Như Trúc