Sau những thành công đầu tiên vào cuối thế kỉ XX, Taekwondo Việt Nam bỗng lặng im trong một thời gian dài và chỉ mới thật sự bùng lên trong những năm gần đây rất nhiều thành tích vang dội để “thoát khỏi ao làng” và vươn tầm châu lục. Chính vì thế, SEA Games 30 sắp đến chính là cơ hôi tốt nhất để Taekwondo nước nhà khẳng định vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và cả thế giới nói chung.
Taekwondo – Hình thành và phát triển
Là một môn võ phổ biến với hơn 60 triệu người luyện tập ở 184 quốc gia khác nhau, Taekwondo vốn mang đầy tính nghệ thuật và chính là một trong những môn võ được yêu thích bậc nhất thế giới.
Taekwondo có nguồn gốc cổ xưa. Các nghiên cứu tiết lộ những “môn đồ” đầu tiên đã xuất hiện từ những năm 50 TCN tại Hàn Quốc. Vào thời điểm ấy, các binh sĩ của nước Koguryo (1 tiểu vương quốc của Hàn Quốc lúc bấy giờ), gọi là HwaRang, đã khai sinh ra một môn võ tự vệ không cần vũ khí có tên là Soobak. Môn võ này đề cao các kĩ thuật và kĩ năng chiến đấu bằng chân, đồng thời giảm bớt đi các đòn tay. Điều này là bởi khi giao tranh, tay của các chiến binh HwaRang bận cầm vũ khí nên họ cần tận dụng 2 chi còn lại của cơ thể, đó là chân, để tăng hiệu quả chiến đấu.
Tuy là một trong những môn võ được yêu thích hàng đầu cũng như có một lịch sử hình thành và phát triển lâu đời bậc nhất, thế nhưng ít ai biết được rằng phải mãi đến tận năm 1945 môn võ này mới chính thức có một trường dạy đầu tiên tại Hàn Quốc, được gọi là một “Kwan.” Đúng một thập kỉ sau, vào năm 1955, khi các Kwan hàng đầu cùng tham dự một hội nghị về võ thuật. Họ quyết định hợp nhất một loạt các phong cách khác nhau về cùng một thể thống nhất trong việc giảng dạy. Đó cũng chính là lúc cái tên Taekwondo mà chúng ta biết đến ngày hôm nay chính thức ra đời.
“Tae” có nghĩa là “chân”, “kwon” có nghĩa là “nắm đấm” hoặc “phá hủy mọi vật bằng tay”, và “do” có nghĩa là một cách để làm điều gì đó đặc biệt. Vì vậy, cái tên “Taekwondo” chính là để chỉ khả năng sử dụng toàn bộ các chi cơ thể của bạn để bảo vệ bản thân trong môn võ này.
Ngày nay, các tổ chức, liên đoàn Taekwondo hàng đầu đã đặt ra rất nhiều những tiêu chuẩn chung vì sự cạnh tranh và phát triển của môn thể thao này. Mặc dù có rất nhiều tổ chức, liên đoàn của môn võ đến từ Hàn Quốc này, nhưng nhìn chung, Taekwondo được chia thành 2 hệ phái chính bao gồm WTF (World Taekwondo Federation) và ITF (International Taekwondo Federation).
Taekwondo mang đến cho người tập những sự cải thiện rõ nét về cả mặt thể chất mặt lẫn tinh thần. Những cuộc thi thăng đai sẽ giúp các học viên có được có được sự tự tin rất lớn để vượt qua kì thi lẫn những khó khăn trong cuộc sống. Hầu hết các môn võ khác đều đề cao tính kỉ luật, tinh thần cũng như hướng đến các triết lý của võ thuật. Tuy nhiên, chủ trương của môn võ từ xứ sở kim chi từ thuở sơ khai đã chú trọng đến sự tôn trọng người khác, tự chủ và trung thành với gia đình, bạn bè, đất nước. Cũng chính vì thế, các bậc phụ huynh thường chọn Taekwondo để giúp con cái tôi rèn những giá trị này bên cạnh việc tự vệ và cải thiện thể lực.
Môn võ này đồng thời cũng rất tốt để gắn kết các mỗi quan hệ giữa bạn bè hoặc gia đình khi luyện tập cùng với nhau. Các nhà khoa học mới đây đã chỉ ra rằng Taekwondo giúp học sinh, sinh viên dễ dàng đương đầu với các áp lực từ trong sinh hoạt hằng ngày. Những người theo tập môn võ này thường rất gắn kết với nhau như một gia đình thật sự. Đây có lẽ chính là báu vật vô giá nhất mà môn võ này dành tặng cho những học viên của mình.
