Quyền và Thực chiến – mấu chốt của những hiểu lầm

Nhiều người nói Quyền là không thực chiến, không hữu dụng. Thực ra họ tư duy đúng. Nhưng tư duy đó đã định nghĩa sai về Quyền.

Nét đẹp đến từ sự tàn khốc của môn võ thực chiến nhất thế giới

12 động tác tập với Mộc nhân khi áp dụng vào thực chiến


Nhiều võ phái đã, đang, và sẽ còn rèn luyện, phát triển quyền của họ. Karate, Taekwondo, các võ phái cổ truyền Trung Hoa, Việt Nam là những đại diện võ thuật vẫn còn coi quyền là một trong những phần bắt buộc và quan trọng.

Mỗi bộ quyền là một tập hợp xác định và có thứ tự các đòn thế, chiêu thức, liên kết với nhau theo một bài bản. Quyền xuất phát từ nhu cầu tập luyện nhiều đòn thế trong một thời gian nhất định sao cho đúng, đủ, không bị thiếu đòn, nhịp nhàng, dễ dàng…, đó là lí do vì sao mà quyền có các đòn thế nhất định và trật tự. Trong nhiều bài quyền, có những đòn thế liền kề nhau ảnh hưởng đến nhau, tạo thành các chuỗi khóa – vật – kết liễu hay đỡ – phản công, điều này các khiến các đòn thế trong quyền liên kết chặt chẽ với nhau hơn. Khi truyền dạy võ thuật cho nhiều người cùng lúc, quyền càng thể hiện ưu thế bài bản, đồng nhất, dễ theo dõi, truyền dạy. Có thể nói, nếu như mỗi đòn đánh – đỡ, mỗi bước đi là một nốt nhạc, thì bài quyền chính là bản nhạc toàn vẹn. Quyền thể hiện những yếu tố và phong thái cơ bản nhất của các môn võ.

Nhiều môn võ có cách luyện tập khác, họ không dùng quyền. Họ chăm chú vào rèn thể lực và các kĩ năng tối cơ bản. Cao hơn nữa, họ nghiên cứu và rèn luyện cách kết hợp các đòn thế đặc trưng thành các chuỗi đòn với các chức năng và chiến thuật khác nhau. Boxing, Muay,…là những đại diện tiêu biểu cho cách luyện tập này. Họ không có quyền (một bài tập gồm nhiều đòn thế liên kết với nhau) nhưng họ lại có các combo, chuỗi đòn, cũng có tác dụng giống như một đoạn của bài quyền vậy. Nhưng khả năng biến hóa trong tập luyện cá nhân và thi đấu cao hơn những bài quyền xác định.

Việc luyện quyền hay không luyện quyền, đó là sự chọn lựa của mỗi môn võ, phụ hợp với đặc điểm và tư tưởng của môn võ đó. Một tay boxer sẽ thành ngớ ngẩn khi luyện quyền, nhưng người học Karate thì coi như chỉ học được một nửa nếu không luyện quyền. Không có chuyện sai hoặc đúng ở đây. Vấn đề là sự phù hợp, sự chọn lựa của mỗi môn phái, mỗi con người.

Vậy, tại sao nhiều người nói Quyền không hữu dụng?

Vấn đề chính là ở chỗ, rất nhiều người nhầm tưởng rằng những người luyện các môn võ sử dụng quyền, khi chiến đấu, họ sẽ bê nguyên cả bài quyền lên võ đài để múa may trước mặt đối thủ. Nếu họ thực sự làm vậy, họ sẽ ăn một đấm vào giữa mặt khi còn đang tung nắm đấm vào không khí. Nhưng thực tế họ đâu làm vậy. Những ai nói Quyền không hữu dụng thì chính là những người không biết gì về Quyền, bởi vì: QUYỀN LÀ MỘT HÌNH THỨC LUYỆN TẬP, KHÔNG PHẢI HÌNH THỨC CHIẾN ĐẤU.

Nói Quyền không thực chiến trong khi Quyền vốn không dành cho chiến đấu, chẳng khác nào nói cây búa không quét nhà được vậy.

Đã có không ít lần nhìn thấy những bình luận trên mạng xã hội: “Múa hết bài quyền là đã trúng bao nhiêu đòn rồi”, hay là “Cứ múa quyền đi, múa mệt tới lượt người ta đập”. Xin được nhắc lại câu nói trên, có lẽ hơi thừa, nhưng đó chính là điều duy nhất cần được đề cập ở bài viết này, giữa mớ suy nghĩ nhầm tưởng giữa Quyền và Thực chiến.

“Quyền là hình thức luyện tập. Không phải hình thức chiến đấu.”

Việc bạn tập Quyền hay không phụ thuộc vào môn võ bạn đang đeo đuổi. Việc Quyền có trở nên hữu ích hay không, tùy thuộc vào cách bạn phân thế, áp dụng và tập luyện sự áp dụng đó. Quyền là sản phẩm của tiến trình phát triển võ thuật lâu đời. Việc Quyền tồn tại trong những môn võ đến tận ngày hôm nay, không phải là điều tự nhiên mà có được. Trong những bài quyền cũng có mồ hôi, máu và nước mắt.

Có thể bạn quan tâm: Bài quyền đồng đội tự do của tuyển Taekwondo Việt Nam, năm 2013 tại  Bali – Indonesia.

[jwplayer player=”1″ mediaid=”70727″]

Phạm Vũ