Múa lân-sư-rồng (LSR) là một môn nghệ thuật múa dân gian đường phố có nguồn gốc từ Trung Quốc, thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên đán, vì 3 con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, hanh thông và làm tăng thêm sự rộn ràng trong những ngày xuân.
Mai Hoa Thung – bài Lân Sư Rồng của đẳng cấp và bản lĩnh
Lân sư rồng Việt Nam đạt á quân Giải vô địch châu Á 2014
Theo chân người Hoa, múa LSR đã du nhập sang các nước lân cận như Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam khá lâu và trở thành một trong những nét văn hóa của người dân Sài Gòn-TPHCM. Hiện nay, tại TPHCM có khoảng 50 đội LSR, tập trung chủ yếu ở Q. 5, 6, 11 và trong số đó những đoàn có bề dày lịch sử như: Liên Nghĩa Đường (thành lập năm 1923), Nhơn Nghĩa Đường (1936), Minh Hào Đường (giữa thập niên 1930), Trung Nghĩa Đường (1947), Tinh Anh Đường (1954)…
Khai quang điểm nhãn
Nếu từ thập niên 1970 trở về trước, LSR chỉ thường biểu diễn trong dịp Tết Nguyên đán, Trung thu thì khoảng gần 3 thập niên gần đây, LSR đã được chuyên nghiệp hóa. Nhiều công ty biểu diễn nghệ thuật LSR đã được hình thành, luyện tập và biểu diễn quanh năm trong các lễ động thổ, khai trương, tân gia… Dù vậy, một nét truyền thống mang tính tâm linh vẫn được các đoàn LSR thực hiện trước khi bước vào cuộc “làm ăn lớn” trong năm mới là lễ khai quang điểm nhãn. Thông thường các đoàn chọn ngày tốt trong tháng Chạp để thực hiện nghi thức này. Tùy theo điều kiện kinh tế, lễ khai quang điểm nhãn có thể tổ chức tại cơ sở, chùa hoặc nhà hàng.
Sau khi Trưởng đoàn và các thành viên thắp hương trước bàn thờ tổ, vị Trưởng đoàn hoặc Mạnh thường quân, quan chức sẽ dùng châu sa (pha rượu) để điểm vào mặt, trán, lưỡi, tai của các LSR đang phủ phục trước bàn thờ tổ. Sau khi được khai quang điểm nhãn, những chú LSR mới thực sự có sinh lực, mở mắt “sống dậy” và chớp mắt múa may quay cuồng theo những tiếng trống và tiếng chập chả dồn dập… Anh Lương Tấn Hằng – Trưởng đoàn LSR Hằng Anh Đường – cho biết thêm: “Tổ chức khai quang điểm nhãn ở các nhà hàng cũng là dịp chúng tôi bày tỏ lòng tri ơn, tôn vinh những nhà tài trợ cho đoàn”.
Từ nghệ thuật múa dân gian đến thi đấu thể thao
Một chương trình LSR truyền thống bao gồm nhiều tiết mục như múa cờ, múa võ theo nhạc, thổi lửa, nhào lộn, múa lân, rồng, song sư hí cầu, múa chồng la hán, biểu diễn nội công, nhảy múa trên Mai hoa thung (nhảy trụ sắt, hình thành từ năm 1970 tại Singapore), leo trụ… Muốn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, VĐV phải khổ luyện mới có kỹ xảo phối hợp ăn ý, nhằm thể hiện nổi bật thần thái hùng dũng của lân khi tả xung hữu đột, lúc uyển chuyển nhẹ nhàng. Mỗi tiết mục múa lân có nét độc đáo, riêng múa lân Mai hoa thung thu hút sự thích thú của khách thưởng lãm nhiều nhất bởi sự mạo hiểm.