Tuy chưa có một nghiên cứu cụ thể nào thế nhưng nhiều người tin rằng Taekwondo có khả năng đẩy lùi chứng tự kỉ cũng như ADHD (hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý) từ những đứa trẻ mắc phải những bệnh này.
Năm 1985, Taekwondo chính thức góp mặt tại ngày hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á tại SEA Games 13 diễn ra ở Thái Lan. Chính đại diện “xứ sở chùa vàng” này là một trong những quốc gia đạt nhiều HCV tại SEA Games nhất ở Taekwondo nói riêng và ở các môn thể thao khác nói chung.
Việt Nam – Taekwondo và SEA Games
Taekwondo được võ sư Choi Hong Hi hướng dẫn một đoàn võ sư Triều Tiên sang biểu diễn tại sân Tao Đàn ra mắt người dân Sài Gòn vào năm 1959. Và chỉ 3 năm sau đó, lớp đào tạo huấn luyện viên Taekwondo đầu tiên được mở ra tại nhằm phục vụ quá trình phát triển bộ môn này ở Sài thành. Ngay sau đó, Giải vô địch Taekwondo quốc gia lần đầu tiên được tổ chức và từ đó môn Taekwondo phát triển mạnh mẽ tại Sài Gòn với khoảng 108.000 người tập luyện. Quãng thời gian sau đó chứng kiến sự lớn mạnh từng ngày của môn võ mang đậm tính nghệ thuật này dù chưa có những thành tích nào thật sự nổi bật.
Mãi đến năm 1984 khi Sở TDTT TP.HCM ban hành “ Quy chế hoạt động Võ vật” nhằm giúp cho các môn võ kiện toàn tổ chức, định hướng phát triển với mục tiêu “ Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chỉ trong thời gian ngắn kể từ sau sự kiện này, Taekwondo Việt Nam đã phát triển nhanh chóng và xuất hiện khắp mọi miền đất nước. Những cái tên quen thuộc với những ai theo học môn võ này như Thầy Khúc Văn Bón, Thầy Nguyễn Long Vân, Thầy Đào Phúc Thế, Thầy Nguyễn Quốc Tâm,….và Thầy Trương Ngọc Để đã có công rất lớn trong việc phát triển phong trào Taekwondo Việt Nam, cũng như thiết lập một vị thế vững chắc của Việt Nam giữa các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á.
Lần đầu đến với sân chơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á, “Đất nước hình chữ S” đã có ngay tấm huy chương vàng đầu tiên của Trần Quang Hạ tại SEA Games 16. Đó cũng chính là cột mốc đánh dấu một giai đoạn vàng của Taekwondo Việt Nam vào những năm cuối thế kỉ XX – đầu thế kỉ XXI. Bởi ngay các kì SEA Games sau đó lại các đại diện của Việt Nam là Nguyễn Đăng Khánh và Trần Quang Hạ cũng đã lần lượt mang về các tấm HCV tại SEA Games 17 và 18.
Đỉnh cao của Taekwondo nước nhà phải kể đến kì SEA Games 19 với 3 chiếc HCV thuộc về các vận động viên Hồ Nhất Thống, Khúc Liễu Châu, Nguyễn Thị Kim Nga. SEA Games 20 đánh dấu cho một quá trình chuyển giao thế hệ cho sự phát triển vượt bậc của Taekwondo nước nhà khi trình làng “ cô gái vàng” Nguyễn Thị Huyền Diệu với 4 lần liên tiếp đoạt HCV tại sân chơi lớn nhất cấp khu vực, cùng với Nguyễn Văn Hùng với biệt danh “ độc cô cầu bại” khi 5 lần liên tiếp doạt HCV của Giải này (1999-2007).
Với sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, thể thao Việt nam nói chung và môn võ Taekwondo nói riêng cũng đã phát triển nhanh, mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ tại các kỳ Sea Games, Asiad, Thế Vận Hội 2000, Taekwondo trở thành một trong số các môn thể thao mũi nhọn của thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó là những cái tên khác như Nguyễn Trọng Cường, Phạm Thị Thu Hiền… với những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của bộ môn thể thao này.
Hành trình vươn mình của nền Taekwondo trước đây còn được Arirang, một kênh truyền hình của Hàn Quốc, ghi nhận bằng 1 đoạn phim ngắn dài 6 phút sau tấm HCB đầu tiên cấp thế giới do công của Trương Thị Kim Tuyền mang về cho nước nhà.
