Những điều ít ai hiểu về luật Muay Thái IKF

Những người xem thi đấu Muay Thái nói riêng và võ thuật đối kháng nói chung chỉ quan tâm vấn đề “đánh trúng – và tránh bị đánh trúng”. Dĩ nhiên là đây là yếu tố cơ bản trong cuộc cạnh tranh các tính chất thể thao của võ thuật. Tuy nhiên, bấy nhiêu là chưa đủ.

Những công thức “chuẩn không cần chỉnh” để knock-out đối thủ trong Muay Thai

Phim về võ sĩ Muay Thái sẽ được trình chiếu tại LHP Cannes 2017

Một bộ môn võ thuật càng phát triển ở khía cạnh thể thao đối kháng càng có hệ thống luật phức tạp, đầy đủ và chi tiết hơn. So với thời kỳ Muay bắt đầu trở thành môn thể thao đối kháng dân gian của người Xiêm vào tầm thế kỷ 18, Muay Thái ngày nay có hệ thống luật chi tiết hơn rất nhiều lần. Có một số biến thể luật khác nhau, tùy theo tính chất (bán chuyên, chuyên nghiệp…) và đôi khi mỗi hệ thống giải có những quan điểm riêng về luật đấu. Với sự phổ biến, uy tín và thừa nhận từ nhiều tổ chức võ thuật, hệ thống luật thi đấu Muay Thái của Liên đoàn Kickboxing Thế giới (IKF) được đánh giá như bộ luật chuẩn của thi đấu Muay Thái hiện nay.

Dựa theo luật Muay Thái của IKF, có một số điều thú vị mà khán giả nên tìm hiểu để có thể thưởng thức và nhận định rõ hơn về các trận đấu Muay.

ĐÁNH NGÃ NHIỀU NHƯNG VẪN THUA?

Hẳn bạn từng thấy nhiều trận đấu mà võ sĩ bị xử thua điểm dù liên tục đánh ngã được đối thủ. Trên thực tế, luật IKF có rất nhiều điều khoản phức tạp liên quan đến việc đánh ngã. Để khuyến khích võ sĩ tập trung xử lý các tình huống clinch, ưu tiên các phương án đòn gối chỏ nhiều hơn là vật ngã lẫn nhau, luật Muay IKF hạn chế rất nhiều tình huống vật ngã. Theo đó, những đòn quét chân dạng xoay người đủ một vòng, các tình huống nhấc bổng đối thủ (lift) hay vật bằng hông (hip throw) đều không được cho phép, hoặc không tính điểm. Ngoài ra, luật IKF còn có nhiều quy định phức tạp về các tình huống đánh ngã không hợp lệ như gạt chân…

BỊ KNOCK OUT ĐÚNG VÀO TIẾNG CHUÔNG?

Tiếng chuông quy định hết hiệp đấu được xem như “truyền thống” của võ thuật đối kháng và được đưa vào sử dụng trong Muay Thái từ khi quyền Anh tự do phương Tây bắt đầu du nhập vào Thái Lan. Sau tiếng chuông, hiệp đấu hoàn toàn kết thúc và mọi hành vi tiếp theo của võ sĩ phải tuân thủ điều luật riêng của giờ nghỉ, chẳng hạn như không được tiếp tục tấn công, buộc phải về góc đài quy định, không được cởi bỏ bảo hộ…

Tiếng chuông không có giá trị “cứu” võ sĩ khỏi tình huống knock out.

Có rất nhiều trường hợp võ sĩ bị knock out (K.O) đúng vào thời điểm tiếng chuông vang lên. Theo luật hiện nay của IKF, trong trường hợp võ sĩ bị knock out hoặc knock down lần 3 đúng vào thời điểm tiếng chuông vang lên, cú knock out đó vẫn được công nhận. Tuy nhiên, nếu đó là tiếng chuông hiệp cuối thì võ sĩ đó coi như được “cứu mạng”, trận đấu sẽ phải định đoạt kết quả trên bảng điểm số.

Tuy vậy, nếu như sau khi tiếng chuông vang lên và trọng tài đã có động tác báo hiệu cũng như ngăn hai võ sĩ tiếp tục thi đấu, nếu một trong hai võ sĩ vẫn cố knock out người còn lại, đó được xem như hành vi chống lại trọng tài và có thể bị tước quyền thi đấu.

LUẬT “ĐẾM ĐẾN 8”

Hẳn ai cũng quen thuộc với hình ảnh trọng tài giơ ngón tay đếm đến 10 để quyết định việc một võ sĩ có thể tiếp tục thi đấu hay không. Hẳn nhiều người cũng thắc mắc vì sao trọng tài vẫn tiếp tục đếm gần đến 10, dù võ sĩ đó có dấu hiệu quay lại tỉnh táo ngay lập tức.