Ngày nay, múa LSR không còn đơn điệu là trò chơi nghệ thuật dân gian mà đã được quốc tế hóa thành sân chơi thể thao với sự cầm trịch của Liên đoàn LSR thể thao Quốc tế. Tham gia sân chơi lớn này, tuy phải tuân thủ quy tắc chung, nhưng các đại diện Việt Nam không hề thua kém các nước bạn mà còn để lại ấn tượng khó phai. Cụ thể, đoàn LSR Nhơn Nghĩa Đường (đại diện Việt Nam) từng tham dự Asian Indoor Games lần 2-2007 tại Macau. Năm 2008, đoạt giải ba tại Giải múa lân châu Á (Macau). Năm 2009, Nhơn Nghĩa giành HCB múa lân tốc độ tại Giải vô địch thế giới lần 4 ở Thượng Hải (Trung Quốc), sau đó xuất sắc đoạt HCV múa sư và HCB múa lân tại Asian Indoor Games lần 3-2009 tại TPHCM… Đến Giải vô địch lân sư rồng châu Á lần 1-2010 (tháng 8, Malaysia), Nhơn Nghĩa Đường đoạt HCB lân lên Mai hoa thung và HCĐ múa rồng tốc độ. Năm 2013, Nhơn Nghĩa Đường giành HCĐ múa lân Giải vô địch thế giới… Gần đây, tại Liên hoan LSR ở Singapore lần thứ 10 (tháng 1-2017), đoàn Tinh Anh Đường đoạt cúp, HCV, Phước Duyên Đường giành HCB lân lên Mai hoa thung.
Hoặc LSR Hằng Anh Đường từng được mời sang Bắc Kinh hồi năm 2005 để giao lưu cùng với các đoàn lân của Trung Quốc và tham gia Lễ hội truyền thống múa lân Nhật Bản năm 2010. Cả hai lần, Hằng Anh Đường đều gây được sự ngưỡng mộ từ các đoàn lân khác. Giới hâm mộ nghệ thuật múa dân gian này chắc chưa quên, hồi tháng 1-2014, 2 đoàn LSR Dũ Văn (Taman Jurong CC Juhoon) và Quang Thiện Đàn (Kuan Sang Tang) của Singapore đã tham dự Liên hoan LSR quận 11-TPHCM mở rộng lần 4 với nhiều tiết mực biểu diễn hấp dẫn, đẹp mắt…
Lãnh đạo một đoàn LSR ở TPHCM cho biết: “Múa LSR thể thao phải theo đúng Luật của Liên đoàn LSR thể thao Quốc tế với những yêu cầu về kỹ thuật, kích thước, độ cao… Các bài thi đều phân chia thành 2 nhóm: nhóm quy định và nhóm tự chọn đồng thời không được biểu diễn cho công chúng xem trước khi thi. Đặc biệt, ngày 29-11-2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động LSR, làm cơ sở cho thể thao hóa môn múa nghệ thuật dân gian này”.
Theo ông Lưu Kiếm Xương, khi múa LSR được quốc tế hóa, số lượng VĐV, môn sinh cũng tăng theo. Có uy tín trên trường quốc tế, nhiều VĐV các quốc gia như Mỹ, Đức, Australia… đã tìm đến nước ta hoặc mời thầy xuất ngoại dạy học. Điển hình, năm 2010 HLV Lưu Hoán Phi đã nhiều lần qua Đức dạy múa LSR. Đây chính là tín hiệu tích cực đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, dài lâu của một hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian.
Đoàn lân nữ Việt Nam xuất hiện đầu tiên tại Lương Hòa (Bến Tre) – do các bà lão nay đã hơn 70 tuổi thành lập từ năm 1954. Tuy nhiên, đội lân nữ Lương Hòa này chỉ biểu diễn ở các lễ hội làng, xóm ấp quanh khu vực là chủ yếu. Hiên nay, tại quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ) cũng có 2 đoàn LSR nữ là Tú Anh Đường và Lương Ấn Đường do võ sư taekwondo Lương Ấn Đường thành lập năm 2009. Tuy người đời thường cho là phái yếu, nhưng các cô gái của võ đường Tú Anh Đường chẳng yếu chút nào. Các cô đã trình diễn các màn leo trụ cao gần chục mét, lên Mai hoa thung… chẳng kém gì nam giới. Tính đến cuối năm 2017, 2 đoàn LSR này đã lập 8 kỷ lục Guiness Việt Nam.
Lê Hồng (Tổng hợp)