Thật vậy trong những năm gần đây, Taekwondo Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành công vang dội ở cấp độ châu lục. Tiêu biểu là thành tích của tuyển đấu Taekwondo Việt Nam với 5 HCV, 1 HCB và 5 HCĐ tại Giải Vô địch Taekwondo châu Á mở rộng lần 2 năm 2019. Nguyễn Văn Duy và các đồng đội được kì vọng sẽ giành được nhiều thành tích tốt trong thời điểm Việt Nam không được đánh giá cao ở hạng mục đối kháng. Dù được kì vọng là thế nhưng, con át chủ bài của nước ta tại SEA Games 30 sẽ tập trung vào tuyển quyền.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, quyền Taekwondo Việt Nam đã có một năm đại thành công với liên tiếp những thành tích vượt ngoài mong đợi trên các đấu trường danh giá của quốc tế. Tiêu biểu là việc tuyển quyền của chúng ta giành 3 HCV, 5 HCB và 7 HCĐ tại Giải Vô địch Taekwondo châu Á mở rộng.
Sau đó, tại đấu trường World Cup Taekwondo danh giá, chúng ta tiếp tục thể hiện sức mạnh khi giành đến 4 HCV, 8 HCB và 9 HCĐ. Gần đây nhất, khi tham dự Đại hội Võ thuật thế giới, Taekwondo Việt Nam cũng xuất sắc giành vị trí thứ 2 toàn đoàn với 1 HCV, 2 HCB và 1 HCĐ.
Chính vì những thành công liên tiếp nên tuyển quyền Taekwondo đã trở thành mũi nhọn của đoàn Việt Nam tại giải lần này. Quyền Taekwondo sẽ tham dự SEA Games 30 với 12 thành viên, tham dự 6 nội dung gồm quyền tiêu chuẩn cá nhân nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ, quyền sáng tạo cá nhân nam, nữ và đông đội. Các VĐV này đều là những cái tên tiêu biểu của Taekwondo Việt Nam, giành nhiều thành tích trong thời gian qua như Châu Tuyết Vân, Nguyễn Thị Lệ Kim, Nguyễn Thị Mộng Quỳnh, Hứa Văn Huy,…
Danh sách các vận động viên Taekwondo tham dự SEA Games 30 diễn ra tại Philippines từ ngày 30/11 – 11/12:
Thái Lan đã và đang là thách thức lớn nhất đối với đoàn Việt Nam tại giải đấu năm nay. Nhắc đến những võ sĩ đến từ “xứ sở chùa vàng”, hẳn người hâm mộ sẽ không thể nào quên được kì SEA Games 29 khi chúng ta đã đánh mất 2 tấm HCV vào tay người Thái ở nội dung đối kháng.
Cô gái vàng của Taekwondo Việt Nam Trương Thị Kim Tuyền và vận động viên lần đầu được tham dự SEA Games Võ Quốc Hưng đã lần lượt để thua trước Julanan Khantikulanon và Ramnarong Swaekwiharee đến từ Thái Lan. Những thất bại ấy đã giáng một đòn mạnh vào tham vọng của người Việt thế nhưng đấy cũng là các kinh nghiệm quý báu làm tiền đề để Taekwondo nước nhà củng cố vào mục tiêu mang HCV về cho Tổ Quốc.
HLV Nguyễn Thanh Huy – HLV trưởng tuyển quyền Taekwondo Việt Nam chia sẻ đánh giá: “Trong khu vực, Thái Lan có thế mạnh về quyền tiêu chuẩn. Trong khi đó, chúng ta có lợi thế về quyền sáng tạo, hầu như chúng ta nắm ưu thế ở tất cả các giải thế giới và châu lục vừa qua. Do đó, tôi đánh giá hai đối trọng của chúng ta sẽ là nước chủ nhà Philippines và Thái Lan. Chúng ta đặt mục tiêu 1 HCV và phấn đấu hết sức để có thể giành 2 HCV”.
Mặc dù thường giành kết quả tốt trong những thời gian gần đây thế nhưng võ thuật nói riêng và cả nền thể thao Việt Nam nói chung luôn tồn tại một điểm yếu cố hữu: thể lực. Để cải thiện tình trạng này, các chuyên gia thể lực hàng đầu đã được liên đoàn Taekwondo Việt Nam đưa về nhằm cải thiện thể lực, cải thiện tốc độ, sức mạnh trước thềm SEA Games 30.
Khoảng thời gian bay cao với các danh hiệu liên tiếp ở các đấu trường cấp châu lục, thậm chí là cấp thế giới sẽ là bàn đạp vững chắc cho Taekwondo Việt Nam giành vinh quang ngay tại SEA Games 30. Mặc dù vẫn còn nhiều yếu điểm vẫn cần được khắc phục cùng với áp lực đến từ đối thủ lớn nhất là Thái Lan, thế nhưng đoàn thể thao nước nhà vẫn được kì vọng sẽ gặt hái được thêm nhiều chiến tích vang dội ngay tại giải đấu cấp khu vực năm nay.
Anh Vũ – Hoài Phương