Luật “đếm đến 8” và “3 knock down” của Muay Thái rất giống Kickboxing, Boxing…

Đây chính là luật “đếm đến 8”. Bất kể võ sĩ có thể quay lại tỉnh táo nhanh đến mức nào, trọng tài vẫn sẽ đếm đến 8 để có thêm thời gian quan sát biểu hiện của võ sĩ. Nếu khi đếm đến 8 mà võ sĩ chưa có dấu hiệu tỉnh táo hoàn toàn, trọng tài sẽ đếm tiếp đến 10 và quyết định võ sĩ đó có được cho phép thi đấu tiếp hay không.

LUẬT 3 KNOCK DOWN

Nếu võ sĩ bị knock down (đánh gục) hoặc đếm đến 8 ba lần trong cùng một hiệp đấu, trận đấu sẽ được dừng ngay lập tức với kết quả thua TKO (Technical Knock Out – Knock Out kỹ thuật). Điều luật này được đưa ra để giảm bớt tình trạng võ sĩ tiếp tục thi đấu bất chấp chấn thương.

Việc hạn chế số lần knock down giúp tránh việc võ sĩ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì cố “chơi lầy”.

Tuy nhiên, nếu võ sĩ đó có thể đứng dậy ngay lập tức sau khi bị knock down, anh ta sẽ bị tính là đã trúng một cú “flash knock down”, và tình huống này không được tính vào luật “3 knock down”. Trên thực tế, nhiều giải đấu Muay tại Thái Lan dù sử dụng luật IKF nhưng lại bỏ luật này vì cho rằng nó giảm tính máu lửa của Muay Thái. Luật 3 knock down không tính những cú mang tính chất vật – quét ngã.

LUẬT ĐÌNH CHỈ SAU KNOCK OUT

Thêm một điều luật được đặt ra để bảo toàn tính mạng võ sĩ. Nếu một võ sĩ bị TKO do các đòn tấn công vào vùng đầu, IKF sẽ ra lệnh cấm võ sĩ đó khỏi tất cả các hoạt động thi đấu trong vòng 30 ngày. Nếu đó là cú K.O, thời hạn cấm là 45 ngày (hoặc hơn, dựa theo chỉ định của bác sĩ).

Nếu bị đấm vào đầu vào knock out trong Muay Thái, bạn sẽ bj cấm thi đấu trong 45 ngày tiếp theo, hoặc hơn.

GÓC TRUNG LẬP NÀO?

Khi một võ sĩ bị knock down, rơi bảo hộ hàm, được chăm sóc y tế, chỉnh trang bảo hộ hay bất cứ tình huống nào khác có thể tạm dừng trận đấu, võ sĩ còn lại phải lui về góc đài trắng (trung lập). Anh ta không được lui về góc đài của mình để tránh việc các võ sĩ có thể lén thảo luận với HLV về chiến thuật hay lời khuyên thi đấu.

Hai võ sĩ bắt đầu từ 2 góc đài xanh – đỏ. 2 góc còn lại được thiết kế màu trắng và xem như “góc trung lập”.

Nhưng, có 2 góc đài trắng giữa 2 góc đài xanh – đỏ, và người võ sĩ đó phải lui về góc nào? IKF có một điều luật rõ ràng cho vấn đề này: Võ sĩ không được tự ý chọn góc đài trung lập để lui về. Trọng tài sẽ chỉ định võ sĩ lui về góc đài trung lập xa nhất – xét từ vị trí đứng của võ sĩ đó khi xảy ra tình huống tạm dừng trận đấu. Tương tự như vậy, võ sĩ gặp sự cố và được yêu cầu tạm dừng sẽ được chuyển về phía góc đài trung lập gần nhất.

RƠI BẢO HỘ HÀM

Theo quy định ban đầu, nếu võ sĩ bị rơi bảo hộ hàm, trọng tài sẽ yêu cầu tạm dừng trận đấu để anh ta mang bảo hộ lại. Tuy nhiên, nhiều võ sĩ lợi dụng điều này, tự nhả bảo hộ hàm để dừng chuỗi đòn của đối thủ hoặc tìm chút thời gian để hổi sức. Một điều luật khác đã được ban hành để hạn chế tình trạng này: Nếu một võ sĩ bị rơi bảo hộ hàm 3 lần trong cùng 1 hiệp đấu với bất cứ lý do cố ý hoặc vô ý, võ sĩ đó bị xử thua ngay lập tức.

CLINCH CHỦ ĐỘNG

Kỹ thuật Clinch (ôm giữ ở tư thế đứng) là một trong những “đặc sản” của Muay Thái. Khác với Boxing – nơi các võ sĩ không được clinch, Muay Thái cho phép các võ sĩ được clinch thoải mái để tìm kiếm cơ hội cho đòn gối, chỏ, quét, quật. Tuy nhiên, một trong hai võ sĩ phải ở thế chủ động, có thái độ chủ ý thực hiện kỹ thuật hoặc phát triển đòn clinch.

Nếu trọng tài xét thấy cả hai võ sĩ đều vào clinch nhưng không có hành động kháng cự rõ ràng để tiếp tục dẫn đến các tình huống khác, trọng tài được quyền đánh giá đó là “clinch bị động” và buộc võ sĩ phải buông clinch, về lại trạng thái bình thường.

Y.N